Tang thương, hoảng loạn vì ngoại cảm

Thứ sáu - 20/05/2011 14:22
Trong giới cô đồng, “cậu” Hồng (hành nghề tại Duy Tiên, Hà Nam) là một “thương hiệu” có sức hút lớn với lời đồn về biệt tài chuyên tìm mộ liệt sỹ. Khách đến nhà “cậu” thường ổn định ở mức hàng trăm người, có khi lên tới 400 - 500 người với một niềm tin cháy bỏng là nhờ tài “cậu”, những hài cốt liệt sỹ thất lạc từ cả vài chục năm sẽ được tìm, đưa về quê cha đất tổ để hương khói cho ấm lòng.

Nhà ngoại cảm với biệt tài... gây tai họa 

Tuy nhiên, khi mà biệt tài tìm mộ  liệt sỹ chỉ mới dừng lại ở những tin đồn chưa  được chứng minh xác thực thì phóng viên PLVN lại khám phá thêm “cậu” Hồng có một biệt tài khác là... gây tai họa cho một số con nhang, đệ tử đến cậy nhờ tìm mộ. 

Bài 1: Bát nháo “chộp” hồn 

Vượt quãng đường hơn 70 km từ Hà Nội về Hà Nam, trong vai những người nhà có thi hài liệt sỹ còn thất lạc, phóng viên và những người bạn đã tìm đến trung tâm gọi hồn, triệu vong của “cậu” Hồng tại xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên. “Cậu” là một... phụ nữ tuổi  ngoài 40 tuổi với họ tên đầy đủ: Hoàng Thị Hồng. 

Chửi bậy để triệu vong 

Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ với những ngôi nhà đơn sơ, khu điện thờ của cậu Hồng không vì thế mà khó tìm bởi ngay từ đầu huyện, hỏi nhà “cậu” Hồng thì ai cũng biết đường và tận tình chỉ giúp.


Một gia đình đang ngồi áp vong.

Cách nhà “cậu” chừng 700m là la liệt những quán hàng hương hoa các loại. Khi chúng tôi tạt vào mua lễ, chủ quán ai cũng ca ngợi hết lời tài phép của “cậu” Hồng cùng những lời hướng dẫn rằng: Phải đi đông người, nhiều phụ nữ thì mới có hiệu quả. Lời khuyên trên quả thật chân thành khi 3 người đàn ông chúng tôi đến diện kiến “cậu” Hồng đã bị một người phụ nữ bán cơm trong khuôn viên khu gọi hồn nhắc: “Đến ba người đàn ông thế này không được đâu. Về tìm thêm mấy người phụ nữ nữa rồi mai tìm gặp”. 

Biết là công cốc nên chúng tôi đành phải tìm đường ra về khi len lỏi qua hàng trăm người đang ngồi la liệt trong sân, ngoài ngõ ở tư thế mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm. Mọi khoảng trống không gian sân ngõ vốn rất rộng ở quê đều được phủ kín bởi những đám người đến tìm mộ.

Ngày tiếp theo, sau khi đã tập trung “lực lượng” với việc bổ sung 3 cô bạn, chúng tôi đường hoàng tiến vào khu gọi hồn với lễ lạt trên tay. Đang mải miết quan sát hàng trăm con người đang “thiền” ngang dọc trên những manh chiếu được giải khắp sân ngõ, chúng tôi bất chợt bị thu hút bởi một tiếng chửi bậy, quát lớn được lặp đi lặp lại: “Đ.M! Hít sâu vào! Thở mạnh ra!”. Mọi người xôn xao nhìn về phía có tiếng quát. Một manh chiếu gồm 7 người đang ngồi mắt nhắm nghiền. Một người phụ nữ ngoài 40 tuổi đang quát tháo. Mọi người xì xào: “Cậu đấy! Cậu đấy!”. 

“Cậu” đi khuất sau những tiếng quát mắng, gương mặt một người phụ nữ méo xệch rồi òa khóc. “Thế là vong về rồi!”. Mọi người lại tấm tắc khen “cậu”. 

Quan sát thêm, chúng tôi thấy một nhóm 2-3 người đi đi lại lại giữa đám người được ngồi trong các chiếu rồi quan sát xem có ai đang nhập tâm. Ngay lập tức, tiếng quát lại vang lên: “Hít sâu vào, thở mạnh ra!”. Kèm theo đó, thi thoảng là câu chửi bậy cửa miệng: “Đ.M!”. Hỏi ra, chúng tôi mới biết nhóm người trên là đệ tử ruột của “cậu” Hồng. Việc quát chửi trong nỗ lực mời vong về là một phong cách đặc trưng của “trung tâm gọi hồn, triệu vong, tìm mộ” của nhà “cậu” Hồng. 

Vong giả và màn kịch gọi hồn 

Sau một hồi đi lại, quan sát, phóng viên lân la vào làm quen với chủ quán cơm chuyên phục vụ các khách đến gọi hồn, tìm mộ. Quán cơm là một nhà cấp 4 nằm sát vách nhà “cậu” Hồng. Ngoài việc quản quán cơm, bà chủ còn quản thêm 2 phòng vệ sinh với tấm biển ghi giá 1.000 đồng/lượt. Tính nhẩm, với số lượng khách vài trăm người mỗi ngày, tiền đi vệ sinh mà gia chủ thu được cũng khá đáng kể.


Người của “cậu” Hồng đứng quan sát dấu hiệu của các đoàn người để “chộp” vong.

Sau khi đặt một mâm cơm thịnh soạn, nhóm chúng tôi được bà chủ để ý hơn nhiều. Thấy bà chủ hỏi dò mấy thông tin tìm mộ cho ai, ở đâu, phóng viên bắt đầu “diễn” theo kịch bản đã lên từ trước: “Quê gốc bọn cháu ở Bắc Giang. Cháu có một ông chú tên là Đức bị hy sinh trong kháng chiến... Đi xem bói thì ai cũng bảo ông chú ấy rất thiêng, cần phải tìm về. Thầy bói cũng bảo ông chú trên hợp và luôn đi theo cháu. Nhà cửa ông bà đã già, bố mẹ thì lại đi công tác liên miên nên đành để cháu dẫn các em xuống gặp “cậu” để tìm ông chú về. Trước là hiếu thuận với người đã mất. Sau là để người còn sống được an lòng...”. 

Trình bày xong, chúng tôi được chủ quán bố trí cho một chiếc chiếu cũ và một góc sân với lời hướng dẫn: Ngồi yên, nhắm mắt, nhập tâm, nhớ về người cần tìm, cứ đợi thì ắt vong sẽ về! 

Làm theo lời chỉ dẫn, chúng tôi ngồi yên tại một góc khuất với tư thế mắt nhắm nghiền. Tuy nhiên, tâm trí chúng tôi không thể tập trung bởi thi thoảng, những tiếng quát lại vang lên: “Đ.M! Hít sâu vào! Thở mạnh ra!”. 

Qua một buổi sáng, chúng tôi không được bất kỳ ai có khả năng gọi hồn đoái hoài. Chiều đến, phóng viên và những người bạn lại tiếp tục “ngồi thiền”. Mắt nhắm nghiền, gật gù, tấm thân run lên khi hứng những làn mưa phùn lạnh ngắt (khi đó là một ngày cuối đông năm 2010), bất chợt, chúng tôi nghe tiếng xì xào: “Hình như vong về rồi kìa”. 

Tích tắc sau, một người đàn ông hiện ra trước mặt phóng viên. Ông ta quát to: “Hít sâu vào, thở mạnh ra!”. Phóng viên cười thầm: “Ông ta đang áp vong vào người mình!”. Màn kịch gọi hồn chính thức bắt đầu. 

Bi hài kịch ngoại cảm 

Đám người bên ngoài nhốn nháo bàn ra, tán vào: “Vong nhập rồi đấy. Nhà này may thật, vừa mới đi đã được. Có nhà mấy ngày liền không mời được vong về”. Người đàn ông vẫn cứ điệp khúc: “Hít sâu vào! Thở mạnh ra!”, còn phóng viên tiếp tục cho... vong nhập. 

Tra khảo... vong 

Nghe đồn rằng những người bị vong nhập ở nhà “cậu” Hồng sẽ ở tình trạng mất kiểm soát về ý thức, người hay run lên, miệng thường cất tiếng rên ư ử, phóng viên cũng giả vờ làm y như vậy. 

 Màn kịch này lập tức phát huy hiệu quả khi người đàn ông áp vong nhìn thẳng vào phóng viên và điềm tĩnh phán: “Về rồi! Về rồi! Giờ đồng chí cho tôi hỏi nhé!”. Phóng viên run người lên vì cố nhịn cười, tiếp tục giả đò gật, gật cái đầu ra chiều đồng ý. 

“Thế đồng chí tên gì? Ở đâu?” - người đàn ông cất lời.     

“Tao tên Đức, ở Bắc Giang. Tao hy sinh lâu rồi, sao không tìm tao về?” - phóng viên trả lời theo đúng “kịch bản”. 

Nhóm bạn của phóng viên cũng khúm núm: “Bác ơi! Chúng cháu là con cháu trong nhà đây. Chúng cháu xin lỗi. Mọi người nhớ bác lắm! Nhất là bà, ngày nào cũng nhắc tên bác. Bà bảo, phải tìm được bác về thì bà mới yên tâm”.

“Đúng rồi! Nịnh đi! Vong hay giận dỗi lắm!” - nhóm người xem áp vong ở nhà “cậu” Hồng xúm vào nói. 

Lúc này, người đàn ông lại nói tiếp: “Thôi được rồi, bộ đội không được xưng tao. Giờ tôi hỏi, đồng chí trả lời nhé!”. 

- Đồng chí hy sinh năm bao nhiêu?
- 72.
- Ở đâu?
- Quảng Bình.
- Chỗ nào Quảng Bình?
- Lệ Thủy.
- Xã nào của Lệ Thủy?
  ...

“Bây giờ, tôi lấy bản đồ ra chỉ cho đồng chí, rồi đồng chí xác nhận chỗ đồng chí đang nằm. Nhưng nói trước là bây giờ chỉ còn đất thôi chứ không còn xương cốt gì đâu nhé!” - người đàn ông kết lại sau một hồi đối đáp với “vong”. 

Nói đoạn, người này đưa ra một tấm bản đồ chi tiết về huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau đó, ông ta tuần tự đọc một loạt tên các xã thuộc huyện này. Khi người này hỏi: “Xã Phú Hải phải không?”, phóng viên gật đầu lia lịa. Người đàn ông liền chộp lấy: “Đồng chí ở xã Phú Hải hả? Được rồi! Thế lấy UBND xã Phú Hải làm trung tâm, đồng chí cho biết mình nằm cách xa trung tâm khoảng bao xa?”. 

- Gần 2 km.
- Gần 2 km hả? Thế thì khoảng 1,8 km nhé! Thế đồng chí nằm ở độ sâu bao nhiêu?
- 2m.
- Được rồi! Đồng chí cho biết hôm nào thì người nhà có thể vào đón đồng chí về?
... 

Câu chuyện “triệu vong, gọi hồn” cứ thế tiếp diễn. Cho đến khi hỏi hết thông tin, người đàn ông này liền đứng dậy. Thấy vậy, phóng viên tiếp tục “diễn” một hồi, giả vờ run lên rồi nằm vật ra chiếu. Mọi người bên ngoài xúm lại nói: “Vong ra rồi. Mệt lắm đấy! Đưa vào nhà nằm nghỉ đi!”.

“Hợp đồng” tìm mộ 

Sau một hồi nghỉ ngơi, nhóm “diễn viên không chuyên” chúng tôi cử người ra gặp người đàn ông vừa gọi hồn, triệu vong. Người này tự xưng tên Tuấn, là một đệ tử ruột của “cậu” Hồng. Tuấn là một người đàn ông gần 40 tuổi, dáng người đậm. Tuấn cho phóng viên số điện thoại để liên lạc, đồng thời dặn phóng viên: Trước khi đi tìm, cần phải xuống Hà Nam một lần nữa để áp vong, “cậu” sẽ trực tiếp làm! 

Những ngày tiếp theo, phóng viên và Tuấn liên tục có những trao đổi qua điện thoại với nội dung bàn việc tìm mộ. Theo đó, sau khi đã định được ngày, phóng viên và những người bạn sẽ đến nhà “cậu” Hồng để áp vong một lần nữa. Sau khi có được thông tin chính xác, đoàn tìm mộ sẽ khởi hành. 

Trong một lần trao đổi với phóng viên, Tuấn gợi ý sẽ cho thuê xe ôtô chở đoàn vào Quảng Bình với giá 7 triệu đồng. Người nhà của vong sẽ phải chi tiền đi lại, thuê phương tiện, tiền lễ. Còn về khoản tiền bồi dưỡng cho “cậu” Hồng và các đệ tử, Tuấn phán một câu: “Tùy tâm, cám ơn bao nhiêu cũng được!”. 

Hoài nghi những nấm mồ 

Trong quá trình “giao dịch” với Tuấn, phóng viên cũng có dịp tiếp xúc với nhiều gia đình cất công đi tìm mộ. Ông Toàn, một người dân ở Gia Lộc, Hải Dương, đang công tác tại một đơn vị quân đội tại Hà Nội cho biết: “Nhà tôi nhiều lần qua nhà “cậu” Hồng tìm mộ. Ngoài chi phí thuê xe khoảng chục triệu mỗi lần ra thì còn nhiều thứ chi phí khác như lễ lạt, cám ơn. Tiền cảm ơn nói là tùy tâm nhưng ai dám trả ít. Nó cũng phải rơi vào mức tiền triệu mỗi tháng. Tôi có một điều trăn trở là cả hai nấm mộ mà nhà tôi nhờ “cậu” Hồng tìm về chỉ là những nấm đất, khó xác định rõ thực hư”. 

Tiếp tục lần tìm những địa chỉ khác từng nhờ “cậu” Hồng tìm mộ, phóng viên đến xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Đây là một trong những nơi có phong trào tìm mộ rầm rộ trong vài năm qua với niềm tin được các gia chủ đặt vào “cậu” Hồng rất cao. Theo cô Phan Thị Thủy (ở xóm 6, xã Nguyên Xá), xã này nếu tính sơ sơ cũng có vài chục người nhờ “cậu” Hồng tìm mộ. 

Tuy nhiên, hầu hết những ngôi mộ tìm được chỉ là nấm cát, đất. Cũng có nhà được chỉ tới một ngôi mộ, nhưng đó lại là mộ vô danh. Cá biệt có trường hợp nhà bà M ở xóm 2 được chỉ tới một ngôi mộ trong nghĩa trang nhưng khi chuẩn bị khai quật thì có người khác ra chứng minh rằng đó là mộ nhà người ta nên đành bỏ cuộc. Trao đổi với phóng viên, các hộ gia đình nêu trên xác nhận lời cô Thủy nói. 

Quay trở lại với trường hợp đi tìm mộ “liệt sỹ” của phóng viên, khi Tuấn giục chúng tôi xúc tiến nhanh quá trình đi tìm “mộ”, phóng viên đã tìm cớ thoái thác bởi trên thực tế, làm gì có vong hồn ấy và ngôi mộ ấy! Không có vong, vẫn triệu được vong. Không có hồn, vẫn gọi hồn về được. “Tiềm năng con người” tại điểm gọi hồn của “cậu” Hồng thật khiến người ta kinh hãi đến... tức cười. Và với khả năng ngoại cảm “bịp” ấy, không biết đã có bao nhiêu con người cả tin trót tôn những ngôi mộ vô danh, bao nhiêu những nắm đất vô tri, vô giác đã được tôn lên là hài cốt người dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc? 

Đi “triệu vong“, chưa thấy mộ đã... tâm thần 

Như tin đã đưa, với mục đích kiểm nghiệm khả năng triệu vong, gọi hồn tại địa chỉ nhà “cậu” Hồng, phóng viên PLVN đã bịa ra một vong hồn không có thật khi tìm đến tư gia của “cậu”. Kết quả: Đệ tử của “cậu” Hồng đã “giúp” phóng viên gọi vong hồn đó lên... như thật! Phép thử đã cho ra kết quả, sự hoài nghi của chúng tôi về những nấm mồ mà ê-kíp ngoại cảm của “cậu” Hồng đã có căn cứ xác đáng. Rời nhà “cậu”, phóng viên đã tiến hành một cuộc điều tra dựa trên một số trường hợp có thật từng tìm tới nhà “cậu” để nhờ cậy. 

Ký ức kinh hoàng 

Với mong muốn tìm được hài cốt của người anh đã hy sinh trong thời kháng chiến chống Mỹ, chị Nguyễn Thị H (48 tuổi, ở xóm 4, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cùng 5 người thân trong gia đình đã thành kính khăn gói sang nhà “cậu” Hồng ở Hà Nam.

“Thời điểm đó là tháng 3/2010. Thấy người dân trong xã Nguyên Xá thi nhau sang nhà “cậu” Hồng tìm mộ thân nhân và sau những chuyến đi đó là những chuyến xe mang hài cốt trở về, tổ chức an táng tại nghĩa trang quê nhà, chúng tôi trào dâng niềm tin vào khả năng tìm mộ của “cậu”. Gia cảnh không có gì gọi là khá giả nhưng dẫu tốn kém mà tìm lại được mộ cho người thân thì chúng tôi nào có xá gì” - chị H hồi tưởng về lý do đến nhờ cậy nhà “cậu” Hồng tìm mộ. 

Chị H nói tiếp: “Tìm đến nhà “cậu” Hồng, niềm tin của chúng tôi càng tăng lên khi chứng kiến cảnh hàng trăm con người từ khắp các nơi đổ về đây nhờ tìm mộ. Những câu chuyện mắt thấy, tai nghe tại đó như lúc vong nhập vào người dân, người âm đối đáp với người dương càng khiến chúng tôi tin chắc rằng hài cốt của người nhà mình sẽ sớm được tìm thấy”. 

Và hành trình tìm mộ liệt sỹ của nhà chị H tưởng như đã ở rất gần khi chính chị H có biểu hiện bị người âm nhập vào cơ thể. Địa chỉ về nơi hài cốt đang nằm sâu dưới lòng đất cũng được rành rọt ghi lại sau màn tra khảo vong. Sau buổi triệu vong, đoàn người nhà chị H khấp khởi trở về quê nhà để chuẩn bị cho hành trình đón hài cốt đã được định sẵn ngày giờ. Tuy nhiên, cũng từ đây, cơn ác mộng với chị H mới thực sự bắt đầu... 

“Sau khi rời nhà “cậu” Hồng, chị H nhà tôi không mê mệt bất tỉnh thì cũng rời vào trạng thái hoang tưởng, điên loạn. Chị ấy thường xuyên có những lời chào đồng chí, cách đi lại kiểu nhà binh. Rồi có khi lại diễn cảnh tránh bom đạn, lộng ngôn tao mày...” - một người nhà của chị H cho hay. 

Người này nói tiếp: “Lúc đầu, gia đình cứ tưởng chị H vẫn bị vong nhập. Nhưng sau này phân tích mới thấy lời lẽ của chị ấy lúc đó không mang nhiều thông tin, lại nghĩ tới những tình tiết đáng ngờ tại nhà “cậu” Hồng nên trong nhà tôi có hai luồng ý kiến. 

Thứ nhất là chị H bị vong nhập thật. Thứ hai là chị ấy bị bỏ bùa hoặc bỏ thuốc mê. Tình trạng đáng ngại của chị H kéo dài trong cả tháng trời nên cuối cùng nhà tôi quyết định đưa chị ấy lên Bệnh viện tâm thần tỉnh để điều trị. Sau 2 tháng, chị ấy khỏi”. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Gia đình còn ý định sang nhờ “cậu” Hồng tìm mộ tiếp hay không?”, chị H lắc đầu quầy quậy: “Không! Sợ lắm rồi!”. 

Náo loạn cả gia đình 

“Gia đình cái Nhung đi gặp nhà ngoại cảm xong thì loạn hết cả lên” - một người dân xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết khi phóng viên hỏi thăm đường vào nhà chị Cấn Thị Nhung. 

Chuyện bắt nguồn từ việc nhà bố mẹ đẻ của chị Nhung lên phương án tìm và quy tập mộ liệt sỹ của một người chú chị Nhung. Sau khi sàng lọc thông tin từ nhiều nguồn về khả năng tìm mộ của các nhà ngoại cảm, cuối cùng gia đình này thống nhất nhờ cậy cả vào “cậu” Hồng ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. 

Một người thân của chị Nhung kể lại: “Việc đến nhà “cậu” Hồng bắt đầu từ giữa tháng 4/2011. Đoàn chúng tôi có gần chục người, đa phần là phụ nữ, trong đó có cái Nhung. Tuy vong nhập vào một người chị em khác của nó là cái Lâm nhưng cái Nhung cũng như hầu hết những người còn lại đều rơi vào tình trạng hoang tưởng sau khi từ nhà “cậu” Hồng trở về”. 

“Cái Nhung có biểu hiện rất lạ lùng. Lúc thì nó tụng kinh, khi thì nằm đau đớn, vật vã, không nhận biết được mình là ai. Rồi nó tham gia vào trò đánh đấm, ẩu đả, đuổi nhau suốt đầu làng, cuối xóm với những người đi cùng đoàn xuống nhà “cậu” Hồng. Khi đó, trông nó sợ lắm” - người này kể tiếp trong sự hoang mang. 

Cuối tháng đó, chị Nhung được gia đình đưa vào Bệnh viện Tâm thần 2 Thường Tín để khám, chữa bệnh. 

Để kiểm chứng những thông tin trên, chiều 6/5/2011, phóng viên đã tìm đến nhà chồng chị Nhung (cũng ở xã Phụng Thượng). Tuy vậy, khi chúng tôi chưa kịp giới thiệu, hỏi han điều gì thì gia đình này đã cho người ra hành hung phóng viên. 

Họ còn giữ phóng viên lại rồi cử người lên trụ sở UBND xã Phụng Thượng báo Công an xã xuống... bắt phóng viên! 

Sau đó, phóng viên được mời về trụ sở Công an xã Phụng Thượng. Tại đây, ông Nguyễn Văn Sơn giải thích với phóng viên: “Ông bố chồng của chị Nhung lên báo là các anh vào nhà người ta yểm bùa, làm phép gì đó nên đã không giữ được bình tình mà cư xử với phóng viên như vậy. Gia đình họ đang hoảng loạn lắm! Mong các anh thông cảm!”. 

Việc tìm hài cốt thể hiện tấm lòng thành kính, đáng trân trọng của những người đang sống đối với những người đã khuất. Và nếu trên cõi đời này có sự tồn tại của một thế giới khác - thế giới người âm - thì người âm ắt hẳn sẽ phải cảm động trước tấm lòng của thân nhân và phù hộ độ trì cho người dương thế đang cố gắng thực hiện nghĩa cử cao đẹp... Đằng này, hai gia đình nêu trên đã nhận lại toàn bi kịch sau khi tìm đến nhà “cậu” Hồng. Mục đích tìm mộ của họ là không sai. Phải chăng họ đã chọn sai nơi tìm mộ? 

Tang thương, hoảng loạn vì ngoại cảm 

Trong bài viết trước, PLVN có đề cập đến trường hợp chị Cấn Thị  Nhung phải nhập viện tâm thần sau khi trở về từ nhà “cậu” Hồng. Tuy nhiên, tai họa đến với chị Nhung như vậy còn... chưa là gì bởi trong hành trình cậy nhờ “cậu” Hồng, có người đã... bỏ mạng!

Một tháng sau ngày chị Cấn Thị Lâm (25 tuổi, ở cụm 6, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đột tử trên chuyến xe mà nhiều người vẫn gọi là “chuyến xe trời hành”, “chuyến xe điên loạn”, không khí hoang mang vẫn bao trùm địa phương nơi chị Lâm cư trú... 

“Chuyến xe trời hành” 

Chúng tôi tìm vào nhà bố mẹ chồng chị Lâm (ông Thu, bà Bích, ở cụm 6, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), nét u sầu vẫn chưa nguôi trên khuôn mặt đôi vợ chồng tuổi đã xế chiều. 

Không buồn đau sao được khi người con dâu trẻ tuổi đã ra đi, để lại cho ông bà 3 đứa cháu nhỏ, đứa lớn nhất mới hơn 5 tuổi, hai đứa nhỏ là cặp song sinh mới gần 1 tuổi. Gắng nén buồn đau, hai ông bà gạt nước mắt kể cho phóng viên nghe câu chuyện về “chuyến xe trời hành” mà con dâu họ là nạn nhân. 

“Chuyện tìm mộ do gia đình nhà Lâm khởi xướng. Tôi cũng không phản đối gì bở lẽ việc quy tập hài cốt người đã khuất về quê hương là một nghĩa cử cao đẹp. Gia đình bên ấy đã vài lần đến nhà “cậu” Hồng ngoại cảm. Kết quả là trong số gần chục người đi, con Lâm là người có biểu hiện vong nhập. 

Từ ngày 13/4/2011, sau khi ở dưới đó về, hàng ngày nó đều có những hành vi giống như bị vong là thân nhân của mình hy sinh trong chiến tranh nhập vài lần. Những lúc như thế, tác phong của nó như bộ đội. Đi lại mốt hai mốt. Gặp ai, nó cũng chào đồng chí theo kiểu bộ đội. 

Lúc đầu thì chúng tôi rất mừng vì cứ ngỡ nó bị bác nó nhập vào thật, cơ hội tìm được mộ sẽ càng cao. Tuy nhiên, vài ngày sau nó có biểu hiện rối loạn tinh thần đến mức mê sảng nên gia đình bên đó lo lắng quá, gọi lại cho nhà ngoại cảm để nhờ chữa trị. Ai ngờ, đi gần tới nơi thì nó gặp chuyện...” - ông Thu, bố chồng chị Lâm kể đến đây thì nghẹn lời. 

Ngồi kế bên, bà Bích - mẹ chồng chị Lâm nói trong tiếng nấc: “Tôi không đi trực tiếp nhưng nghe mọi người trong đoàn nói lại là trên đường đi, Lâm nó có biểu hiện bị vong nhập. Nó đập đầu vào cửa kính ô tô. Được một lúc thì nó ngồi im. Sau đó, gần đến nơi thì mọi người xuống xe. Thấy nó không xuống, anh lái xe lay nó, gọi dậy thì nó ngã vật ra. Hoảng hốt, mọi người đưa nó ra bệnh viện huyện gần đó để cấp cứu nhưng không cứu được. Khổ lắm chú à!”. 

Bí ẩn chất bột trắng và chai nước lạ 

Ngay sau khi chị Lâm tử vong, người nhà đã đưa chị về gia đình lo chuyện mai táng. Tuy nhiên, khi tiến hành các thủ tục khâm niệm, gia đình nạn nhân đã phát hiện một số điểm đáng ngờ. 

“Chúng tôi phát hiện trong người cháu Lâm một tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng bọc bên trong chất bột màu xám xám” - ông Cấn Văn Tô, chú ruột của chị Lâm kể lại.     

“Nhớ lại quá trình đi gọi hồn thì ngoài chất bột đáng ngờ kể trên, những người trong đoàn tìm mộ còn được cho thêm những chai nhựa chứa nước trong suốt nhìn như nước lọc. Theo lời kể của mọi người, lúc hồn chưa nhập, họ được người nhà “cậu” Hồng tẩm thứ nước kể trên vào vùng đầu, trán, xoa vào hai bên cánh tay” - ông Thu, bố chồng của chị Lâm nói tiếp. 

Người nhà chị Cấn Thị Lâm lập tức báo thông tin về cái chết còn nhiều uẩn khúc của chị Lâm lên cơ quan công an sở tại. 

Hiện, vụ việc vẫn đang được điều tra nhưng trước đó, Công an huyện Phúc Thọ đã tổ chức khám nghiệm tử thi nạn nhân và thấy có nhiều dấu vết bầm tím, da xước, phổi bị xẹp, não và nội tạng bị xung huyết. Nhận định ban đầu nhiều khả năng chị Lâm chết do trúng độc. 

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Công an xã Phụng Thượng cho biết, vụ việc này đang trong quá trình điều tra. 

Tang thương, hoảng loạn 

Cái chết của chị Cấn Thị Lâm chỉ là một điểm nhấn trong tấn bi kịch mà đại gia đình chị phải gánh chịu sau cái ngày đến cậy nhờ “cậu” Hồng tìm mộ là thân nhân liệt sỹ. 

“Từ sau ngày đi tới nhà ngoại cảm bị vong nhập rồi trở về, Lâm lúc nào cũng ngây dại với những phong thái kiểu nhà binh. Hầu hết những người đi cùng cũng rơi vào trạng thái hoảng loạn, trừ ông ngoại của Lâm. Một số người thi thoảng lại vô cớ lao vào đánh nhau kịch liệt, có trường hợp phải nhập viện” - một người có quan hệ gần gũi với gia đình chị Cấn Thị Lâm tiết lộ. 

Ông Cấn Văn Tô lý giải về việc ông ngoại của chị Lâm không có những hành vi quái dị: “Trong số gần chục người đi, chỉ có ông ngoại không bị tẩm thứ nước lạ đó lên đầu. Đến lúc này thì gia đình thực sự sợ chuyện gọi hồn, tìm mộ lắm rồi. Chỉ mong cơ quan điều tra sớm tìm ra nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của cháu tôi và nguyên nhân bệnh tình của những người đi gọi vong để gia đình có hướng điều trị!”.

Nguồn tin: Pháp Luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây