Lớp học đặc biệt
Trong căn phòng khách rộng chừng 20m2 của nhà chùa đặt hơn chục bộ bàn ghế cũ của học sinh cấp 1. Có bộ bàn ghế đã bị sứt góc, chiếc thì bong sơn... được xin lại từ Trường tiểu học Đông Sơn. Phòng khách được chia thành hai lớp học nhỏ, đối đầu nhau, không có tấm che. Ở đối diện với lớp của cô Nhàn là lớp 1, 2 của cô Lê Thị Hòa và cô Trần Thị Thoa.
Cô Hòa kể lại, sáng hôm qua, nhà chùa có ngày Hội mẫu nên các em học
sinh phải nghỉ học. Hoàng Thị Hà (22 tuổi, bị tật bẩm sinh, nhà ở Trường Yên,
Chương Mỹ) ngồi dựa vào cánh cửa phòng khách, ôm khư khư ba lô, mặt buồn rượi.
“Tôi phải động viên cháu mãi. 10h trưa, bố Hà mới đạp xe đến đón con.
Đó là một người bố hết lòng vì con, không quản mưa gió, thứ 7, chủ nhật nào ông cũng đưa đón con gái đi học. Trước khi ra tới cổng, Hà còn ngoái đầu lại, cái tay ngoặt nghẹo sang một bên, vừa liến thoắng nói với tôi: mai con lại tới lớp học cô ạ”.
Buổi học của lớp 1, 2 bắt đầu bằng câu chuyện Sự tích cây khế. Theo những lời kể nhẹ nhàng của cô giáo, Hà há hốc mồm ra lắng nghe, rồi thỉnh thoảng quay ra nhìn khách cười bẽn lẽn. Trong khi đó, Đỗ Văn Dương chạy lên chạy xuống, khua chân múa tay, những âm thanh kìm lại trong cuống họng, phát ra tiếng gầm gừ không ai hiểu.
Chốc chốc, Thế Anh với khuôn mặt trắng trẻo lại hét to: Con yêu cô Hòa nhất, rồi cười vang cả lớp. Cứ như thế, khi hết câu chuyện cũng là lúc cô Hòa và các cô giáo khác phải ổn định trật tự của lớp. Thế nhưng, cứ khi nào cô Hòa nhẹ nhàng, nhắc nhở, lớp học lại im phăng phắc. “Để dạy được các em, cần nhất là sự kiên trì và có tình yêu thương. Phải như vậy, 9 thầy cô giáo mới theo được lớp học đến tận bây giờ. Mỗi ngày lên lớp, bao giờ cũng phải có 2 - 3 thầy cô giáo hỗ trợ, giúp đỡ cho các em”, cô Hòa chia sẻ.
Sau câu chuyện cổ tích, cô Thoa lấy vở ghi phát cho các em học sinh rồi bắt đầu dạy viết chữ. Cầm quyển vở trên tay, Dương viết thoăn thoắt hết cả trang giấy rồi quay sang trêu bạn bên cạnh. Ở góc dưới, Trịnh Thế Tấn viết nguệch ngoạc, cô Hòa phải cầm tay nắn nót từng chữ cho Tấn rồi chỉ khoảng cách của dòng. Cứ thế, chỉ được vài phút, lớp học lại như chợ vỡ.
Vào mùa hè năm 2007, cô giáo Lê Thị Hòa là Tổng phụ trách Trường tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ có đề nghị với sư thầy Thích Đàm Tiền, trụ trì chùa Hương Lan, mượn địa điểm mở lớp tình thương cho các học sinh khuyết tật không được đến trường.
Trước đó, cô đã dạy các em học sinh nghèo miễn phí ở nhà nhưng rồi nhà chật, không đủ chỗ cho các em học. Cô Hòa tâm sự: “Bố mẹ mình không biết chữ nhưng vẫn dạy được chị em mình khôn lớn. Vì thế, mình rất thương những ai không được đến trường. Khi ra trường, ở xã Trường Yên, Chương Mỹ, mình cũng đã dạy ở lớp tình thương”.
Nhờ có sư thầy, các thầy cô giáo giúp đỡ, năm nay qua, lớp học tình thương đã nhiều thêm các em học sinh. Theo cô Hòa, lớp học có 48 học sinh ở các xã trong huyện và ở các huyện khác. Hoàng Thị Hà 22 tuổi thì bị khuyết tật; Trịnh Thế Tấn 24 tuổi bị não và sứt môi, nói khó nghe; Cán Thị Khuê 20 tuổi bị não lúc 1 tháng tuổi, đi lại khó khăn... Nhưng cũng có em khỏe mạnh, mặt mũi sáng sủa nhưng lại nhận thức rất kém, học vài năm cũng không nhớ được mặt chữ...
Ước mơ nho nhỏ
5h30’ sáng, cô Thoa đã thức giấc, chuẩn bị cơm nước cho con đi học, cho
người chồng thương binh, sắp xếp các việc trong nhà để 7h30’ sáng tới
lớp. Là giáo viên gắn bó với lớp học từ những ngày đầu, không quản ngại ngày
mưa gió, đều đặn chủ nhật nào cô cũng đến lớp dạy.
Cô Thoa tâm sự: “Không như các học sinh tôi đã dạy, các em ở lớp học này tiếp thu kiến thức rất kém. Nhưng quan trọng lớp học giúp các em hòa đồng với cuộc sống bên ngoài, được học, có bạn bè, thầy cô. Chỉ cần tạo ra tiếng cười, niềm vui cho các em là nguyện vọng của các thầy cô giáo như tôi”.
Lần đầu tiên được mẹ đưa tới lớp, Vương Tiến Dũng (15 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) ngơ ngác nhìn các bạn. Mẹ Dũng buồn buồn: “Dũng không nhớ được mặt chữ nhưng giao tiếp rất tốt. Học năm năm lớp 1 cũng không được lên lớp, nhà tôi đành cho cháu ở nhà. Nhưng cháu rất thích được tới lớp. Nghe tin nhà chùa có lớp tình thương, tôi đến xin cho cháu học”.
Bác Trần Thị Hoa (thôn An Sơn, xã Đông Sơn), mẹ của Khuê ở hẳn chùa
trong lúc con gái học để cuối buổi đưa con về. Bác Hoa nhìn cô con gái ngồi cặm
cụi viết bài, nét mặt rạng rỡ: “Khuê bị não bẩm sinh, nằm suốt 7 năm không đi
lại được. Từ hồi lớp tình thương mở ra, cháu chưa nghỉ học buổi nào.
Ngày nào cháu cũng tính ngày đến thứ 7 đi học. Sáng thứ 7, chủ nhật, 5h sáng cháu đã lọ mọ dậy để chuẩn bị. Đi học, Khuê thay đổi hẳn. Cháu đã biết đọc, biết viết và rất chăm chỉ học, về nhà là mang sách ra tập viết. Có lớp học tình thương, tôi chẳng ngại đưa con đến. Hôm nào phải nghỉ học, cháu cứ khóc suốt”.
Sư thầy bùi ngùi nói về lớp học: nhà chùa chỉ còn mỗi phòng đó có thể
làm phòng học cho các cháu. Nhưng lại hai lớp trong một phòng, khó cho cô và
trò. Thầy, cô chỉ mong xây được lớp học riêng cho các cháu học thuận lợi.
Nhưng điều kiện nhà chùa còn khó khăn, đành để như vậy. Một tháng chỉ học có 8 buổi, những hôm nhà chùa có việc vào đúng cuối tuần, các cháu lại phải nghỉ học. “Bây giờ, nếu có tổ chức, cá nhân nào có lòng tốt, muốn giúp đỡ, thầy sẽ cho phần đất đằng sau để xây phòng học cho các cháu”, sư thầy khẳng định.
Theo cô Hòa, lớp học hiện tại có 48 học sinh nhưng chưa bao giờ các cháu đi học đầy đủ vì còn phụ thuộc việc đưa đón của gia đình. Hai học sinh Nguyễn Thị Xuân (Trung Hoàng, Phú Xuyên) và Nguyễn Thị Miền (Xuân Mai, Hà Nội) đều bị câm, được đưa đến lớp học tình thương và đã biết chữ. Hai em được cô Hòa và sư thầy xin cho làm may ở Phú Xuyên với mức lương 1,4 triệu đồng/tháng.
Nguồn tin: Thanh Phương
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự