“Dị nhân” tuổi lên ba
Đó là bà Chảo Sử Mẩy - 53 tuổi, người dân tộc Dao đỏ ở bản Sả Séng, xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai). Người dân nơi đây gọi bà là “Tây vương... nữ thuốc”, là “dị nhân”, bởi cuộc đời, cùng cái việc “chẳng giống ai”, kiểu “lo bò trắng răng” của bà. Bà lo cho những bài thuốc bí truyền, độc đáo của người Dao đỏ thất truyền, nên đã “chi hẳn” cả hơn nửa đời người, chỉ để nam dược không... thất truyền.
Một người dân đi hái thuốc về.
Sống trên núi cao, ở cái nơi quanh năm sương giăng, mây phủ và tuyết rơi của Sa Pa, việc tiếp xúc với nước lạnh là điều không thể và từ bao đời nay, người Dao đã tìm những cây lá để “tăng nhiệt” cho nước, chống lại cái lạnh cắt da, cắt thịt. Rồi ốm đau, bệnh tật, sinh con đẻ cái, bệnh viện thì cách xa cả ngày đường, nên họ chỉ có thể dùng các biệt dược của núi rừng để tự cứu mình.
Bà Mẩy cho biết, ở đây sản phụ, trẻ sơ sinh đều tắm bằng lá thuốc, rồi cảm, rồi cúm, rồi đau nhức xương khớp, bệnh ngoài da... cũng chỉ tắm lá thuốc là khỏi. Thậm chí, sản phụ chỉ sau một tuần là có thể lên nương làm rẫy được.
Bán tín bán nghi, tôi tìm gặp người dân nơi đây để kiểm chứng thông tin. Chị Lý Mẩy Chạn, 43 tuổi, bản Sả Séng, có tới 5 đứa con khẳng định: “Người Dao mình sinh song nhưng chẳng phải kiêng khem gì cả, người khoẻ chỉ tắm thuốc lá vài lần, 3 - 4 ngày sau là có thể đi làm được!”. Trong khi đó, người Kinh và nhiều dân tộc khác, sinh con phải kiêng khem đủ thứ. Nào là kiêng nước, kiêng ra gió, rồi thức ăn cũng phải “kén cá, chọn canh”, thịt phải là thịt nạc kho nghệ, còn cá, cua, ốc, hến... đều phải kiêng tuốt và thời gian kiêng kéo dài cả gần một năm.
Đã là người Dao đỏ, ai cũng biết hái bài thuốc để tắm, còn “bài thuốc” để chữa bệnh thì không phải ai cũng biết. Các bài thuốc này đều có gia phả, gia truyền, thông thường trong họ chỉ có vài người được truyền. Không phân biệt gái, trai, miễn là người đó có cái tâm cứu người, thông minh, sáng dạ... là được truyền.
Bà Mẩy kiểm tra chất lượng bài thuốc trong bồn tắm.
Đến nay, gia đình
bà Mẩy đã trải 4 đời làm nghề thuốc. Xưa cụ thân sinh bà cũng là một thầy thuốc
“mát tay” có tiếng ở Sa Pa. Và khi mới 3 tuổi, Mẩy đã nhiều lần theo cha lên
núi tìm cây thuốc.
Ngay từ bé, Mẩy đã bộc lộ là một cô bé thông minh và “có nghề” đi rừng. Thấy bố, mẹ thường chặt, nhổ cả gốc cây thuốc, Mẩy thắc mắc. Bố mẹ chặt cây, nhổ luôn gốc, thì lần sau lấy đâu cây thuốc nữa mà hái?. “Thuốc trong rừng thiếu gì, lấy hết chỗ này thì sang chỗ khác, mà mình không lấy thì họ cũng nhổ”.
Nghe bố nói, Mẩy buồn lắm, cô lo rồi đây cây thuốc sẽ mất nòi, mất giống. Và để “cứu” cây thuốc, Mẩy đã nghĩ ra một cách khiến người lớn giật mình. “Mình khuyên bố mẹ và bà con chỉ hái lá và cành, chứ không chặt cây, đào gốc và ai tìm được đám thuốc nào thì đánh dấu vào gốc cây chỗ đó, để lần sau nhớ chỗ mà lấy. Người đến sau thấy “ký hiệu” không phải của mình thì không được hái. Lúc đầu cứ mạnh ai nấy chặt, nhưng dần thấy có lợi nên bà con ai nấy đều hưởng ứng!” – bà Mẩy cười sảng khoái.
Mười tuổi - chín lần vượt Phan Xi Păng
Cũng như bao đứa
trẻ Dao đỏ ở Tả Phìn, Chảo Sử Mẩy lớn lên tự nhiên, khoẻ khoắn như cây rừng
vậy. Học hết lớp 4, Mẩy ở nhà theo cha mẹ học nghề thuốc. Bà Mẩy nhớ lại, hồi
vừa tròn 10 tuổi, cứ buổi đi học, buổi lên rừng hái thuốc.
Nếu được nghỉ dài, Mẩy lại “vắt cơm” theo bố mẹ vượt Hoàng Liên Sơn tìm cây thuốc. Mải luồn lách tìm biệt dược, đến khi ngẩng đầu lên Mẩy chợt giật mình, thì đã đứng gọn trên “nóc nhà Đông Dương”. “Lần đầu tiên mình leo lên Phan Xi Păng là vào mùa hè năm 1969, từ đó cứ một tháng ít nhất mình lại lên “nóc nhà” một lần. Và khi 10 tuổi, mình đã 9 lần đứng trên “nóc nhà”, còn tính đủ thì... mệt lắm!”.
Cứ như bà Mẩy nói,
thì cây thuốc mọc càng cao, càng treo leo, thì công dụng chữa bệnh càng lớn. Và
không phải ai cũng có thể leo lên “nóc nhà Đông Dương” để hái thuốc. Một là
phải có sức khoẻ, thứ nữa là gan dạ, bởi không chỉ phải vượt qua những vách đá
dựng đứng, mà bên kia là vực thẳm... ấy là chưa kể phải đối mặt với rắn, rết,
thú dữ...
Bản thân bà Mẩy đã nhiều lần suýt bỏ mạng ở Phan Xi Păng do trượt chân, trượt tay, còn gặp rắn độc, thú dữ là thường tình. Tuy nhiên, người đi hái thuốc rất kiêng kỵ gặp rắn, nếu gặp rắn mà không biết “niệm Phật”, thì bài thuốc e khó lòng... “linh ứng”.
Gần 50 năm gắn bó với cây lá của rừng rú, bà Mẩy đã phát hiện ra 34 biệt dược, trong tổng số hơn 100 loài cây thuốc quý mà người Dao đỏ đã phát hiện. Đặc biệt, bà đã kết hợp “chế” ra nhiều bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu, như việc kết hợp giữa cây hoàng liên chân gà, thất diệp nhất chi hoa (7 lá 1 hoa), với cây tống quả sủ, giảo cổ lam... để chữa các bệnh trước vào sau khi sinh cho phụ nữ và trẻ sơ sinh...
Theo tiến sĩ Trần Văn Ơn – Trưởng bộ môn thực vật học, Đại học Dược Hà Nội, người đã nhiều năm nghiên cứu cây thuốc và các bài thuốc người Dao đỏ ở Sa Pa - trong số hơn mười người biết pha chế các bài thuốc bí truyền ở Tả Phìn, thì bà Mẩy là người nắm nhiều cây thuốc và bài thuốc độc đáo nhất. Bà Mẩy bảo, hầu hết các bài thuốc bà đều học từ mẹ và một số bài thuốc do bà tự “phát minh” ra!
Truyền lại cho hậu thế
Một cây thuốc quý trong bài thuốc của người dao đỏ.
Mặc dù chưa phải ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bà Mẩy đã lo ngay ngáy việc chọn người thừa kế. Và bà đã truyền lại cho chính con trai trưởng Lý Láo Lở. Vốn là một chàng trai thông minh, nhanh nhẹn lại được “Tây vương... nữ thuốc” truyền đạo, nên chẳng bao lâu Lở đã thuộc làu cây và các bài thuốc khó pha chế nhất. Với mong muốn quảng bá bài thuốc bí truyền của dân tộc và giúp đồng bào làm giàu từ nghề thuốc, Lở đã lặn lội khắp nơi để học thêm kiến thức về thuốc đông y và rất may anh đã được nhiều vị giáo sư, tiến sĩ nhận đỡ đầu.
Tháng 11.2010, với sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền địa phương và tiến sĩ Trần Văn Ơn, Lở và mẹ đã thành lập Cty kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa – Napro, hay còn gọi là “công ty cộng đồng”; bởi công ty hoạt động theo mô hình cổ đông, các hộ đóng góp “cổ phần” bằng cây thuốc và hưởng theo phần trăm.
Khách tắm lá thuốc tại công ty của mẹ con bà Mẩy.
Những ngày đầu anh gặp không ít khó khăn, vừa phải vận động bà con đóng cổ phần, rồi lo đầu ra cho sản phẩm. Gần đây, trước nguy cơ cây thuốc ngày càng cạn kiệt, bà Mẩy đã vận động bà con trồng cây thuốc quý ở nhà, bởi một bài thuốc nếu thiếu đi một, hai vị coi như hỏng. Từ ý tưởng của bà Mẩy, đến nay ở Tả Phìn đã có gần 10ha cây thuốc quý được trồng.
Năm 2009, nhờ học hỏi và được mẹ cố vấn, Lở đã chiết xuất, cô cao thành công hơn 30 bài thuốc. Ngoài phục vụ tắm tại chỗ, du khách có thể mua mang về do sản phẩm đã được cô cao đóng gói. Lở cho biết, hiện công ty đang cung cấp cho hầu hết các khách sạn ở Sa Pa.
Bà Mẩy khoe: “Ngày mai mình xuống Hà Nội để khai trương một hiệu thuốc tắm ở Mỹ Đình. Cây thuốc ở Sa Pa quý thì ai cũng biết, nhưng thuốc lá tắm người Dao đỏ thì còn ít người biết lắm! Mình đưa cây thuốc lá của dân tộc mình về Hà Nội, là để giúp nhiều người chưa có điều kiện lên Sa Pa đều được tắm thuốc lá của người Dao mình!”.
Nguồn tin: Việt Tùng
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự