Thực hư về quan niệm những loại hoa cấm kỵ cúng trên bàn thờ

Thứ sáu - 22/07/2016 23:19
Đối với các Phật tử, hoa là nhân, sau đó là kết quả. Cúng hoa là thể hiện cho việc tu nhân. Nếu cúng hoa đẹp sẽ hái được quả ngon, mỗi khi thấy hoa là nhớ đến việc tu nhân thiện để tương lai mới nhận được quả báo thiện.
Thực hư về quan niệm những loại hoa cấm kỵ cúng trên bàn thờ

Với người Việt, trong thờ cúng tổ tiên, lễ chạp, các ngày sóc, vọng (ngày Rằm, mùng Một) và thờ phụng tâm linh… việc dâng hoa cúng lên bàn thờ gia tiên một cách thanh khiết, thể hiện tâm thành rất quan trọng (hương, hoa, trà, quả).

Dâng hoa cúng có ý nghĩa dâng những điều thiện lành, tốt đẹp đã làm được trong cuộc sống, như là những đóa hoa tươi thắm, thơm tho dâng cúng chư Phật, Thánh, gia tiên. Tuy nhiên qua tìm hiểu, tôi được biết, có những loại hoa sau, tuyệt đối không nên dâng lên cúng:

1. Hoa ly rực rỡ, thơm ngát không nên dâng lễ Phật nhưng có thể dâng gia tiên và nơi thờ thánh (nhất là nơi thờ thánh Mẫu), vì ly ở đây nghĩa là “ly tán”.

2. Hoa phong lan đẹp, bền được nhiều người mua cắm ban thờ, nhưng dâng Phật không nên dùng vì có nhiều màu rực rỡ, chữ “phong” gần nghĩa với chữ phong tình, phóng túng.

3. Hoa lan móng rồng (phía Nam gọi là lan cua) tuy thơm nhưng không dùng để thờ cúng bởi cánh hoa giống móng rồng và tên gọi cũng không đẹp, dâng lên là tỏ sự bất kính.

4. Hoa đại (sứ, chămpa) thơm, màu đẹp, nhưng vì giống bộ phận sinh dục nữ, (theo tích của người Lào, loài hoa này tượng trưng cho chuyện tình yêu trai gái) nên cũng không dùng để thờ cúng.

5. Hoa nhài tuy là biểu tượng trong sạch, tinh khiết nhưng trong dân gian là loại hoa không đứng đắn, hay gặp nghịch cảnh (hoa nhài cắm bãi cứt trâu).

6. Hoa cúc áo (hoa cứt lợn), tuy bông hoa xinh xắn, màu đẹp, chữa bệnh rất tốt, nhưng chỉ cắm chơi được chứ không thể đặt lên ban thờ nơi có thần linh và gia tiên bởi cái tên của nó không đẹp.

7. Cúc vạn thọ tên hay, màu vàng, ở miền Trung hay dùng vì dễ trồng dễ sống, có màu vàng tươi tắn, sự may mắn và thịnh vượng. Nhưng ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều địa phương lại không đưa lên ban thờ vì họ cho nó có mùi hôi.

8. Hoa râm bụt có màu đỏ, bông cũng đẹp nhưng không dùng thờ cúng vì có chữ “râm” đằng trước. Ngoài ra, hoa phù dung tuy tên đẹp nhưng mau tàn, có tích không hay nên cũng không được dùng.

Xin hỏi chuyên gia, chẳng nhẽ, nếu là hoa lộc, hoa thỉnh được ở chùa, chỉ cần phạm phải 1 trong 8 loại này thì tuyệt đối không được dâng thỉnh hay sao?

Lê Thị Thu Ngà (Kiến An, Hải Phòng).
 

Bạn thân mến,

Dâng hoa thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính với bậc bề trên, thông qua việc dâng hoa thì người dâng cũng cảm thấy được cái đẹp, tình yêu, sự bình yên trong lòng

Dâng hoa thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính với bậc bề trên. Thông qua việc dâng hoa thì người dâng cũng cảm thấy được cái đẹp, tình yêu, sự bình yên trong lòng. Cho nên không có cái gì là tuyệt đối như bạn nêu cả.

* Về ứng xử bên ngoài

Mỗi vùng miền, mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc với những tôn giáo, tín ngưỡng hay gần gũi hơn là quan niệm khác nhau nên việc chọn loại hoa để dâng cũng khác nhau. Cùng một loại hoa dân tộc này dâng nhưng dân tộc khác lại kiêng. Cho nên việc phân loại hoa như bạn liệt kê là không phù hợp.

Nhận thức chung là thế, nhưng do còn ràng buộc bởi ngã kiến nên không tránh khỏi bối rối hoang mang, vậy nên khi dâng hoa, mọi người thường chọn loại hoa nào mà mình yêu nhất, thấy đẹp và phù hợp nhất với quan niệm của bản thân và cộng đồng. Những loại hoa gây cho ta cảm nghĩ không tốt thì loại ra đó là phản ứng bình thường của con người.

Tuy nhiên, nếu tâm đã sạch, lòng trong sáng thì thật ra hoa cỏ nào cũng dâng được. để làm được điều đó, trước tiên ta cần tôn trọng các quan niệm trái chiều.

Nếu dâng hoa bàn thờ gia tiên thì yêu quý và tôn trọng thẩm mỹ và quan niệm của người khác trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ vợ, bố mẹ chồng. Với lại quan niệm dân gian là linh hồn thì vẫn còn ngã chấp, cho nên tránh dâng các loại hoa mà mình biết chắc người đã khuất khi còn sống vốn không thích. Dâng những loại hoa mọi người thích, đẹp hoa thơm và hoa tự nhiên càng tốt. Đó là cách ứng xử hài hòa.

Mỗi tôn giáo, vùng miền, quốc gia đều có quan niệm khác nhau về việc chọn hoa, thế nên ta chỉ cần dâng những loại hoa mọi người thích, đẹp hoa thơm và hoa tự nhiên càng tốt

Ban thờ Thần Phật cũng vậy, nếu cộng đồng có quan điểm nên dâng hoa này và cấm dâng hoa kia thì mình cần tôn trọng. Vì sự tôn trọng mang lại niềm vui chung. Ngược lại mình cũng không phê phán khi đến một vùng, một quốc gia khác thấy người ta cúng hoa bằng chính những loài hoa mà quê mình cấm kỵ.

Về nhận thức bên trong

Có một quy luật Tâm- Ngã trong mỗi con người thế này: Tâm càng tự do thì càng không cấm đoán, Ngã càng lớn thì càng phân biệt mạnh mẽ việc nên dâng hoa này, cấm cắm hoa kia.

Trong trường hợp Tâm mình rộng mở thì vô tư trong sáng, không quá câu nệ. Khi ấy trong tâm lý vô thức có một cơ chế rất tự nhiên mà dân gian gọi là “Phật mách bảo”, đó là  trực giác giúp mình biết chọn loại hoa phù hợp nhất.

Ngay cả khi loài hoa mang dâng rất trái với cảm thức thông thường của mọi người, thì một “nghịch lý đáng yêu” xảy ra là bạn và hoa ấy được mọi người yêu mến, đón nhận hoặc bỏ qua (nếu mọi người có quan điểm khác).

Nhưng nếu Ngã mình lớn, cái tôi phát sinh nhiều quan điểm, quan niệm này nọ thì cần phải ý thức, như đã nói, hoa gì mình coi là đẹp là tốt thì hãy lựa chọn, điều này phát sinh nhân quả tốt.

Không có việc kiêng kỵ gì trong vấn đề hoa dâng Phật, như tại một ngôi chùa ở TP.HCM…

… hay tại ban thờ cúng của người dân tự lập để khấn vái tại chợ Hội An, mọi người đều chọn dâng loài hoa mình yêu và thích với tấm lòng chân thành nhất

Ngược lại, mình không chân thành, thậm chí là ngạo mạn, coi thường bề trên, do cái tôi mà quan niệm rằng hoa nào cũng được dẫn đến các rung chấn nặng, dẫn đến mọi người không bằng lòng, phát sinh nhân quả xấu.

Các loài hoa bạn nêu được người đời phân loại và cho rằng:  Hoa có tên râm bụt thì gợi sự “râm”,  Hoa có tên ly nghĩa là “ly tán”… thì không nên dâng cúng. Thật ra làm gì có chuyện đó, lỗi là do do tâm phân biệt, ngã chấp trước của người quan niệm chứ lỗi đâu ở hoa?

Còn tinh thần nhà Phật thì thật ra, cũng không nên hái hoa, bẻ lộc dâng Phật vì điều đó cản trở sự sống. Hoa dâng Phật chính là việc mỗi ta học cách sửa mình (tu thân).

Sửa được bao nhiêu, nhân quả được chuyển hóa thể nào, tình yêu tạo hóa dâng lên trong Tâm đến đâu, làm bao nhiêu việc thiện thì đó mới là hoa thật, là món quà cúng dường tuyệt diệu nhất.

Thân mến!

Hoàng Dương Bình

(Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây