Theo Thượng toạ Thích Chân Quang, người tu tập lòng từ bi sau 5, 10 năm sẽ thấy mình thông minh, sáng suốt hơn lúc trước. Qua kiếp sau thì đạt được đỉnh cao trí tuệ nếu cả đời này đã tu tâm từ.
"Người có lòng thương yêu người khác, thì người đó hay tìm cách làm lợi ích cho đời. Ví dụ, thấy có người kia nghèo, mà mình cũng không giàu, không đủ sức để giúp. Lúc đó mình mới nghĩ cách vận động, bàn bạc, mời gọi mọi người tìm phương pháp nào để đỡ làm tổn thương họ mà có thể giúp được họ nhiều nhất. Chính cái tìm cách đó là cái nhân tạo thành trí tuệ. Nên sống trên đời này, nếu mình không bao giờ tìm cách giúp ai thì không bao giờ mình có trí tuệ và cũng không có phước", Thượng toạ nói.
Câu nói “người nghèo làm phước được phước lớn hơn người giàu là ở chỗ này”. "Người giàu không cần tìm cách, muốn giúp ai bỏ tiền ra là có thể làm được, cho nên, phước của họ không lớn. Còn người nghèo, vì không đủ khả năng giúp nhiều, phải tìm cách này cách kia làm cho họ có phước lớn và sau này có trí tuệ. Trong cuộc sống, nếu thấy ai vừa giàu có lại vừa khôn ngoan thì hiểu đời trước họ tuy nghèo nhưng đã xoay sở mọi cách để giúp đời, giúp người".
Người có lòng từ bi thì trí tuệ sẽ xuất hiện. Vì từ bi là nhân mà trí tuệ là quả. Khi yêu thương mọi người, chúng ta có thể hiểu và quan tâm, giúp đỡ họ. Còn ngược lại, một khi đã ghét, không ưa thì luôn nghĩ sai, chê bai nhược điểm của người đó.
Thượng toạ Thích Chân Quang cho rằng sáng tạo là đỉnh cao của trí tuệ và cũng là chìa khóa của sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, sáng tạo phải suy xét, cân nhắc giá trị của những điều cũ, không được vội vàng rũ bỏ tất cả để tìm ra một cái mới không cần thiết. Nếu không, sự sáng tạo đó sẽ rơi vào sự khủng hoảng. Sáng tạo là động lực cho thế giới phát triển nhưng cũng là vấn nạn đẩy tương lai thế giới đi vào sự sụp đổ.
Xét theo nhân quả, tốc độ sáng tạo như hiện nay đang là nguy cơ, làm trí não con người bị vắt kiệt, nhiều người bị đẩy vào hoàn cảnh thất nghiệp, nhiều đơn vị đã và đang đứng trên bờ vực của sự sụp đổ. Lúc này, sự sáng tạo của con người cần chậm lại trên hai phương diện: Sáng tạo trong luật pháp và sáng tạo về kỹ thuật.
Để con người có một tinh thần khỏe mạnh, thông minh, sáng tạo, Thượng toạ chỉ ra một số phương pháp. Đó là chế độ luyện tập và rèn luyện khoa học. Trong đó, khí công là một lựa chọn khôn ngoan vì nó vừa luyện trí, vừa luyện cơ bắp. Muốn có được sự bình thản, trí tuệ, khoẻ mạnh mà không phải suy nghĩ nhiều, không phải học nhiều, chỉ có con đường thiền định - từ bi - đạo đức.
"Thiền định giúp cho tâm ta dừng suy nghĩ, mở ra một chân trời trí tuệ, đi vào con đường vô ngã. Tâm từ bi giúp ta nhắc mình, ám thị mình phải yêu thương muôn loài. Tâm đạo đức soi sáng cho con đường ta đi, để mọi hành động của ta đều được đúng đắn, hợp tình, hợp lí".
Ngoài ra còn có nhiều cách giúp củng cố, nâng cao sức khỏe, trí tuệ của con người theo đúng nhân quả như sau:
Thứ nhất là tập sống chân thật, nói chân thật. Người làm được điều này thì được nhân quả là thấy được chân lý. Tuy nhiên, để tập một cuộc sống hiền lành, chân thật không dễ nếu không có đạo đức hiền lành, chân thật từ kiếp trước vì bản ngã của chúng ta quá lớn.
Thứ hai, để có trí nhớ tốt thì có một nhân quả là đừng quên những điều đáng phải nhớ trong cuộc sống.
Thứ ba, để có nhân quả là sự mưu trí, thông minh, khôn ngoan thì đừng lo chạy thoát thân khi bản thân và những người xung quanh đang gặp khó khăn. Ai mà lúc nào cũng nghĩ cách để giúp những người xung quanh khi gặp khó khăn, mặc dù bản thân mình cũng đang khốn đốn thì có công đức rất lớn, đời đời được mưu trí, thông minh. Ngược lại, người chỉ lo nghĩ cách hại người khác thì ngày càng u tối, lúc nào cũng hiểu sai mọi vấn đề.
Thứ tư, để có một tâm trí khỏe mạnh thì đừng tưởng tượng những gì vượt khỏi phước của mình vì nó khiến tinh thần ta bị hư, bộ não trở nên hoang tưởng.
Tác giả bài viết: Xuân Thu
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự