Sống với người nghèo vùng sâu

Thứ tư - 03/08/2011 15:11
Người dân nghèo ở vùng sâu Tân Thạnh đã quen thuộc với hình ảnh một vị thầy dáng người mảnh khảnh, nhanh nhẹn và hơn cả là một tấm lòng vì mọi người. Thầy đã lặn lội khắp nơi để sống hòa mình, bằng cách cùng chung sức với bà con vùng sâu, vùng xa chia sẻ những kinh nghiệm tu tập và những khó khăn trong cuộc sống.

Đó là ĐĐ.Thích Lệ Tấn, trụ trì chùa Giác Hoa (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, Long An), đại diện Phật giáo liên huyện Tân Thạnh - Mộc Hóa - Vĩnh Hưng.

Vững tay chèo

Thầy Lệ Tấn về trụ trì chùa giữa lúc trận lũ lịch sử (năm 2000) diễn ra trong mái chùa ọp ẹp, thầy không bắt tay vào sửa chùa mà đi quyên góp cứu trợ nạn nhân qua cảnh gian khổ trận lũ. Vượt qua biết bao khó khăn thầy đã  dấn thân, cùng với bà con chống lũ vượt qua những cái đói, cái rét... hình ảnh đó đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân chất phác.

Không chỉ làm Phật sự, tâm nguyện của thầy là dấn thân với người nghèo bằng cách cùng đồng cảm và chia sẻ với khó khăn mà họ phải đối mặt. Chính vì thế, trong 10 năm qua, thầy đã đi khắp nơi vận động và nhận được sự giúp sức, góp công và tiền mặt để xây dựng 36 cây cầu bê- tông cốt thép, hơn 120 căn nhà tình thương. Thầy cũng là người đem lại niềm tin cho hàng ngàn người bằng việc đem lại ánh sáng cho người mù nghèo và nhiều người khuyết tật có phương tiện làm ăn, sinh sống...

 

Tặng kinh sách cho Phật tử nhằm khuyến tấn tu học 

Nhiều người còn biết đến thầy như là một “kỹ sư áo nâu” bởi thầy đã trải qua lớp học kiến trúc sư về cầu đường và luôn gắn bó với từng chiếc cầu yêu thương qua bản vẽ, thiết kế và theo dõi thi công. Thầy nhớ lại: “Những ngày đầu về đây, thấy cảnh học sinh đi lại bằng xuồng trong mùa mưa lũ bị trở ngại và trễ học. Tôi không ngại đi vận động nhà hảo tâm, đại lý kinh doanh từng cây sắt, bao xi - măng, ai cho bao nhiêu tôi nhận bấy nhiêu, phối hợp chính quyền địa phương cùng làm nên những chiếc cầu”.

Những cây cầu được xây dựng từ công sức của nhiều người như vậy được hình thành và đưa vào sử dụng, nhiều nhất là thuộc huyện Tân Thạnh. Ở đây, người dân còn quá khó khăn, một chiếc cầu thuận tiện cho giao thông là cả một mơ ước. Và mơ ước ấy trở thành hiện thực, đó là cầu kênh Năm Ngàn (xã Nhơn Ninh), kênh Quận, kênh Nông nghiệp (xã Hậu Thạnh Đông) với kinh phí hàng trăm triệu đồng...

Thầy cho biết, làm từ thiện với tấm lòng nhiệt huyết, tận tâm thôi chưa đủ mà cần phải thấy việc chung đó là việc của mình: “Cây cầu kênh Quận khánh thành vào năm 2009, lúc đó thiếu tiền xây, tôi hỏi các nhà thầu không ai chịu nhận vì số tiền 120 triệu đồng chỉ làm nửa cầu. Vậy mà tôi quyết tâm tới cùng nên mọi việc đều hoàn tất”.

“Đạo không đời - đạo chẳng cho ai”

Làm việc thiện bằng tâm trong sáng và dấn thân sẵn sàng đến chia sẻ những hoàn cảnh còn khó khăn. Nhiều chương trình thầy làm mang ý nghĩa thiết thực trong đời sống như phẫu thuật mắt cho người nghèo thuộc khu vực các tỉnh miền Tây, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu… Thầy còn phối hợp các bạn trẻ đồng tu và Phật tử có cơ hội chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn hơn vừa có cơ hội tập tu. Hay như bệnh nhân nghèo được chăm sóc y tế, điều trị bệnh được thầy lo chi phí và điều trị tại các bệnh viện có uy tín như: Chợ Rẫy, An Bình, 115, Nguyễn Tri Phương…

Bà Huỳnh Thị Đối, ấp Nguyễn Khỏe, xã Hậu Thạnh Đông (88 tuổi), đi lễ chùa phải có người dắt vì bị mù lòa. Bà bị thương một mắt trong chiến tranh do địch dùng thủ đoạn hành hạ và một mắt bị cườm. Bà được thầy Lệ Tấn giới thiệu mổ mắt miễn phí tại Bệnh viện Ngô Quyền nên mắt sáng và đi lại làm lụng việc nhà được khoảng 5 năm nay. Nhờ vậy, mà gia đình bà đã quy y Tam bảo, biết tụng kinh và thỉnh thoảng xem sách Phật tại nhà và khuyến dẫn con cháu làm lành, lánh dữ.

Phật tử Thiện Chương cho biết thêm, thầy thường cho rằng: “Đạo không đời - đạo chẳng cho ai”, vì vậy, có lần nghe tin anh Huỳnh Chí Hiếu bị liệt do đang làm hồ bị sập giàn giáo phải nằm trong căn nhà mục nát, thầy đã ra tay tiếp cứu, vận động nhóm từ thiện “Vòng tay nhân ái” của Việt kiều Úc xin được 51 triệu đồng cất được một căn nhà tình thương cho anh Hiếu.

Với tinh thần từ bi cứu khổ ban vui “lá lành đùm lá rách”, chùa Giác Hoa đã thành lập một chi hội Chữ thập đỏ xã Hậu Thạnh Đông do thầy quản lý, chi hội với trên 100 hội viên, xây dựng quỹ hoạt động tự nguyện để thăm bệnh Phật tử, thăm người già neo đơn, người nghèo, gia đình chính sách, tài trợ cho Bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa Tân Thạnh và Mộc Hóa, hỗ trợ cho phòng thuốc Nam miễn phí…

 

Cầu bê-tông bắc qua sông do thầy Lệ Tấn vận động xây dựng 

Biết Phật tử vùng sâu còn khó khăn nên thầy chú trọng công tác hoằng pháp cho Phật tử. Chùa thường tổ chức thọ Bát quan trai và các hoạt động khác như tổ chức ngày Lễ Phật đản, Phật thành đạo, Lễ Vu lan, lập phòng phát hành kinh sách... giúp Phật tử có cơ hội tìm hiểu Phật pháp. 

Chính việc làm của ĐĐ.Thích Lệ Tấn như chất xúc tác thêm “hạt bồ đề tâm” để ngày càng nhiều người đến chùa tu học, hướng Phật.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây