Hầu đồng dưới góc nhìn hiện thực (Kỳ 1)

Thứ hai - 18/07/2011 14:51
Sau cả phân nửa thế kỷ vắng bóng trong đời sống văn hóa tâm linh dân tộc, khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, tục hầu đồng bắt đầu dần hồi sinh cùng nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc cổ truyền khác.

Báo PLVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc góc nhìn của Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền đối với tục hầu đồng qua lăng kính hiện thực.

Hầu đồng là một sinh hoạt chủ chốt của tín ngưỡng Tứ Phủ. Với bản chất là một tín ngưỡng dân gian của người Việt tôn thờ Thánh mẫu, hầu đồng sinh hoạt theo phương thức trao gửi vật phẩm để cầu tài cầu lộc. Đây được xem như vết tích còn lại của hình thái tín ngưỡng cổ xưa. Ở đó, con người có một niềm tin chân thành rằng, càng cúng nhiều vật phẩm bao nhiêu, họ sẽ càng nhận được nhiều sự phù trợ bấy nhiêu từ thế giới thần linh.

Cổ truyền, tục hầu đồng thờ Thánh mẫu là tín ngưỡng rất phổ biến trong giới các thương gia, tầng lớp có đời sống vật chất khá giả. Trong lịch sử tín ngưỡng, các bậc cao niên kể lại rằng cuộc sống càng no đủ thì các vật phẩm hành lễ càng phong phú và đắt tiền.

Như thế, một lễ lớn thế nào sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng ông đồng, bà đồng. Xưa, trong giới bản hội Tứ phủ đã lưu truyền thành ngữ “đồng nghèo, lính khó” để chỉ những chân đồng nghèo không có điều kiện tổ chức những vấn hầu lớn, tốn kém. Nhà giàu hầu đồng kiểu nhà giàu, nhà nghèo hầu đồng kiểu nhà nghèo. Điều này cho thấy tính đa dạng giàu nghèo tự nhiên vốn có trong giới các chân đồng.


Cung văn Nguyễn Thế Tuyền và Đào Thị Sại (Nam Định

Để chuẩn bị một vấn hầu, người ta phải chuẩn bị vật phẩm cúng bái và khối lượng tiền mặt từ nhiều ngày trước, bao gồm cả thù lao cung văn cũng như lệ phí đền phủ tổ chức hầu đồng. Như đã nói, đồ lễ nhiều hay ít, giá trị cao thấp thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng chân đồng. Tùy vào từng giá đồng cụ thể mà các chân đồng sẽ “hóa thân” vào vai các vị thánh trên điện thần để ban tài phát lộc cho những người tham dự.

Sự “hóa thân” ở đây trên thực tế là trí tưởng tượng của họ, nên đương nhiên có nhiều phần tỉnh táo. Các chân đồng luôn có ý thức rõ ràng khi “ban tài phát lộc” cho ai, cho cái gì và cho bao nhiêu, điều đó không quy định mà tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế. Thường các cung văn, các vai phụ đồng và những người thân tham dự bao giờ cũng được chân đồng “chú trọng” hơn cả. Theo quy định, kết thúc mỗi vấn hầu thì chân đồng cũng phải “ban tài phát lộc” cho bằng hết mọi vật phẩm và tiền bạc đã chuẩn bị trước đó.

Về địa điểm hành lễ, tất cả mọi đền phủ có thờ thánh Mẫu đều là nơi để các chân đồng bắc ghế hầu. Điều đặc biệt trong tín ngưỡng Tứ phủ, tùy vào hoàn cảnh mà các con nhang đệ tử còn có thể lập điện thờ riêng tại tư gia để hầu đồng.

Thậm chí, ngày nay không hiếm các ngôi chùa đã lập điện riêng phối thờ thánh mẫu, nhằm thu hút các chân đồng tới hành lễ, như một sự hỗn dung văn hóa tín ngưỡng. Nói thế để thấy được diện bao phủ tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian lớn như thế nào. Đương nhiên trong số đó, những đền thờ, điện thờ có tiếng đồn là “thiêng” bao giờ cũng thu hút đông người đến đăng ký bắc ghế hầu nhất.


Một buổi hầu đồng.

Hiện nay, lệ phí trung bình cho mỗi lần hầu đồng ở những đền phủ các tỉnh thường dao động khoảng trên dưới 500.000 đồng. Ở thành phố lớn thì có thể còn hơn thế. Theo đó, chuyện chính quyền các địa phương tổ chức đấu thầu vị trí cai quản đền phủ (thủ nhang) đã trở thành phổ biến. Có những ngôi đền, thủ nhang thắng thầu phải nộp vào ngân sách địa phương vài tỉ đồng mỗi năm.

Họ đương nhiên có quyền thu lệ phí hầu đồng từ các chân đồng, lệ phí làm ăn của các cung văn cũng như hưởng những nguồn lợi kinh doanh ăn theo khác từ đám đông hành lễ cúng bái mỗi năm. Đó là một mối quan hệ kinh tế mang tính cung cầu rất tự nhiên hình thành từ bao đời nay trong tín ngưỡng Tứ phủ.

Sau phân nửa thế kỷ vắng bóng trong đời sống văn hóa tâm linh dân tộc, khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, tục hầu đồng bắt đầu dần hồi sinh cùng nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc cổ truyền khác. Trong sự hồi sinh toàn bộ và từng phần của tín ngưỡng Tứ phủ, cũng tồn tại nhiều vấn đề gây tranh cãi, như sự xuống cấp của nhạc chầu văn, hay trình độ thưởng thức nghệ thuật của các chân đồng... cùng nhiều vấn đề nổi cộm khác.

Vài năm qua, dư luận còn xôn xao chuyện những vấn hầu đồng tốn "bạc tỉ", được đánh giá là mê tín, xa hoa và lãng phí. Như đã nói, hầu đồng vốn là một niềm tin hồn nhiên trong việc trao gửi - cầu xin - đón nhận tưởng tượng. Lẽ thường, phú quý sinh lễ nghĩa, giới các ông đồng, bà đồng trong xã hội ngày nay không thiếu những người buôn may bán đắt, làm ăn khá giả.

Hãy tưởng tượng, một chân đồng với gia tài giàu có cỡ cả trăm, nghìn tỉ đồng thì việc chi tiêu sắm sanh lễ vật tốn vài tỉ đồng mỗi vấn hầu cũng không có gì là khó hiểu. Nhìn nhận hiện tượng này, có lẽ cần bình tĩnh xem xét sự việc với bản chất vốn có của nó.

(Còn tiếp)

Nguồn tin: PLVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây