Đây là buổi giao lưu đầu tiên của GS Trịnh Xuân Thuận trong chuỗi hoạt động hội thảo, trao đổi với công chúng, bạn đọc ở thủ đô và TP.HCM.
Tại buổi giao lưu, GS Trịnh Xuân Thuận nói rằng ông rất vui khi được về nước lần này. Ông nói tiếng Việt khá chậm, và không được trôi chảy. Ông đề nghị các bạn đọc hãy nhắc ông mỗi khi ông chưa nghĩ ra được danh từ tiếng Việt nào đó. “Nhiều khi danh từ khoa học bằng tiếng Việt tôi hơi quên vì ở ngoại quốc tôi ít có cơ hội sử dụng” - GS Trịnh Xuân Thuận thật thà chia sẻ.
Nói về con đường đưa ông đến với khoa học vũ trụ và nghiên cứu bí ẩn bầu trời, GS Trịnh Xuân Thuận kể lại, hồi nhỏ ông rất thích đọc sách của hai nhà bác học nổi tiếng trên thế giới là Albert Einstein và Isaac Newton. Đọc sách với ông không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn gợi cho ông nhiều câu hỏi cùng sự tò mò.
Vì vậy, sau khi đậu tú tài ở Sài Gòn, ông có ý chí muốn thực sự được học hỏi với những người có thành tựu trên thế giới về vật lý thiên văn.
Ông muốn đi Pháp nhưng không được, nên ông đi Thuỵ Sĩ. Sau một năm ở Thuỵ Sĩ, ông đã thi sang những ngôi trường nổi tiếng về thiên văn học ở Mỹ bởi: “Tôi thực sự muốn được học những thầy giáo nổi tiếng nhất trên thế giới. Dù lúc đó gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn nghĩ rằng mình muốn cái gì thực sự thì mình phải ráng hết sức rồi thế nào cũng có cách vượt qua”.
Ông nói thích vật lý thiên văn bởi đó là môn học rất hay cho một người trẻ có thể khám phá ra nhiều điều huyền bí.
Chia sẻ về bí quyết nôi dưỡng đam mê của mình, ông nói rằng, trước hết phải ham học hỏi, phải có ý chí. “Thế nào mình cũng gặp khó khăn, nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng mình phải có ý chí, nhất là khi mình trẻ, mình luôn nghĩ là không sợ. Mình cũng có may mắn là được gặp những thầy giáo giỏi” - GS chia sẻ.
VN cần phải có cách để khơi dậy ý chí khoa học trong giới trẻ, bởi khoa học là tương lai của đất nước. Chính phủ VN cần phải lưu ý hơn về điều này - GS Trịnh Xuân Thuận.
Trong những năm tháng khó khăn khi học xa Tổ quốc, mà thời đó chưa có internet phổ biến như bây giờ, còn tiền điện thoại lại rất đắt, ông thường liên lạc với gia đình ở trong nước qua những lá thư viết tay. Thường phải mất ba đến bốn tuần, thư của ông mới về đến gia đình, và cũng mất chừng đó thời gian, ông mới nhận lại được thư hồi âm của cha mẹ.
Ra nước ngoài từ năm 1966 mà đến năm 1974, ông mới có thể về nước. “Từ nhỏ bố mẹ tôi hay đưa tôi đi chùa, nên đạo Phật đã giúp tôi rất nhiều trong những ngày tháng tôi một mình ở ngoại quốc”.
Trả lời câu hỏi của độc giả về vai trò của sách khoa học đối với những bạn trẻ VN hiện nay, GS Trịnh Xuân Thuận nói: “Sách khoa học rất cần thiết cho độc giả trẻ, nó làm nảy nở thiên hướng về khoa học. Khoa học là một phần quan trọng để một đất nước vươn lên. Vì vậy VN cần phải có cách để khơi dậy ý chí khoa học trong giới trẻ, bởi khoa học là tương lai của đất nước. Chính phủ VN cần phải lưu ý hơn về điều này”.
Trong tháng 7-2016, GS Trịnh Xuân Thuận sẽ còn nhiều chương trình giao lưu với độc giả, cộng đồng yêu thích thiên văn học tại Hà Nội và TP.HCM.
GS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, lớn lên tại Sài Gòn. Sau đó ông trải qua nhiều trường đại học nổi tiếng ở Thụy Sỹ, Mỹ. Từ năm 1976, ông là GS thiên văn học tại ĐH Virginia (Mỹ).
Ông là một nhà vật lý thiên văn đã cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách nổi tiếng như: Giai điệu bí ẩn, Và con người tạo nên vũ trụ, Hỗn độn và hài hoà, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Vũ trụ và hoa sen, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao…
Trong đó, Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó xuất bản năm 1992 đã được dịch ra 20 thứ tiếng trên thế giới.
Nguồn tin: Vedepphatphap.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự