Thầy giáo ung thư máu mở lớp 0 đồng mang con chữ đến trẻ em nghèo nơi đảo xa

Thứ hai - 11/06/2018 09:05
Mang trong người căn bệnh ung thư máu, anh Trần Bình Phục vẫn miệt mài từng ngày mang con chữ tới học trò nghèo ở lớp học nhỏ trên ngọn núi của hòn đảo Hòn Chuối (Cà Mau).
Thầy giáo ung thư máu mở lớp 0 đồng mang con chữ đến trẻ em nghèo nơi đảo xa

Thượng uý Trần Bình Phục (sinh năm 1972) sinh ra tại Trà Vinh, hiện công tác tại Đồn biên phòng Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Năm 2008, anh Phục phát hiện bị ung thư máu do làm việc thời gian dài trong môi trường phóng xạ.

Một năm sau hóa trị, các tế bào ung thư được ngăn chặn phát triển, anh được xuất viện. Song, anh Phục nhận ra mình không phù hợp với môi trường sống xô bồ nơi thị thành.


“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai” – anh Phục đã chọn công việc khó khăn để mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho nhiều trẻ nhỏ nơi đảo nghèo. (Ảnh: BTC WeChoice Awards 2016)

Anh Phục viết đơn xin ra đảo Hòn Chuối để công tác, trước đây anh từng có dịp ghé đảo và cảm nhận được sự bình yên ở nơi đây. Tuy nhiên, lúc này đảo Hòn Chuối còn rất hoang vu, chưa có điện, nước sạch, không có điều kiện khám chữa bệnh khiến đơn xin chuyển công tác của anh bị từ chối. Gia đình anh cũng rất phản đối quyết định này.

Không bỏ cuộc, anh Phục tiếp tục viết những lá đơn xin chuyển công tác lần 2, lần 3 rồi tới lần thứ 6 đơn của anh cũng được chấp nhận.

Vô vàn khó khăn từ khi mở lớp

Năm 2009, anh Phục tới công tác tại đảo Hòn Chuối, nơi đây vẫn vô cùng hoang sơ. Người dân ở tạm trong những căn lều, nhà nhỏ trên vách đá và sinh sống bằng việc đánh bắt hải sản.

Lũ trẻ tại đây lớn lên đều không biết tới học hành, chữ viết mà chỉ học bơi, học lặn, đánh bắt hải sản cùng cha mẹ. Anh Phục đã xin phép mở một lớp học để có thể giúp lũ trẻ trên đảo được biết chữ, có cơ hội để thay đổi cuộc sống.

Thế nhưng, xin mở lớp đã khó, việc thuyết phục để các gia đình cho trẻ tới trường lại càng khó khăn hơn. Ban đầu, anh Phục bị các gia đình xua đuổi, trẻ nhỏ thấy anh thì trốn biệt vì chúng sợ đi học. Không nản lòng, anh tới thuyết phục cha mẹ để họ cho con cái đi học, rồi tới gặp từng em nhỏ khuyên bảo chúng chịu tới lớp.


Mỗi ngày, thày trò anh Phục phải vượt qua 303 bậc thang để tới lớp học. Những em nhỏ yếu sức được anh Phục cõng trên lưng. (Ảnh: BTC WeChoice Awards 2016)

Kiên nhẫn từng ngày, cuối cùng anh Phục cũng có thể mở lớp học nằm trên ngọn núi của hòn đảo, cách đất liền 35 km về phía Tây. Những ngày đầu, cơ sở vật chất tại lớp học gặp nhiều thiếu thốn. Lớp học dựng tạm từ gỗ, tôn cũ, dột đủ nơi mỗi khi trời mưa, bàn học cũng là đồ nhựa cũ mèm. Lúc mở lớp có vỏn vẹn 5 học sinh ở nhiều lứa tuổi, song dần dần tăng lên hơn 20 em.

Khó khăn, cực nhọc là thế nhưng anh Phục vẫn chưa từng bỏ cuộc, kiên trì với việc mang con chữ cho các trẻ em nơi đảo Hòn Chuối hoang vu này. “Nhiều người hỏi có từng ý nghĩ từ bỏ việc dạy học không. Có chứ, tôi từng nghĩ bỏ nhiều lần chứ không phải 1 lần nhưng mỗi khi nhìn tới các em, thấy đôi mắt của các em lại là động lực để tôi tiếp tục”, anh Phục chia sẻ với Lao Động.

Tình thương vô bờ bến của người thày “áo xanh”

Mở lớp học miễn phí nhưng tình thương và tâm huyết của người lính dành cho con trẻ trên đảo Hòn Chuối luôn đong đầy.

“Đời người ai cũng chỉ sống một lần và chết một lần, thế nên tôi phải sống làm sao cho đáng một lần. Cho mãi về sau, dù ở bất cứ nơi nào, lòng tôi vẫn sẽ nhớ về nơi này, về lũ trẻ như những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời mình”, anh Phục chia sẻ với Kênh 14.

Sau hơn 7 năm, lớp học của anh Phục là điểm đến quen thuộc của lũ trẻ nơi đảo Hòn Chuối. Nhờ anh, học sinh ở mọi lúa tuổi đi học trên đảo đều biết đọc, biết viết. Nhiều em đã được đưa về đất liền tiếp tục học tập. 4 em nhỏ trong số học sinh do anh Phục dạy dỗ đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.

Như Quỳnh

Nguồn tin: Daikynguyenvn.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây