Liên tiếp trong nhiều ngày qua, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh thể hiện sự bức xúc trước tình trạng bị chặn xe đòi tiền khi tham gia lễ hội chùa Thầy (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội).
Các “trạm thu phí” bằng tre
Từ đường Láng -
Hoà Lạc rẽ vào chừng 500m, ngay gần cổng Trường THCS Sài Sơn đã thấy dựng lên
một barie bằng tre còn nguyên màu xanh của vỏ. Bên cạnh chiếc barie tự tạo là
một nhóm gần chục người đàn ông, đầu đội mũ cối, tay đeo băng đỏ đang hùng hổ…
chặn xe.
Thấy chúng tôi cứ lùi lũi cho xe phóng vào mà không có ý định dừng lại thì một người đàn ông chạy ra giữ đầu xe và ra lệnh: “Không được đi xe vào bên trong. Tất cả phải gửi xe ở đây”. Tôi làm vẻ ngơ ngác: “Mọi ngày em vẫn đi qua đây mà anh.
Nhà em ở bên Thạch Thất, em chỉ đi qua thôi, có vào lễ hội đâu”. “Không vào hội cũng không được qua, muốn qua thì nộp 10 ngàn. Nếu không phải gửi xe ở đây, giá vé là 15 ngàn/xe”. Tôi hỏi vặn: “Ai ra quy định này mà các anh đòi thu tiền của chúng tôi”. “Đó là quy định của Ủy ban xã. Ai cũng phải chấp hành. Không nộp tiền thì đi lối khác”. Quan sát nhanh thì phát hiện ra trong đám người ngồi gần chốt chặn có hai người mặc quân phục công an.
Dọc đường đi từ chốt chặn đến chân núi chùa Thầy, chúng tôi đếm được hàng chục điểm trông giữ xe. Tất cả các điểm giữ xe này đều có chung một giá là 10.000 đồng/xe máy. Nghe tôi thắc mắc tại sao giá lại cao thế thì một nhân viên tại điểm trông xe trong sân Quỹ tín dụng nhân dân xã Sài Sơn lừ mắt: “Bình thường chúng mày gửi xe trên Hà Nội người ta còn lấy 3 ngàn/xe.
Cả năm mới có mấy ngày hội, ở đây lấy 10 ngàn là còn rẻ đấy. Còn thắc mắc cái gì nữa”. Khi ra về chúng tôi quyết định không quay ra lối cũ mà đi xuôi ra theo đường sang huyện Thạch Thất ra quốc lộ 32. Đầu đường bên này cũng có một barie bằng tre đặt ngang đường, cũng có một tốp người đứng chặn xe giống như phía ra đường Láng - Hoà Lạc.
Vừa đi ra khỏi khu
vực lễ hội, chúng tôi gặp anh Huy (Dị Nậu, Thạch Thất). Anh bức xúc: “Thật quá
vô lí. Họ làm như thế này đúng là không còn coi ai ra gì. Mất mấy chục ngàn
đồng mình không tiếc.
Tức là ở chỗ họ làm như thế chẳng khác nào chặn đường
cướp tiền trắng trợn. Thật chẳng coi luật pháp ra gì nữa”. Thì ra, vợ chồng anh
Huy làm nghề buôn nông sản, hầu như ngày nào cũng đi qua con đường chùa Thầy ít
nhất đôi lần.
Khi bị đám người của Ban quản lý chặn lại đòi tiền, anh Huy đã nói đi nói lại là chỉ đi qua đường chứ không vào lễ hội mà họ vẫn không tha. Cuối cùng anh phải ấm ức “làm luật” với đám người này để kịp giờ đi chợ.
Không chỉ anh Huy mà tại hai đầu đường phía bên ngoài các chốt chặn, rất nhiều người đi đường dừng lại bày tỏ sự bức xúc khi bị chặn xe vòi tiền mãi lộ. Anh Ninh (Đại Mỗ, Từ Liêm) sau một hồi đôi co với đám bảo vệ đã nhất quyết không chịu nộp tiền mà quay xe về bởi “thà quay sang đi lối khác xa hơn gần chục cây số còn hơn mất tiền cho... cướp”.
Lỗi do người đi đường?
Trao đổi với PV, ông Đào Tiến Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn cho biết, việc lập chốt chặn bằng barie tại hai đầu lối đi dẫn vào khu vực di tích chùa Thầy là chủ trương của UBND xã đã được Ban quản lí, tổ chức lễ hội (thuộc Phòng Văn hoá huyện Quốc Oai) thông qua.
Tuy nhiên, ông Tuyến khẳng định, không có chuyện “cấm tiệt” mà
những người làm việc tại các chốt chặn (là người thuộc Hội Cựu chiến binh thôn
Sài Khê, được UBND xã giao nhiệm vụ) chỉ làm nhiệm vụ phân luồng giao thông để tránh
việc các phương tiện ồ ạt đi vào khu di tích, gây tắc nghẽn trong ngày lễ.
Quy trình
phân luồng giao thông này được ông Tuyến chỉ rõ: Xe của du khách đi vào
lễ hội phải dừng và gửi xe ở ngoài còn những ai là người đi đường, không vào lễ
hội sẽ được hướng dẫn đi theo một con đường tránh (qua khu vực Nhà máy xi măng
Sài Sơn, xa hơn khá nhiều).
Tuy nhiên, khi phóng viên nêu vấn đề những người
đứng chốt này trắng trợn “vòi” tiền bằng cách đưa ra giá, ai nộp 10.000 đồng sẽ
cho qua thì ông Tuyến thừa nhận: “Hiện tượng này đã tồn tại nhiều năm nay nhưng
hoàn toàn là do tự phát. Về phía UBND xã, chúng tôi
tuyệt nhiên không cho phép. Nhưng khách quan mà nói, việc này cũng có một phần
lỗi do chính… người đi đường. Vì họ muốn nhanh chóng cho xe đi, nên khi bảo vệ
đòi tiền, họ sẵn sàng trả.
Các xe bị chặn khi đi qua con đường tránh cũng phải bỏ tiền “mãi lộ” mới được qua.
Nếu không, họ cứ đi theo đường tránh hoặc gửi xe ở ngoài mà đi bộ vào thì đám bảo vệ kia hết cửa làm ăn ngay”(?). PV cho biết, giá gửi xe ở ngoài cổng mà đám người canh chốt đưa ra với du khách là 15.000 đồng/xe máy, 30.000-50.000 đồng/ôtô thì ông Tuyến tặc lưỡi: “Việc này chúng tôi không biết. UBND xã đã yêu cầu chỉ được thu tiền trông xe của khách theo đúng giá quy định của Nhà nước. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này”.
Theo lời ông
Tuyến, PV đi tìm con đường tránh mà ông Tuyến đề cập thì phát hiện ra, ngay đầu
con đường tránh này (cách chốt chặn gần cổng Trường THCS Sài Sơn chỉ vài chục
mét) cũng đặt một “trạm thu phí” bằng tre. Tại chốt chặn này cũng có một nhóm
khoảng 5-6 người đứng canh.
Mọi phương tiện đi qua con đường này đều bị chặn lại đòi tiền. PV hỏi giá thì một người phụ nữ đứng ở đây cho biết, xe máy muốn qua phải nộp 5.000 đồng, ôtô là 20.000 đồng. Ngay tại chốt chặn này, PV đã ghi hình được cảnh một hàng dài gồm nhiều ôtô, xe máy nối đuôi nhau dừng nộp tiền lót tay cho nhóm người ở đây trước khi được đi qua.
Nguồn tin: Sức khỏe và Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự