Đình làng là một kiến trúc lớn nhất ở nông thôn, một ngôi nhà công cộng gắn với dân làng dưới thời phong kiến và cũng là nơi thờ thần bảo vệ làng (Thành hoàng). Hầu hết công việc chung của làng và hội làng đều diễn ra ở đình.
Phối cảnh công trình xây mới cổng và tường rào đình Cẩm Thượng.
Đình có nghĩa là dừng. Khởi đầu, đình là một kiến trúc mang chức năng đón nhận người qua lại và thường là những quán nhỏ công cộng bên đường làm nơi nghỉ tạm cho khách bộ hành hay là nơi tránh mưa, nắng cho dân đi làm đồng. Dần dần, chuyển thành một dạng nhà đặc biệt mang nhiều chức năng: dịch đình, phương đình, đình làng...
Dịch đình là nơi
tạm trú cho khách phương xa chờ đợi chầu vua. Phương đình được dựng trên mặt hồ
nước trước cửa đền chùa, gắn với múa rối nước. Đình làng là một dạng kiến trúc
khá đặc biệt của người Việt. Theo “Đại Việt sử ký Toàn thư” của Ngô Sĩ Liên vào
thời Lê Thánh Tông (1470-1497), nhà vua muốn có nơi ban bố lệnh của triều đình,
nên đã dùng tài “ông Thùy, ông Thâu” (hai người thợ mộc nổi tiếng, có tính
tượng trưng) mà dựng nên ngôi đình Quảng Vân ở đất đế đô.
Như vậy, khởi đầu đình làng mang chức năng như một trụ sở. Đến thế kỷ XVI, đình làng trở thành một thực thể văn hóa của làng xã ngoài chức năng trụ sở của chính quyền ban bố chính lệnh của triều đình còn thờ Thành hoàng làng.
Một ngôi đình có
bố cục mặt bằng đầy đủ, có khá nhiều kiến trúc quanh tòa đại đình. Mở đầu, với
các đình thời Mạc (thế kỷ XVI) có kết cấu hình chữ nhật (chữ “nhất”), ba gian
hai chái, dựng trên nền cao vừa phải, có sạp để dân ngồi và có sàn cao nối hai
cột cái phía sau gian giữa với hai cột hàng nhì để thờ Thành hoàng làng, không
có tường cao.
Đến cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII trong xu hướng thâm nghiêm hóa thần linh, đình làng khẳng định thêm chức năng đền thờ thì kiến trúc đình nảy sinh thêm phần hậu cung. Cuối thế kỷ XVIII, bắt đầu có cổng trụ, rồi sang thế kỷ XIX hình thành dần nhà tiền tế, tả vu và hữu vu.
Càng về sau, ngôi đình gần hơn với tính chất đền, theo đó nhiều loại cây thiêng được trồng ở gần sân đình. Đến khoảng đầu thế kỷ XX, quy mô của đình làng bị lấn át bởi kiến trúc đô thị, trước mặt đình người ta trồng đủ loại cây, phá vỡ không gian cơ bản của ngôi đình. Cũng có thể nói như vậy khi xuất hiện các loại cổng đình, đặc biệt phổ biến là các nghi môn dạng tứ trụ. Các loại cổng đình làng đều là sản phẩm khi yếu tố tín ngưỡng xa rời tính thực dụng của nông dân Việt Nam đã mạnh dần lên. Và chủ yếu các nghi môn đó thường được làm từ thế kỷ XIX về sau.
Như vậy có thể khẳng định rằng, ban đầu đình làng là một không gian mở, không có tường rào cổng ngõ, có mối quan hệ gần với đời thường, khiến con người đi từ trong làng vào địa phận đình ít có cảm giác thay đổi về không gian. Và ngôi đình chỉ có một tòa kiến trúc (bố cục chữ “nhất”) thường 3 gian 2 chái.
Nhằm bảo tồn và
phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của cha ông, hiện nay một số đình
làng đã và đang được nhân dân tu bổ, phục hồi, tôn tạo và phát huy ở các huyện:
Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Ân… Có 2 đình làng Vinh Thạnh (Tuy Phước) và Cẩm Thượng
(Quy Nhơn) đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đình Cẩm Thượng được UBND TP Quy
Nhơn đầu tư tôn tạo, xây mới cổng và tường rào, phòng Văn hóa – Thông tin đang
niêm yết mẫu thiết kế để lấy ý kiến nhân dân với kiểu kiến trúc Tam quan - một
kiểu thức chỉ gắn bó với chùa.
Tam quan là kiến trúc đầu tiên báo hiệu một ngôi
chùa. Mang yếu nghĩa Phật triết, Tam quan chùa thực chất là một tuyên ngôn Phật
pháp. Là cái cổng (cửa) nhưng chữ quan (cửa) đồng âm với chữ quan (lối nhìn).
Nếu chỉ là cửa, chùa không nhất thiết phải có đến ba lối đi. Để biểu hiện về ba
lối nhìn mà kiến trúc này đã được chia ra thành: không quan, giả quan và trung
quan. Không quan là lối nhìn cốt lõi chung của cả muôn loài, muôn vật, tức là
nhìn về bản thể chân như.
Giả quan là lối nhìn thấy muôn loài, muôn vật, có sinh ắt có diệt. Trung quan là cách nhìn trí tuệ, đi sâu vào ý nghĩa cứu cánh của đạo; hiểu sâu sắc về không và giả mà bước vào chính pháp, dẫn tới giải thoát. Như vậy, rõ ràng Tam quan chỉ gắn bó với chùa, không có cổng đình hoặc đền xây kiểu Tam quan, mà chỉ xây kiểu nghi môn với ý nghĩa thực tế là cửa (cổng).
Đã có một số cổng đình xây theo kiểu thức Tam quan. Năm 2004, di tích đình Kiêm Liên và đền Voi Phục (Hà Nội) trùng tu đã bị một số nhà nghiên cứu và báo chí lên tiếng “Đem cổng chùa Láng cắm trước đình Kiêm Liên”, “Cổng đình Kiêm Liên, đền Voi Phục đều nhái cổng chùa Láng”… Mong rằng, các nhà trùng tu tôn tạo di tích đình Cẩm Thượng TP Quy Nhơn cân nhắc kỹ trước khi xây dựng.
Nguồn tin: Nguyễn Thanh Quang
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự