Đã có tiền để đúc tượng ngựa Xích Thố nhưng lại phát sinh chuyện nan giải là tìm nghệ nhân có thể đúc tượng ngựa đẹp. Sau khi tìm khắp các tỉnh miền Tây, sư Thích Huệ Đức tới gặp một người tên là Ba Đém (quê ở Sóc Trăng). Ông Ba Đém là một nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng trong việc xây dựng đình chùa ở miền Tây. Sau đó, ông Ba Đém nhận lời nhưng đòi một mức thù lao đúng bằng 50 lượng vàng. Tin tưởng vào khả năng của ông Ba Đém nên sư trụ trì đồng ý mời nghệ nhân này về đúc ngựa, đó là năm 1964.
Tượng ngựa được ông Ba Đém đúc liên tục trong vòng một tháng. Trong quá trình làm tượng, ông chỉ dùng một người thợ phụ ngoài ra không cho ai bén mảng tới gần. Tượng ngựa được làm bằng chất liệu xi măng trộn màu, với khung sườn cốt thép. Ngoài đúc thân ngựa ông còn đúc cả những bộ phận nội tạng của ngựa như tim, gan, phổi... rồi cho vào bụng ngựa trước khi đắp lại.
Đến nay mục đích và ý nghĩa của hành động lạ thường này vẫn là một câu chuyện mang đầy màu sắc bí ẩn chưa có lời đáp. Pho tượng này có toàn thân màu hồng sậm, cao hơn 3 m, dài khoảng 2 m với tư thế dũng mãnh, hiên ngang như đang chuẩn bị xung trận. Tuy đã trải qua trên 50 năm, pho tượng trên vẫn còn rất mới dù chưa một lần trùng tu.
Ngôi chùa chỉ có một nhà sư
Chùa Già Lam Cổ Tự có tổng diện tích 2.376 m2. Hòa thượng Thích Huệ Sanh cho biết lúc mới xây chùa có tên là Quan Thánh Đế, đến năm 1970 thì đổi thành Già Lam Cổ Tự. Sau khi sư thầy Thích Huệ Đức viên tịch, Hòa thượng Thích Huệ Sanh tiếp quản ngôi chùa và là vị sư duy nhất trong ngôi chùa độc đáo này.
Hòa thượng Thích Huệ Sanh cho biết ông vào chùa năm 8 tuổi và đến nay ông đã 68 tuổi. Thời gian qua, ông một mình trông nom ngôi chùa, bảo quản các tượng... vì không tìm được đệ tử. Ngoài ra, khi các công trình hoàn thành ông là người trực tiếp sơn trang trí cho các tượng, có như thế mới bảo đảm sự hài hòa với màu sắc, khung cảnh của chùa.
Thời gian qua, Già Lam Cổ Tự nổi tiếng khắp nơi vì có đến 145 tượng lớn nhỏ trong chùa, tất cả đều được xem là tuyệt tác nghệ thuật.
Trong đó các tượng lớn ở sân chùa phải kể đến như tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 14 m, tượng Phật Quan Âm cao 12 m, tượng Đức phật thuyết pháp, quan cảnh Vườn Lâm Tỳ Ni, 25 đỉnh hương… Hay trong chánh điện có tượng Quan Công, thập bát la hán và thập điện minh vương…, mỗi bức tượng là một câu chuyện liên quan đến nhà Phật và cũng là một tuyệt tác nghệ thuật. Các bức tượng này đều do phật tử của chùa cúng dường, sau đó nhà chùa mời nghệ nhân về tạc.
Dù không có quá trình xây dựng lâu đời như các ngôi chùa cổ khác nhưng bây giờ đến với Già Lam Cổ Tự, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bức tượng độc đáo, công phu cùng với nhiều hạng mục điêu khắc tinh xảo trong không gian thanh tịnh và thư thái.
Nguồn tin: Vedepphatphap.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự