Du khách đặt chân đến chùa Thầy, đều không thể bỏ qua hang Cắc Cớ, nơi nổi tiếng với câu thơ: “Gái chưa chồng vào hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ trẩy hội chùa Thầy”.
Chùa Thầy không những có vẻ đẹp hữu tình, mà còn chứa đựng nhiều bí ẩn chưa khám phá hết.
Vào hang động đẹp nổi tiếng này rồi, phần lớn du khách đều bị ám ảnh với những câu hỏi xoay quanh bể xương và những bộ hài cốt bí ẩn.
Cô hướng dẫn viên du lịch thao thao bất tuyệt: Thưa các bạn, đây là bể xương của 3.600 nghĩa quân Lữ Gia, đã chết thảm trong lòng ngọn núi này. Nhân dân Sài Sơn và các bậc tu hành trong chùa thương xót nên đã xây bể, gom xương nghĩa quân bỏ vào đây hương khói thờ tự. Trên thành bể xương này vẫn còn câu thơ: “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/ Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi”.
Cứ theo lời cô hướng dẫn viên thuyết trình, thì quả là một câu chuyện kinh khủng: Một nấm mồ tập thể! Một bể xương khổng lồ, không những lớn nhất Việt Nam, mà có thể còn lớn nhất thế giới! Một ngôi mộ chứa tới 3.600 bộ hài cốt!
Đường xuống hang Cắc Cớ lúc nào cũng đông đúc.
Truyền thuyết kể rằng, thời kỳ chống Hán, cách nay tới hơn 2000 năm, tướng quân Lữ Gia đã nổi dậy chống lại nhà Hán, bảo vệ chủ quyền nước Việt. Nhưng rồi, cuộc chiến trứng chọi đá, nghĩa quân của vị tướng này đã kéo hết vào hang trên núi Sài Sơn cố thủ.
Quân giặc bạo tàn không truy kích được, đã khiêng những tảng đá lớn bịt miệng hang, giết chết hàng ngàn nghĩa quân trong lòng núi. Ngọn núi Sài Sơn, biến thành ngôi mộ khổng lồ, chôn cất mấy ngàn người.
Hơn 2000 năm sau, vào năm 1933, nhà chùa cùng phật tử và nhân dân Sài Sơn đã làm một việc đặc biệt, đó là phá cửa động, xây bể lớn, rồi tiến hành gom xương cốt khắp hang đổ vào bể.
Bể hài cốt, theo lời đồn sâu đến 15m, chứa 3.600 bộ hài cốt!
Lịch sử nhà chùa ghi rằng, công việc gom xương và xây bể phải tiến hành suốt 3 năm trời mới xong. Có nghĩa là, cuộc “khai quật” ngôi mộ tập thể này, là một công việc hết sức to lớn, kéo dài. Công việc đó được ghi lại trên tấm bia đá tự nhiên trên vách núi, bằng chữ Hán, đã ố màu, nhiều chữ bị thời gian mài mòn.
Cho đến bây giờ,
vẫn không ai biết rõ cái bể xương nằm ở cuối vòm hang Cắc Cớ, là tầng thứ 2 của
9 tầng địa ngục ấy sâu bao nhiêu. Có cô hướng dẫn viên quả quyết rằng, bể xương
ấy sâu đến… 15 mét!
Điều này nếu đúng thì quả là kinh khủng. Nếu bể xương có tiết diện rộng chừng 3
mét vuông mà sâu đến 15 mét, thì có nghĩa là bể xương này có dung tích 45 mét
khối. Quả thực, chỉ có dung tích lớn như thế mới chứa được lượng hài cốt lên
đến hàng ngàn bộ.
Du khách xuống hang Cắc Cớ đều muốn ngó nhìn xương cốt trong bể.
Trong lòng bể rặt là xương người.
Thôi thì cứ cho là bể xương này chỉ sâu độ vài ba mét đi. Quả thực, với độ sâu vài mét, lượng xương người trong bể cũng đến ngót chục mét khối rồi. Dù sao, lượng xương chất trong cái bể này, cũng đủ gây kinh hoàng, ám ảnh và đặt ra vô số câu hỏi.
Tôi còn nhớ, cách
đây chừng 5 năm, trong một lần tham quan Thần Quang Động (hang Cắc Cớ), bà
Tuyết, người bán vàng mã ở trong động soi đèn pin xuống vực sâu hun hút không
thấy đáy nói: “Số lượng xương người trong bể kia chỉ là một phần nhỏ thôi.
Trong lòng ngọn núi này còn nhiều xương cốt lắm, có cả bãi xương, cả kho xương, cả suối xương. Nhưng không ai dám xuống đó đâu. Những ai xuống đó đều chết cả. Nhiều người dân trong làng Sài Sơn xưa kia từng đi sâu vào hang, gặp nhiều xương cốt, sau đó, người bệnh tật chết sớm, người phát điên mà chết, người nghiện ngập mà chết. Bao nhiêu năm nay, không có ai dám xuống nữa đâu. Chắc là bị ma hại…”.
Khúc xương dóng chân còn nguyên vẹn.
Lời bà Tuyết và những cô hướng dẫn viên chùa Thầy cứ ám ảnh tôi mãi. Kho xương, đống xương, bãi xương, suối xương và vô vàn câu chuyện bí ẩn trong lòng ngọn núi không lớn lắm kia cứ nhức nhối trong lòng, thậm chí đi vào cả giấc chiêm bao.
Đã có vài lần tôi tìm đến Sài Sơn, tìm người dẫn đường. Tôi đã đi khắp chân núi Sài Sơn, gặp rất nhiều người già, người trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà, cốt để thuê được người dẫn đường đi sâu vào lòng núi, tìm đến những địa danh huyền thoại như: Cây Vàng Cây Bạc, Bãi Ba Sào, Thung Lũng Tình Yêu… xem những bộ xương dính vào đá như ngủ gật, con suối cát trắng lấp lánh lẫn xương cốt trải dài tưởng như không có đường cùng. Tuy nhiên, tôi không thể thuê được người dẫn đường.
Những đống xương nằm trong động không biết bao nhiêu năm rồi.
Cứ nhắc đến kho xương trong lòng núi, người dân nơi đây lại thêu dệt đủ chuyện huyễn hoặc, hoang đường, đầy bóng dáng ma quỷ và tất nhiên là họ không dám xâm nhập vào đó.
Đến như người phụ nữ trông coi bàn thờ ở bể xương mấy năm nay, mà chưa từng dám thò đầu vào cái ô nhỏ để nhìn xem những bộ hài cốt trong bể thế nào, đủ biết người dân nơi đây nhát ma cỡ nào. Tôi đã đưa cả máy ảnh vào trong bể, chụp những cái đầu lâu, những dóng xương chân nguyên vẹn, rồi chị ta cứ nằng nặc đòi tôi cho xem hình trên máy ảnh. Xem ảnh rồi, chị tái cả mặt. Chị nhất quyết không dám cả gan thò đầu vào cái bể mà chị có nhiệm vụ trông nom để tận mắt xương cốt. Có lẽ, những câu chuyện truyền thuyết quá rùng rợn, ám ảnh chị ta.
Tác giả trên đường khám phá lòng núi Sài Sơn.
Ngày hội chùa Thầy năm nay đông đúc như mọi năm. Khách trẩy hội lên xuống chùa Cao, hang Cắc Cớ tắc cả đường. Từng đoàn người nối đuôi nhau lần xuống Thần Quang Động tò mò chiêm ngưỡng bể xương. Tôi cũng hòa vào dòng người thám hiểm hang động với một số phương tiện leo núi chuyên nghiệp.
Dù không thuê được người dẫn đường, nhưng lần này tôi và một đồng nghiệp quyết tâm vào lòng núi. Chấp nhận rủi ro, bỏ ngoài tai những lời khuyên can của những người bán hàng ở cửa động, của các cô hướng dẫn viên, tôi liều mạng lên đường đi tìm kho xương, suối xương bí ẩn, huyễn hoặc trong lòng núi.
Nguồn tin: VTC
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự