Điển tích ngôi chùa cổ
Chùa Bồ Tát ngự ở làng Thượng Phú, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội nổi tiếng chứa đựng cả một thời lịch sử hào hùng, nhưng hiện tại là cảnh tượng hoang vắng đến kỳ lạ.
Ngọc phả tại chùa ghi lại: “Nền độc lập tự chủ của nước ta mở đầu bằng triều đại nhà Lý, đã xây dựng nhiều lầu các, cung điện, đền, tháp, chùa... đáp ứng nhu cầu xây dựng quốc gia và phát triển văn hóa dân tộc. Đó là lý do dễ hiểu cho việc Hoàng Thúc nhà Lý, từ bỏ quyền quý tìm đến Phật đạo, và dựng Bảo Tháp Tự bên dòng sông Nhuệ. Chùa Bồ Tát xây dựng vào cuối Triều Lý, trên thế đất Liên Hoa, rộng trên 5000m2”.
Bồ Tát được xây dựng và chia ra làm nhiều khu như Tam bảo chùa thờ Phật, Cung cấm chùa thờ Lĩnh Nam Tự Tổ đều bố cục theo hình chữ Đinh. Những hàng câu đối gỗ, hoặc đắp nề trên các cột đồng trụ, lưu danh Hoàng Thúc Nhà Lý xuất gia truyền đạo Phật và hóa Phật ở đất Liên Hoa này.
Cũng theo ngọc phả, kế tục việc tu và truyền đạo Phật của chùa, một vị cao tăng họ Hồ, danh là Bà Lam tìm đến đây để tu hành và đắc đạo. Đức cao tăng có tâm, đức còn nuôi dậy trẻ mồ côi nghèo, cho ăn học; nuôi dưỡng những người già yếu không nơi nương tựa. Đó là người tiên phong trong việc làm từ thiện.
Tiếng chuông ngân trong chùa có khi mai này chỉ còn là hoài niệm?
"Truyền rằng: như một phép mầu nhiệm, Ngài vẽ một cái vòng tròn bằng phấn trên nền chùa, mỗi vòng cho dăm trẻ ngồi trong đó, cho ăn và dậy học. Những đứa trẻ ngoan ngoãn, không khóc quấy, không cãi cọ và khôn lớn.
Tháng 3/1371, Chiêm Thành lần đầu tiên vào đánh phá thành Thăng Long. Thái Hoàng Hậu Hồ Thuận Lương lánh giặc tìm đến chùa Bảo Tháp, gặp được đức cao tăng Hồ Bà Lam và nhận ra ngài là chú họ của bà, và là ông họ của Hồ Quý Ly.
Hồ Thuận Lương lập một sinh từ gần chùa để ở, và hàng ngày sang chùa cùng Hồ Bà Lam niệm Phật, tu đạo. Hồ Bà Lam tuổi đã cao, cũng theo cách thiền sư nhà Lý chọn 14/4 là ngày đắc đạo. Đó là năm 1374, sau khi cho mục đồng 3 năm kiếm củi để sẵn, được xếp thành khối cao, rồi Ngài ngự ở trên tẩm dầu thiêu hóa. Lửa cháy đều bốn mặt, khói hương, khói lửa nghi ngút với bóng Ngài đường bệ cùng tiếng mõ và tiếng đọc kinh Phật. Dân làng khóc thương…"
Nhìn bên trong ngôi chùa, ít ai dám tin chùa đã có tuổi hơn 800 năm lịch sử
Chuyện đã thành điển tích Phật hóa ở Bồ Tát. Đức cao tăng hóa Phật, dân làng nhặt xá lị của Ngài, kết mây thơm tạo thành một bài vị để thờ. Bài vị lâu ngày bị thời gian làm hỏng. Năm 1725 nhân việc tu bổ chùa, các nghệ nhân đã đắp pho tượng đất sơn son thếp, đưa vào thờ trong gian thờ "Lĩnh Nam Tự Tổ” cùng với đức Bồ Tát nhà Lý. Ngày 14/4 (Âm Lịch) là ngày nhị Phật thiêu ở Bồ Tát tự. Ngày này hàng năm là ngày hội lễ truyền thống của chùa Bồ Tát.
Hiện thực xót xa
Theo chân sư thầy Thích Minh Nguyệt, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh cổng chùa mục ruỗng như muốn đổ xuống “hớp” lấy bất cứ người nào đi qua nó, đến nỗi nhà chùa phải căng dòng chữ “cổng sắp hỏng, xin đừng mở”. Từng lớp gạch của sân chùa bong chóc, dang dở như chờ anh thợ hồ vá thêm lớp xi.
Ngôi chùa dường như quá yếu để chống chọi với thời gian. Dọc theo cung Tam Bảo nơi thờ Phật, hàng chục cây tre luồng được huy động để chống đỡ khung dàn mái ngói, cảnh trụ cột to bằng sải tay người đang dần lìa khỏi trụ đá, trong tình trạng nghiêng ngả.
Dùng cây chống tạm bợ trước sự xuống cấp nghiêm trọng của toàn bộ mái ngói ngôi chùa
Mái ngói thì hư hỏng nặng có khi rơi xuống loảng xoảng
Sư thầy Thích Minh Nguyệt không khỏi xót xa: “Ngôi chùa đang ngày càng xuống cấp, cột đình bị mối xông mục ruỗng, mái ngói thì hư hỏng nặng có khi rơi xuống loảng xoảng, chúng tôi còn nhặt chất đống ngoài sân”.
Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ dừng lại ở đó, mái đình hư hỏng có nguy cơ bị sập đổ bất cứ lúc nào đã kéo theo hàng chục pho tượng Phật có tuổi từ 300 – 400 năm cũng đang trong tình trạng bị đe dọa, phải di chuyển ra gian nhà tạm phía sau hậu cung.
Cột đình bị mối xông mục ruỗng nằm ngổn ngang trong
sân chùa
Nếu cứ tình trạng này thì một vài năm nữa không biết con cháu trong làng có còn biết tới chùa Bồ Tát?
Khi được hỏi về vấn đề này, nhiều bậc cao niên gắn bó lâu năm với ngôi chùa cho hay: “nhìn chùa xuống cấp hàng ngày mà chúng tôi thấy đau lòng, đã có nhiều nguồn vốn hỗ trợ để tu sửa chùa nhưng cũng chẳng ăn thua, các hạng mục đang xuống cấp dần, nếu cứ tình trạng này thì một vài năm nữa không biết con cháu chúng tôi có còn biết tới Bồ Tát nữa không!… ”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự