Tình người trong tiếng chuông chùa

Chủ nhật - 22/05/2011 06:51
Nằm giữa vùng đồng chiêm trũng Kim Bảng, Hà Nam, chùa Thịnh Đại cũng như bao ngôi chùa của đồng bằng Bắc bộ khác - sáng mõ, chiều chuông - thanh bình và yên ả. Chỉ khác là cái tĩnh lặng đó thi thoảng lại bị phá vỡ bởi tiếng nô đùa và cả quấy khóc của con trẻ.

Hai mươi đứa, cả lớn lẫn bé được sư trụ trì chùa Thịnh Đại, đại đức Thích Việt Hòa, nuôi dưỡng từ bé, ngày ngày ngoài giờ học, quây quần bên ông, ríu rít như đàn chim nhỏ.

Thầy Thích Việt Hòa quê gốc ở Xuân Trường, Nam Định. Nhà gần chùa nên cậu bé Hòa thường ra chơi ở chùa làng. Những câu kinh kệ cứ ngấm dần, đến năm 14 tuổi thì Hòa xin bố mẹ xuống tóc đi tu.

Năm 19 tuổi, vị sư trẻ được điều về phụng sự việc nhà Phật ở chùa Thịnh Đại, xã Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam. Ngôi chùa cổ chỉ là mấy gian nhà cấp bốn nằm giữa đồng. Thượng tọa đã già, mọi việc ở chùa hầu như đều do sư bác Hòa cáng đáng.

Ngoài những giờ tụng kinh niệm Phật, ông tranh thủ cày cấy, trồng rau đem bán, tằn tiện từng đồng. Thế rồi chẳng biết run rủi thế nào, những đứa trẻ lại đến ở với ông. Đứa bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, đứa thì mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, đứa còn cha mẹ nhưng họ mải mê đi tìm hạnh phúc mới...

Chúng đến với ông mong tìm chút hơi ấm và một vòng tay che chở. 

Người đời thường dùng thành ngữ “gà trống nuôi con” để nói lên sự vất vả của người đàn ông khi phải chăm sóc, nuôi dạy con cái mà không có người phụ nữ bên cạnh. Vậy mà, suốt nhiều năm nay, thầy Việt Hòa một mình nuôi dạy nhiều đứa trẻ khôn lớn. Đứa lớn học hành nên nổi, ra đời tự bươn chải thì lại có đứa bé vào. Chúng đến với ông mỗi đứa mỗi cảnh mà theo ông đó là cái “duyên”.

Ngồi tiếp khách bên cốc nước thơm mùi nụ vối, thầy Thích Việt Hòa trầm ngâm nhớ lại. Cách đây gần hai mươi năm, khi vừa hai mươi mốt tuổi, ông nhận nuôi đứa trẻ đầu tiên, đứa bé giờ đã hai mươi bảy, công tác tại một đài truyền hình lớn, hàng tháng vẫn gửi tiền về phụ giúp ông nuôi các em.

Từ đó về sau, tiếng lành đồn xa, không chỉ người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, không nuôi được con, tìm đến ông gửi gắm núm ruột của mình mà cả những đứa trẻ bị bỏ rơi ở trạm xá, các y, bác sĩ cũng gọi ông đón về nuôi giúp. Hơn chục đứa trong số đó chỉ mới một vài ngày tuổi và hầu như đứa nào lúc mới về cũng ốm quặt quẹo.

Chỉ cho chúng tôi cậu bé chừng mười tuổi, trông khá lém lỉnh, ông bảo: “Cháu được như thế này là tôi biết ơn Trời Phật lắm các bác ạ!”. Việt Hải, tên cậu bé, bị bỏ rơi trước cổng chùa vào một chiều hè. Khắp người ghẻ lở, hôi tanh, bé đi đến đâu, ruồi bâu đến đó. Thấy Hải bị như vậy, nhiều người tưởng em bị AIDS nên không dám đến gần.

Thầy Việt Hòa đón cậu bé vào chùa, hàng ngày hái lá thuốc tắm rửa, chăm sóc. Khi bé tương đối lành lặn, thầy lại một mình lóc cóc đưa đi xét nghiệm. Cầm kết quả xét nghiệm âm tính của bé trên tay, ông mừng rơi nước mắt.

Giờ Việt Hải đã học lớp 5, làm lớp trưởng và rất sáng dạ. Có tiếng trẻ khóc ở trái nhà cắt ngang câu chuyện, thầy Việt Hòa vội vàng đứng dậy đi vào.

Trên chiếc giường nhỏ đặt sát tường, một đứa bé kháu khỉnh đang đạp đôi chân bé xíu, miệng ậm ọe dỗi hờn. Được thầy Hòa bế, đứa bé nín bặt, đôi mắt to đen láy ánh lên vui vẻ.

Cho bé bú sữa bằng chiếc bình nhỏ, động tác của ông thành thạo như một người mẹ nuôi con nhỏ. Tay thoăn thoắt thay tã lót, ông kể, cậu bé được tám tháng tuổi này về chùa khi mới được vài ngày tuổi và chỉ nặng có 900gr. Bé sinh thiếu tháng nên ông và các già rất vất vả.

Sau Tết Nguyên đán Tân Mão vừa rồi, bé ốm nặng. Đưa lên viện, bác sỹ bảo khó qua khỏi. Ông về chùa cắt đặt mọi việc để chuẩn bị đón bé về mà lòng buồn rượi. Thắp hương khấn Phật, ông nguyện nhận hết bệnh tật về mình, chỉ mong sao đứa con nuôi qua khỏi. Vậy mà như có phép màu. Cậu bé vượt qua được giai đoạn ngặt nghèo, trở về trong vòng tay của ông và các già. 

Nhận nuôi trẻ, vừa làm cha vừa làm mẹ, ông đã chuẩn bị tinh thần nhưng có những lúc vẫn không mường tượng được hết những nhọc nhằn mình phải trải qua. Đó là khi cả mấy đứa trẻ cùng ốm.

Ban ngày phải làm việc, đêm ông hầu như thức trắng. Hết cho đứa này uống thuốc lại lau mình, đắp trán hạ sốt cho đứa kia. Thấy ông quá vất vả, một số vãi già đã tình nguyện đến chùa phụ giúp. Việc chăm sóc đã thế, lo cái ăn hàng ngày cho ngần ấy đứa trẻ cũng không dễ dàng gì.

Cấy sáu sào ruộng, trồng thêm một ao rau muống, ông và những đứa trẻ đắp đổi qua ngày. Gần đây, cảm kích trước tấm lòng nhân từ của ông, nhiều người đã tìm tới ủng hộ. Người cho chai dầu, người gửi bao gạo. Cái ăn, cái mặc của các cháu khá dần lên. Trồng cây rồi cũng đến ngày hái quả.

Ông tự hào: “Tôi chỉ phải nuôi đám trẻ ăn học từ cấp ba trở xuống thôi các bác ạ! Hơn chục đứa học đại học, cao đẳng đã có các anh chị chúng lo”.

Mang ra một tấm ảnh lớn, ông đứng giữa, mấy cặp vợ chồng trẻ tay bế, tay dắt con đứng xung quanh, ông khoe: “Dựng vợ gả chồng xong, cứ đến tết là chúng nó đưa con về thăm. Tôi còn trẻ thế này chứ cháu nội ngoại gì cũng có đủ rồi ạ!”.

Ông cười rõ tươi, niềm vui làm khuôn mặt phúc hậu của ông bừng sáng. 

Lúa đang thì con gái, cánh đồng rộng bao quanh chùa Thịnh Đại xanh ngút ngàn. Sóng lúa rập rờn như sóng biển, tôi liên tưởng tới tấm lòng của thầy Việt Hòa. Sẽ còn nhiều đứa trẻ nữa lớn lên, ra đi từ ngôi chùa nhỏ bé này và chắc chắn chúng sẽ chẳng bao giờ quên, người không có công sinh thành nhưng có công dưỡng dục chúng nên người.

Nguồn tin: CATP.HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây