Lân la bán hương, kêu gọi hảo tâm của “thiện nam, thiện nữ”, Bằng gạ gẫm họ cúng giải hạn… Dưới cái vỏ của một nhà sư, Bằng đã khiến “con mồi” sập bẫy, kiếm tiền triệu.
Từ người đàn bà chân chất...
Ngồi trước mặt tôi trong nhà tạm giữ của công an quận Tây Hồ, Hà Nội là người phụ nữ chân chất. Qua phần tự giới thiệu, tôi được biết chị ta là Nguyễn Thị Bằng (41 tuổi, ở thôn Đồng, xã Chi Lăng, Quế Võ, Bắc Ninh), bị bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng giả danh người nhà chùa đi lừa các con nhang đệ tử.
Ngồi thật lâu, Bằng cất giọng nhỏ nhẹ tiếp chuyện. Nghe chất giọng nhỏ nhẹ đó của Bằng, tôi phần nào hiểu được vì sao không ít người đã sẵn sàng bỏ tiền gấp hàng chục lần để mua một bó nhang mà chị ta bán. Họ nghĩ rằng mua hương của Bằng là để quyên góp cho nhà chùa lấy tiền “đúc tượng, tôn tạo, đúc chuông…”. Lúc khoác bộ quần áo nâu sòng trên người, Bằng càng giống một ni cô hơn vì gương mặt hiền lành, phúc hậu. Mở lời được vài câu, chị ta òa khóc, nói rằng đã biết lỗi, hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Lúc trấn tĩnh, Bằng lấy vạt áo của chiếc áo len cổ lọ quệt ngang những giọt nước mắt đang thi nhau tuôn trào. Từ hôm bị chuyển lên công an quận đến nay đã 3 hôm, không tối nào, Bằng chợp mắt nổi. Chị ta bảo vừa vì sợ, vừa vì nhớ hai con ở nhà. Có lúc, người đàn bà này tự vẽ ra nhiều bối cảnh về việc chồng con sẽ phải xấu hổ khi có người vợ, người mẹ như mình.
Nguyễn Thị Bằng tại cơ quan điều tra
Lớn lên ở vùng quê
nghèo của Bắc Ninh, giống như nhiều cô gái khác, Bằng được cha mẹ dựng vợ gả
chồng cho một thanh niên cùng thôn. Cuộc sống vất vả với mảnh ruộng của bố mẹ
chia cho. Vợ chồng Bằng có hai đứa con khiến gia đình sống càng chật vật hơn.
Chồng không có nghề nghiệp ổn định, lúc nghề này, mai việc kia cũng đủ nuôi các con ăn học. Trong khi đó, vừa cấy cầy, chăm con gà, con vịt, Bằng chạy chợ thêm nên kinh tế gia đình bớt eo hẹp. Sau mỗi đợt nông nhàn, Bằng lại cùng một số phụ nữ khác trong thôn về tận Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội lấy buôn các loại quần áo rồi mang ra thủ đô bán dạo.
Với đống quần áo đủ kiểu, không kể nắng mưa, chị ta đi khắp các ngõ phố rao bán. Có những chiếc áo bán lãi được vài nghìn cũng còn hơn ở nhà, không kiếm được ra tiền. Bằng còn nhớ, có buổi đi cả ngày không bán được chiếc quần, cái áo, đôi tất nào. Những ngày đó, Bằng chỉ có ăn cơm nắm, muối vừng mang theo với chai nước đun sôi.
Cơ cực, dầm mưa
giãi nắng là vậy nhưng Bằng không từ nan, vì cần phải có tiền nuôi các con ăn
học. Anh chồng thỉnh thoảng đi làm xa cũng chỉ kiếm thêm chút đỉnh, không đủ để
khiến cuộc sống gia đình bớt khó khăn.
Cuộc sống vất vả vậy nhưng mái ấm nhỏ của chị ta hạnh phúc, bà con lối xóm luôn khen vợ chồng Bằng biết vun vén và họ đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất. Ở xóm làng, Bằng được tiếng là phải đạo làm dâu, đối xử tốt với mọi người.
Hai đứa con, một 20, một người 17 tuổi lớn lên đều tự hào về mẹ mình, làm lụng vất vả để nuôi nấng chúng. Nhưng, trong những phút suy nghĩ nông cạn, người đàn bà này đã làm sụp đổ tất cả thành quả đã gây dựng trong 20 năm qua khi dám cả gan mạo danh nhà sư để đi lừa tiền người nhẹ dạ.
... “Hóa thân” thành ni cô để đi lừa tiền thiên hạ
Khi nói đến con
đường dẫn đến phạm pháp của mình, Bằng lặng im. Chị ta sẽ sàng “dạ thưa cán bộ”
bằng những đoạn hội thoại ngắt quãng. Bằng nại ra rằng, vì cuộc sống khó khăn
nên chị ta đã nghĩ cạn, làm liều những điều “thất đức”. Thấy hiện nay, nhiều
người có tâm, sẵn sàng bỏ tiền ra ủng hộ cho nhà chùa xây dựng, tôn tạo, đúc
chuông…
Bằng đã lợi dụng điều này để “kiếm chác”. Chị ta mạo danh là nhà sư ở chùa Phật Huệ, ở Bắc Ninh và về Hà Nội lân la đến các gia đình. Nhằm thực hiện cho ý đồ của mình, trong một lần về tham quan ngôi chùa lớn ở Ninh Bình vào khoảng tháng giêng vừa qua, Bằng đã mua bộ quần áo nhà sư. Chị ta đã phải dành ra nhiều thời gian để mặc thử, giấu tóc không lộ ra ngoài.
Đồng thời, Bằng học cách đi đứng, nói năng nhã nhặn của một ni cô để thu hút tình cảm người đối diện. Không ít lần sau khi mặc thử trang phục của người nhà chùa vào, Bằng đã soi mình trước gương để chỉnh chang cho hoàn thiện phong thái ni cô. Bằng bảo những lúc ấy có “giấu chồng, con, sợ họ nghĩ chị ta đi tu thật”.
Có bộ đồ trong tay rồi, Bằng còn tìm cách kiếm được tờ giấy giới thiệu đã hết hạn của một nhà sư khác. Tờ giấy có con dấu. Bằng đã bóc ảnh của nhà sư trên tờ giấy giới thiệu ra rồi dán ảnh của mình vào. Để yên tâm hơn, chị ta còn photo tờ giấy giới thiệu này ra rồi dán ảnh làm đề phòng. “Lúc đó tôi nghĩ chả có ai đòi xem xét cặn kẽ giấy tờ chứng thực tôi là người của nhà chùa”, Bằng nói. Chính sự lơ là, mất cảnh giác này đã gián tiếp tiếp tay cho người đàn bà này “quyên tiền vào túi” chị ta.
Theo lời Bằng, có
trang phục, có giấy giới thiệu giả là đủ điều kiện để đi bán hương, quyên tiền
của con nhang đệ tử. Nơi chị ta chọn đến để hành nghề là Hà Nội. Mỗi tuần đều
đặn từ tháng 2 đến nay, ngoài việc cấy cầy, chăm con gà con lợn và chạy chợ,
Bằng dành một ngày để… làm ni cô, đi bán nhang. Từ sáng sớm, Bằng đi bộ ra quốc
lộ rồi bắt xe buýt từ Bắc Ninh về Hà Nội.
Chị ta lang thang khắp các đường phố,
chủ yếu thuộc các địa bàn quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ… với túi nhang đầy
ắp. Bằng mò vào các ngõ ngách và gõ cửa các gia đình. Tới nhà nào, chị ta cũng
giới thiệu mình là nhà sư của chùa Phật Huệ ở Bắc Ninh. Sau đó, để tạo tin tưởng
hơn với người mua, Bằng đưa giấy giới thiệu nhằm chứng minh việc đi bán nhang
chủ yếu là để giúp nhà chùa có tiền sửa sang, tôn tạo.
Thấy gương mặt chân chất và giọng điệu nhẹ nhàng của người đàn bà này, hầu hết mọi người đều hài lòng khi bỏ tiền gấp nhiều lần ra mua một bó nhang tích đức. Sau khi bán được cho gia chủ hàng, Bằng lân la hỏi chuyện và đặt vấn đề cúng sao giải hạn để lừa. “Tùy từng gia đình, nắm bắt được tâm lý của họ trong khi chuyện trò, tôi giới thiệu với họ về việc cúng bái giải hạn. Mục đích của tôi là lừa lấy lấy tiền rồi bỏ đi”, Bằng thừa nhận.
Việc lừa đảo của
người đàn bà này bị lật tẩy trong phi vụ “làm ăn” trên địa bàn phường Bưởi,
quận Tây Hồ. Ngày 9/4, Bằng mò vào ngôi nhà của chị Hoàng Thị Xuân trên đường
Thụy Khuê và giới thiệu là sư của chùa Phật Huệ, đi bán nhang để quyên góp xây
dựng, tu tạo lại chùa. Chị Xuân đã đồng ý mua nhang của Bằng để ủng hộ, làm
điều thiện.
Sau đó, qua câu chuyện cởi mở của gia chủ, Bằng nắm được ý nguyện cúng giải hạn nên đặt vấn đề sẽ lo việc này cho chị Xuân. Bằng nói với chị Xuân rằng, chùa Hàm Long, một ngôi chùa nổi tiếng ở Bắc Ninh sắp tới có đợt làm lễ cúng sao giải hạn, cầu may, bình an cho các con nhang đệ tử thập phương. Vốn có nghe nói về ngôi chùa này nên chị Xuân vui mừng khi thấy “ni cô” Bằng ngỏ ý muốn giúp cho một suất cúng giải hạn.
Bằng đã đưa ra các mức phí để gia chủ lựa chọn gồm các mức 4,9 triệu, 7 triệu và 10,8 triệu đồng. Chị Xuân đã đồng ý, đưa tròn 5 triệu đồng cho Bằng để làm lễ. Thấy nạn nhân đã sập bẫy, Bằng hớn hở cầm số tiền với lời hứa hẹn, dặn dò chị Xuân đợi đến ngày sẽ thông báo. Sau đó, chị ta lặn mất tăm với 5 triệu đồng trong tay. Những tưởng hành vi xấu của mình không bị bại lộ, những ngày sau đó, Bằng vẫn ung dung xách đồ tiếp tục đi gõ cửa các nhà dân khác ở địa bàn phường Bưởi.
Trong khi đó, đưa tiền cho “ni cô” Bằng xong, chị Xuân đã phát hiện bị lừa đảo nên đã báo công an phường sở tại. Đội hình sự công an phường Bưởi đã vào cuộc điều tra, truy tìm tung tích của Bằng. Người đàn bà này bị cảnh sát bắt giữ khi đang lang thang trên đường Bưởi. Một cán bộ phường cho biết, lúc bắt Bằng, chị ta vẫn mặc trang phục của nhà sư.
“Chúng tôi đã cử
một cán bộ nữ hỏi chị ta mặc quần áo thường bên trong không và yêu cầu chị ta cởi
bỏ chiếc áo nhà sư ra rồi mới dẫn giải về trụ sở”, điều tra viên này kể lại.
Lúc đầu, Bằng tỏ ra khá lì, chỉ khóc và kêu “giời lên” rằng mình không lừa ai.
Nhưng những chứng cớ như giấy giới thiệu hết hạn, dán ảnh chị ta cùng với một
tờ giấy giới thiệu photo khác, Bằng mới im lặng.
Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh, tại địa phương nơi Bằng cư trú không hề có chùa Phật Huệ. Ngoài ra, đại diện chùa Hàm Long cũng khẳng định, không có việc tổ chức cúng sao giải hạn và cử người của chùa đi kêu gọi người dân đóng góp để làm lễ. Tờ giấy giới thiệu có dấu đỏ hết hạn, Bằng khai là nhặt được ở đâu đó, rồi dùng để hành nghề bán nhang, lừa đảo lòng tin của mọi người.
Bây giờ ngồi trong nhà tạm giữ của Công an quận Tây Hồ, Bằng sụt sịt bảo đã ân hận nhiều về hành vi phạm pháp của mình. Lúc trước, khi vẫn còn hành nghề này, chị ta cũng thường lo sợ bị người bà con phát hiện. “Có lúc, tôi cũng nghe thấy người ta nói về mình rằng, các người chỉ là sư giả, chứ có nhà chùa nào để ni cô đi bán nhang quyên tiền như vậy chứ”, Bằng nói. Tuy nhiên, vì việc kiếm tiền dễ dàng, Bằng đã gạt bỏ “những trở ngại” đó khoác trên mình chiếc áo nhà sư để đi lừa. Rồi đây, khi sự việc được làm sáng tỏ, hành vi lừa đảo của người đàn bà này chắc chắn sẽ bị xử lý trước pháp luật.
Ngày 18/4, Công an quận Tây Hồ cho biết đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Bằng để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng cũng cảnh báo với người dân, hiện nay đối tượng lừa đảo dưới hình thức này ở các địa bàn tại Hà Nội không thiếu. Những kẻ này lợi dụng lòng tin, sự thiện tâm của mọi người để lừa đảo. Người dân cần tỉnh táo để các đối tượng như Bằng không có cơ hội ra tay.
Nguồn tin: Phunutoday
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự