Cơ sở vật chất ban đầu của phòng khám là những khoảng trống trong chùa, phòng khách, phòng học, nhà kho bếp… đều được tận dụng để làm nơi khám, trị vật lý trị liệu, kho chứa thuốc nam. Thời gian đầu, sư cô - bác sĩ Thích Nữ Chúc Phượng vận động một số Phật tử cùng cáng đáng mọi công việc của phòng khám. Dần dần “tấm lòng đến với tấm lòng”, nhiều lương y, kỹ thuật viên đã tình nguyện về giúp sư cô phát triển phòng khám.
Đến nay, nhân sự phòng khám đã ổn định, gồm 1 bác sĩ Đông y, bác sĩ gia đình là sư cô Chúc Phượng (trưởng phòng) cùng 5 lương y, kỹ thuật viên. Tất cả họ cùng chung một tấm lòng, đều đặn vào mỗi sáng thứ ba, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần phòng khám hoạt động điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Kinh phí hoạt động phòng khám mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng. Sự tùy hỷ hảo tâm của thập phương bá tánh đóng góp cho phòng khám không thấm vào đâu so với số lượng bệnh nhân ngày một đông. Vì thế, để có thêm nguồn kinh phí hoạt động, ngoài việc điều hành phòng khám, sư cô Thích Nữ Chúc Phượng còn làm thêm ở Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp để có thêm thu nhập mua thuốc nam, y cụ duy trì hoạt động phòng khám.
Lương y Trần Thanh Bình (64 tuổi, cán bộ về hưu) cho biết, đều đặn suốt 10 năm qua, ông đã vượt 20km từ quận 8 đến quận 12 để đến phòng khám làm công việc từ thiện này vào các ngày phòng khám mở cửa. Lương y Huỳnh Văn Nên (51 tuổi, làm ở phòng khám chùa Long Thạnh từ 2 năm nay) tâm sự: “Ban đầu vợ con cũng nói ra nói vô, vì cho rằng mình cứ “vác tù và hàng tổng”, hết phòng khám từ thiện này đến phòng khám từ thiện khác. Dần dà rồi vợ con cũng hiểu và không ai nói nữa, bởi họ đã nhận ra ý nghĩa tốt đẹp của việc làm này”.
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đã đến với phòng khám ngày càng đông, cơ sở vật chất của phòng khám không đủ đáp ứng. Trước tình hình đó, để có cơ sở tốt nhất tổ chức khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo, Ni trưởng Tịnh Mẫn và sư cô Chúc Phượng quyết định xây dựng Phòng khám bệnh từ thiện tại một địa chỉ mới (cách chùa khoản 50 mét) với cơ sở vật chất rộng rãi và các thiết bị khám chữa bệnh cho bệnh nhân cũng được trang bị nhiều hơn.
Tiếp xúc với các bệnh nhân vừa được khám bệnh xong, chúng tôi ghi nhận được tình cảm của họ đối với các bác sĩ, lương y nơi đây. Cụ Nguyễn Thị Bảy (73 tuổi) từ chỗ bị tai biến nằm liệt giường đến nay đi lại vui vầy với con cháu; cụ Trương Trung Hoài (76 tuổi) bị khớp, cột sống có gai khi đến phòng khám điều trị đã dần khỏi, có thể đi chùa, làm việc lặt vặt trong nhà. Tất cả họ đều có nhận xét chung: “Sư cô Thích Nữ Chúc Phượng và các lương y ở phòng khám từ thiện có tấm lòng thật thơm thảo. Họ đã sống tốt đạo, đẹp đời với cái tâm rất sáng trong và từ bi của những người con Phật. Những người nghèo chúng tôi luôn biết ơn họ!”.
Chia tay những tấm lòng thơm thảo ở phòng khám từ thiện chùa Long Thạnh, tôi ấn tượng mãi câu nói của sư cô, bác sĩ Chúc Phượng: “Thấy người lành bệnh, tiếp tục sống khỏe, sống vui là niềm hạnh phúc nhất của những người hành nghề y giúp đời như chúng tôi”.