Cơn lốc cuộc đời
Nguyễn Thế Dũng sinh năm 1968 tại Hải Phòng, học hết lớp 9, Dũng bỏ học để lêu lổng với đám bạn bụi đời. Lang bạt kỳ hồ, Dũng là mối lo, là mầm họa lớn nhất của cả gia đình. Gia đình Dũng đã thở phào nhẹ nhõm khi gã có giấy gọi nhập ngũ đi nghĩa vụ vào năm 1985. Mấy năm sau xuất ngũ, Dũng vẫn chứng nào tật ấy, thích cuộc sống đua đòi, lêu lổng, quậy phá, coi nhà mình chẳng khác gì nhà trọ. Khi đất Cảng - Hải Phòng có phong trào kinh doanh sắt thép, sắt vụn, mấy anh em Dũng là Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Đức Hiền cũng khởi nghiệp bằng nghề buôn sắt vụn. Đây là một nghề kiếm bộn tiền lúc bấy giờ.
Sau một thời gian ngắn ra nghề, nhờ những mối quan hệ xã hội trước đây, lại thêm sự liều lĩnh, Dũng đánh thẳng hàng từ Hải Phòng sang Trung Quốc qua đường Móng Cái. Kiếm tiền vô khối, anh em Dũng sống xa hoa, ăn chơi như những ông hoàng. Có tiền, chịu chơi, đương nhiên mấy anh em Dũng đều dính vào ma tuý. Các khoản đánh lộn, cờ bạc, gái gú đều có số có má ở đất cảng. Với thành tích bất hảo của mình, Dũng được mệnh là Dũng “Hồng Bàng”, có “lãnh địa” riêng, xưng hùng xưng bá chẳng ngại bất cứ “đại ca” nào.
Thời gian này, anh em Dũng thi thoảng về quê, đi bằng chiếc xe máy mà cả vùng Hà Nam Ninh lúc đó không ai có, ở Hải Phòng cũng chỉ có vài chiếc. Đám thanh niên ở Nam Thái lúc đó ai cũng nhìn thèm thuồng. Khi lún sâu vào ma tuý thì cửa làm ăn ở Trung Quốc cũng sập. Chỉ mấy chuyến hàng bị cơ quan chức năng thu giữ, Dũng trắng tay.
Loay hoay ngoài xã hội, mấy lần định “làm ăn lớn” nhưng đều đổ bể. Đói thuốc, Dũng làm liều, viết hoá đơn khống để chiếm đoạt tiền. Sự việc bị phát giác, cuối năm 1990, Dũng khăn gói vào tù. Từ thời gian này trở đi, cho đến năm 2004, Dũng có nhiều lần vào tù và không nhớ rõ mình đã vào tù vì tội gì. Gã chỉ biết, khi được thả ra thì gã lại chích hút, cờ bạc, trấn lột… Rồi đánh nhau, tàng trữ trái phép chất ma túy và vũ khí.
Suốt những năm tháng đó, Dũng ngặt ngoẹo bởi nghiện ngập, lại thấy các băng nhóm khác nổi lên tranh giành lãnh địa sau khi các bậc “tiền bối” như Lâm Già, Cu Nên, Dung Hà bị công an đánh tơi tả, Dũng đã ngấm ngầm “vũ trang” để “lấy số giang hồ”. Dũng và anh trai của mình là Nguyễn Văn Hùng đã phải trả giá cho hành vi của mình bằng những năm tháng bóc lịch trong tù.
Năm 2003, em của Dũng là Nguyễn Đức Hiền chết vì ma túy, gã thấy ớn lạnh sống lưng và thấy lo sợ cho số phận của mình. Khi được tha tù, gã muốn chết. Gã cùng Hùng trở về quê ngoại (thôn Phú Hào, xã Nam Thái, Nam Trực, Nam Định) với hy vọng chơi một thời gian, rồi sẽ tìm đến cái chết.
Trở về quê, coi như một… bãi đáp, Dũng với dáng người cao lênh khênh, xăm trổ kín, gặp bất cứ ai “nóng mắt” là vác dao tới chém. Quá mệt mỏi với sự ngang tàng của anh em Dũng, họ hàng thân thích cũng dần xa lánh. Lúc đó, bởi nghiện ma tuý đã nặng, thân xác Dũng tiều tụy, mụn nhọn nổi khắp người. Nghĩ mình chẳng sống được bao lâu, Dũng càng tuyệt vọng, càng phá phách hơn. Còn Hùng, anh Dũng, lúc này cũng bệnh tật lết bết. Đầu năm 2009, Hùng qua đời.
May mắn gặp… “Phật sống”
Khi đó, ông Nguyễn Trung Kiên - người được dân làng tôn là “Phật sống” - đang là Thủ chùa Đông Linh Tự, thôn Phú Hào. Tận mắt thấy Dũng gây gổ, tận mắt thấy Dũng huỷ hoại đời mình, ông đau xót lắm.
Thấm câu “cứu một mạng người bằng xây bảy ngôi chùa”, ông muốn giang tay cứu Dũng, người khi ấy đã tự “đặt vé” cho mình trên “chuyến tàu về bên kia thế giới”. Ông Kiên nhìn thấy sự ngổ ngáo của anh em Dũng, ban đầu cũng ngại tiếp xúc. Nhưng sau một vài lần trò chuyện, ông thấy ở Dũng mầm thiện vẫn còn. Vậy là, một lần, thấy Dũng đang ngáo ngơ ở gần chùa, ông gọi Dũng vào nói chuyện. Bằng những tâm sự và “đòn” tâm lý, ông Kiên đã hiểu thêm tính tình và sự chán chường của Dũng. Anh em Dũng bị dân làng, họ hàng xa lánh, nên đang định quay lại Hải Phòng.
Dũng tâm sự với ông Kiên: “Đời con chẳng còn gì, bố già ạ! Con đã đánh mất tất cả rồi. Bây giờ con chỉ muốn chết. Chết cho đỡ khổ, đỡ nhục!”. Nghe thấy điều đó, ông Kiên thấy đắng lòng và nhận thấy Dũng đang rất tâm trạng. Gã đã cùng đường và thực tình, đang yếu đuối. Ông đã đưa tay ra nắm lấy bàn tay gầy guộc của Dũng mà động viên, an ủi.
Ông Kiên nghĩ mình nên làm điều gì đó để giúp Dũng, mà việc quan trọng hơn là phải giúp Dũng cai nghiện. Thấy Dũng khóc rưng rức, ông Kiên vỗ vai bảo: “Ở lại đây với bác, bác cai nghiện cho. Ở nơi cửa Phật, bác tin con sẽ cai được nghiện, thanh tẩy được tâm hồn. Con hãy ra hẳn đây, bác sẽ là bố đỡ đầu cho con”.
Sau buổi gặp mặt định mệnh ấy, Dũng chuyển ra chùa sống chung với ông Kiên. Tiếp nhận “đứa con bất trị”, ông Kiên đã phải… giả điếc trước những lời dị nghị, đàm tiếu của dân làng. Ông Kiên biết, cai nghiện là việc khó tựa lấp biển, dời non. Qua sách báo, ông thấy có người cai đến cả chục lần mà vẫn chứng nào tật nấy, ngựa cũ quen đường. Thế nhưng, ông tin bố con ông sẽ thành công nếu cả hai cùng quyết tâm.
Cứ khi Dũng lên cơn thì ông lao vào ghì chặt con xuống giường. Dù hai bố con đã thỏa thuận trước với nhau, nhưng lần nào cũng thế, khi lên cơn vật thuốc, Dũng chẳng khác gì một con thú hung hãn, đánh ông đến chảy máu.
Đau đớn nhưng vì con, ông cắn răng chịu đựng. Rồi bằng tình thương, bằng lời nói và những bài giảng đạo đức nơi cửa Phật, ông Kiên đã dần làm cho cái máu nghiện ngập mấy chục năm trong người Dũng nguôi dần. Rồi những ngày kinh hoàng ấy cũng trôi qua. Dũng đã cắt được cơn nghiện.
Ông Kiên nghĩ đến việc giúp Dũng ổn định, mà để ổn định được thì phải có gia đình, vợ con. Ông đã đi tìm người và mai mối cho Dũng. Thế nhưng, khi vào việc ông mới thấy chẳng đơn giản chút nào. Người trong làng, ngoài xã ai cũng mến ông, nhưng khi ông bày tỏ ý định mai mối của mình thì họ… liền xua đuổi. Đúng lúc bí quẫn, không tìm đâu ra… vợ cho con nuôi mình thì ông nghĩ đến cô con gái đang làm ở miền Nam. Ông liền gọi con về.
Tình yêu xoa dịu vết thương
Cô con gái út Nguyễn Thị Hằng của ông Kiên trở về, không hề biết là bố mình có ý định gả mình cho Dũng. Ở Sài Gòn, Hằng đã từng nghe gia đình nói về Dũng qua điện thoại. Trong ký ức chị, Dũng đúng là một kẻ… đáng sợ. Trong bữa cơm sum họp gia đình hôm đó, nhìn cô con gái mình, ông Kiên mới giãi bày mong muốn của mình. Chẳng ai tin Dũng có thể hoàn lương ngoài ông nên ý định đó đã bị mọi người phản đối kịch liệt. Phản đối gay gắt nhất lại chính là Hằng. Cô bảo, cô không gửi gắm đời mình cho một người có quá khứ bất hảo dù có ế chồng.
Nguyễn Thế Dũng trong ngày cưới
Biết chẳng thể ép duyên con, ông Kiên chuyển sang “chiến tranh du kích”. Thỉnh thoảng thủ thỉ một vài câu với hy vọng mưa dầm thấm lâu và tạo nhiều cơ hội để Hằng và Dũng gần nhau. Và rồi chiến thuật ấy của ông đã thắng. Lửa gần rơm, Hằng cũng thấy Dũng là người dễ mến chứ không đáng sợ như cái vẻ ngoài gồ ghề, dữ tợn. Hơn nữa, hoàn cảnh của Dũng khiến chị động lòng trắc ẩn. Chị nghĩ, mình bỏ rơi Dũng sẽ chẳng khác nào đẩy Dũng vào đường cùng, chẳng khác nào hắt công lao của bố mình xuống sông xuống bể. Suy đi tính lại, Hằng gật đầu.
Một ngày lành tháng 2-2005, ông Kiên tổ chức cho đôi trẻ. Đám cưới đơn sơ nhưng hàng xóm láng giềng ai cũng đến chúc mừng. Một đám cưới không phải đưa dâu, hiếm có trên đời. Tổ chức cho hai con xong, ông cắt đất rồi dựng nhà cho Dũng.
Dắt nhau về nhà mới, Hằng cũng bắt tay ngay vào việc… dạy chồng. Dũng sinh ra và lớn lên ở thành phố, khi trưởng thành thì lang bạt ngoài xã hội nên vô cùng xa lạ với việc nhà nông. Những hôm đầu theo vợ ra đồng, Dũng chẳng dám lội xuống ruộng vì sợ… bẩn. Thế nhưng, được sự “huấn luyện” của vợ, chỉ mấy tháng sau, Dũng đã “lột xác” thành một nông dân chính hiệu. Việc cày bừa, cấy hái Dũng thuần thạo chẳng kém bất cứ một ai.
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch UBND xã Nam Thái nói về Dũng: “Một người như Dũng chuyên chỉ có ăn trắng mặc trơn, giờ về quê làm ăn lương thiện, có thể làm ruộng, sống hòa đồng, hiền như cục đất là điều đáng mừng. Chúng tôi cũng thấy, Dũng còn có thể cùng vợ lội ruộng, mò cua bắt ốc, chịu được cái rét là quá giỏi. Giờ thì kinh tế của họ cũng khấm khá lắm!”
Nguồn tin: PLVN
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự