Tượng Quan Âm cầu an cho xứ sở mặt trời mọc

Thứ bảy - 16/07/2016 20:15
Hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát chế ngự Độc giác long (rồng một sừng) chỉ xuất hiện trong kinh sách, thế nên khi “mục sở thị” bức tượng này, nhiều nhà sư đã hết sức ngạc nhiên.
Tượng Quan Âm cầu an cho xứ sở mặt trời mọc
“Chưa từng xuất hiện ở đâu”
Cánh cửa gỗ kiên cố với nhiều lớp khóa của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (tại chùa Quán Thế Âm, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) mở ra, khách sẽ ngỡ ngàng khi đứng trước một không gian đầy hiện vật quý. Trong đó, bức tượng Quan Thế Âm cưỡi Độc giác long được đặt trang trọng trong tủ kính cùng nhiều cổ vật được cho là quý giá nhất bảo tàng. Bức tượng bằng đồng, nặng khoảng 7 kg, cao 45 cm và rộng gần 30 cm, được đánh mã số 95/KL.69.

 
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi trên bệ là lưng của một con cá hóa rồng với một chiếc sừng ở trên đầu (Độc giác long). Đầu đức Bồ Tát đội mũ Quan Âm có tượng Phật A Di Đà nổi trên lá đề và hoa. Cổ đức Phật có đeo trang sức, thân mặc pháp y có nhiều nếp gấp. Tay phải cầm Định hải châu, tay trái đặt trên lưng rồng. Chân trái đạp trên sóng nước, chân phải xếp bằng. Theo phiếu giám định cổ vật, bức tượng có xuất xứ tại VN với niên đại khoảng cuối thế kỷ 19.

Theo thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, trong bộ kinh cầu an Pháp hoa, phẩm Phổ môn có nhắc đến hình tượng đức Bồ tát chế ngự con vật hóa rồng hung dữ như sau: Long ngư chư quỷ nạn/Niệm bỉ Quán âm lực/Ba lãng bất năng một. “Tạm dịch là nơi biển lớn có con cá hóa rồng gây nên sóng dữ thì niệm cho thấu Quan Âm sẽ được phù hộ cho lặng sóng. Thần công lực của ngài hiển linh chế ngự con rồng để giúp vượt qua sóng gió. Trong truyền thuyết, viên Định hải châu cũng cầu cho sóng yên bể lặng. Thế nhưng, các bức tượng thường là đức Quan Âm cưỡi rồng chứ chưa nhắc đến chuyện Quan Âm cầm Định hải châu. Do vậy, chưa bao giờ tôi thấy có đầy đủ của cả hai yếu tố này trên một bức tượng”, thầy Thích Huệ Vinh nói. Với những hiểu biết của mình qua nhiều năm sưu tầm cổ vật Phật giáo, vị thượng tọa khẳng định: “Bức tượng chưa từng xuất hiện ở đâu”.

Nói về giá trị của bức tượng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng TP.Đà Nẵng, cho rằng về mặt niên đại, “tuổi đời” của bức tượng còn khá “non trẻ”, nhưng về mặt nghệ thuật, bức tượng có giá trị thẩm mỹ rất cao do được đúc tinh xảo. “Giá trị tâm linh của tác phẩm là rất lớn”, ông Thiện nói.

Cơ duyên kỳ lạ
Thượng tọa Thích Huệ Vinh kể, tháng 3.2011, xứ sở mặt trời mọc (Nhật Bản) trải qua thảm họa thiên nhiên khi động đất kèm sóng thần quét qua nhiều thành phố dọc bờ biển làm hàng ngàn người chết và mất tích, bỗng dưng bức tượng Quan Âm cưỡi rồng một sừng xuất hiện chỉ vài tháng sau đó. “Một cụ bà trú tại H.Thăng Bình (Quảng Nam) khi làm vườn đã tình cờ phát hiện bức tượng nằm dưới lớp đất sâu. Biết nhà chùa sưu tập cổ vật, bà lặn lội đường xa mang bức tượng đến tặng cho chùa”, sư thầy nhớ lại. Để giúp đất nước Nhật Bản đi qua nỗi đau, chùa Quán Thế Âm đã phát động một buổi lễ tưởng niệm và gây quỹ. Nhà chùa cũng tính tạc một bức tượng tặng cho một ngôi chùa nằm ven biển nước bạn để cầu an. Không lâu sau, ông Tomioka Tsutomu, hạ nghị sĩ Nhật Bản sang Đà Nẵng để hợp tác xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Nhật (sát chùa Quán Thế Âm) thì nghe được câu chuyện này.

“Khi gặp ngài hạ nghị sĩ, tôi đã trình bày tâm niệm, tấm lòng của nhà chùa về việc tặng một phiên bản tượng bằng đá cho nước Nhật. Nghe xong, ngài hạ nghị sĩ đã xin mượn bức tượng về nước”, thượng tọa Thích Huệ Vinh tiếp lời. Ngay ngày hôm sau, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng, chùa đã trao bức tượng cho phía Nhật Bản theo lời đề nghị. Và bức tượng đã được đưa sang “xứ sở của động đất” để bắt đầu hành trình làm tượng mẫu cho nhiều chùa ven biển trong vòng 3 tháng. Cũng theo vị thượng tọa, tại Nhật Bản có một khu trưng bày đến 1.001 tượng Phật (nhiều tượng có niên đại 700 - 800 năm) nhưng không có bức tượng Quan Âm cưỡi Độc giác long, tay cầm Định hải châu. Do vậy, khi mượn bức tượng của chùa, ông hạ nghị sĩ Nhật Bản đã khuyến khích các chùa, đặc biệt là các chùa ven biển, tạc nguyên mẫu bức tượng này để người dân cầu an, khấn nguyện tránh nạn sóng thần.

“Đó là cơ duyên khó lý giải, khi bức tượng xuất hiện sau thảm họa sóng thần chỉ vài tháng và số phận lại đẩy đưa bức tượng gặp được vị hạ nghị sĩ”, sư thầy nói và cho biết, khi trở lại Đà Nẵng, hạ nghị sĩ cùng Tỉnh trưởng Nagasaki đã đến thăm chùa và tặng 3 cây long não (loại cây sống sót sau thảm họa bom nguyên tử). Bức tượng như chiếc cầu nối thắt chặt mối quan hệ, giao lưu của hai nước Việt - Nhật từ chuyến “đi sứ”.

Xuất hiện bức tượng Quan Âm cưỡi rồng thứ 2 tại VN
Đó là thông tin do TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, người từng trực tiếp giám định một số cổ vật tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, tiết lộ. “Gần đây, tôi gặp một bức tượng có kiểu thức tương tự trong một bộ sưu tập tư nhân ở Hà Nội, nhưng về kích thước thì lớn hơn bức tượng đã nói rất nhiều”, ông Chiến cho biết. Còn ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, khi nhận xét về bức tượng Quan Âm cưỡi rồng thì cho rằng, rất có thể người tạc nên bức tượng là một nghệ nhân đã từng sang Nhật Bản và am hiểu câu chuyện liên quan đến con rồng một sừng quậy phá gây sóng thần của đất nước này.

Nguồn tin: Vedepphatphap.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây