Chiều đông, men qua con đường làng, hỏi thăm mãi chúng tôi cũng tìm đến nhà Hồ Văn Thân (63 tuổi, trú phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Khoảng sân rộng trước ngôi nhà cấp 4, ông Thân dành trọn để trưng bày hàng chục dàn rối điện tự mình sáng tạo ra.
Ông Thân bên một trong những tác phẩm sắp hoàn thành của mình.
Ông Thân với dáng người thấp nhỏ, tay cầm chiếc khăn lau đi lau lại từng sản phẩm của mình một cách cẩn thận rồi vui vẻ chia sẻ. "Đứa con tinh thần của tôi và cũng là "gia tài" của tôi đó. Dù chừng này tuổi, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì được sống trọn với niềm đam mê của mình cũng như góp phần lưu giữ một môn nghệ thuật đang dần mai một".
Clip: Những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của ông Thân được nhiều người yêu mến.
Nói về cơ duyên đến với với nghệ thuật múa rối điện, ông Thân cho biết, dù xuất thân trong một gia đình thuần nông vất vả nhưng ngay từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê xem múa rối nước. Mỗi khi được người thân dẫn đi xem múa rối, ông rất thích thú, say sưa ngắm nhìn. Niềm đam mê cứ thế lớn dần thôi thúc ông tiếp cận những con rối. 15 tuổi, khi đã thành thạo các ngón nghề điều khiển con rối, ông được nhận vào đoàn múa rối nước Đồng Quê của địa phương. Nhưng rồi vì đặc trưng công việc của mỗi thành viên nên đoàn múa rối tan rã.
Mối tình Chí Phèo- Thị Nở được lão nông tái hiện rất độc đáo.
"Đoàn múa rối nước không còn nhưng ngày đêm tôi vẫn luôn trăn trở, muốn làm một điều gì đó để hàng ngày được nhìn thấy những con rối, thoả niềm đam mê. Cũng từ đó, tôi bắt đầu tự mày mò, sáng tạo ra những con rối điện.
Những năm 1990, lúc đó, máy móc hiện đại không có như bây giờ, làm gì cũng phải bằng cái cưa, cái đục thủ công. Tôi phải tự mình gọt, đẽo gỗ, cắt xốp, sơn màu, tạo hình cho những con rối. Để giàn rối và những con rối hoạt động, tôi tìm đến các điểm thu mua phế liệu để mua mô tơ điện cũ, gỗ và các vật dụng cần thiết về làm khung, các nhạc cụ rồi tạo hình các nhân vật", ông Thân chia sẻ.
Giàn "Đồng Quê" được ông Thân tái hiện lại bằng khung cảnh giả gạo.
Sau những lần thất bại nhưng ông vẫn không hề nản lòng mà ý chí lại thôi thúc, rồi cuối cùng ông vui mừng khi những giàn rối điện đầu tiên có thể nhảy múa theo điệu nhạc mà không cần người điều khiển lần lượt ra đời.
Thấy bà con lối xóm ghé xem đông vui, ông Thân mạnh dạn đề xuất để giàn rối của mình được trình diễn tại các lễ hội của địa phương. Từ hình ảnh những cô gái Thái với điệu múa xòe; chàng trai Mông thổi khèn ngày hội; cô gái Tây Nguyên đánh đàn T'rưng, các chị, các mẹ xay lúa, đong gạo, nhảy sạp, hát then, người nông dân đi cày… với những giai điệu nhạc thể hiện bản sắc văn hóa của các vùng miền. Tất cả nhân vật đều được ông Thân tái hiện sinh động, thu hút, lôi cuốn người xem và khen ngợi. Đó cũng là động lực lớn giúp ông Thân cố gắng chế tạo thêm những giàn rối khác.
Khung cảnh chợ tình với đôi trai gái thổi kèn, múa ô.
Ông Thân chia sẻ, khó nhất trong việc chế tạo rối điện là việc làm các nhân vật sao cho giống từ điệu bộ, trang phục. Mỗi vở, mỗi lớp nhân vật là một loại trang phục khác nhau sao cho đúng với truyền thống. Dù chỉ học hết lớp 7 nhưng nhờ năng khiếu cộng với tình yêu và cả niềm đam mê, ông Thân đã sáng tạo ra những giàn rối điện sinh động, đẹp mắt "độc nhất vô nhị" từ những phế liệu, vật dụng sẵn có. Tính đến nay, ông đã sở hữu đến 15 giàn rối điện với hàng trăm nhân vật phục vụ cho khán giả ở các lứa tuổi khác nhau. Những tác phẩm của ông được người dân yêu mến và gọi ông bằng tên gọi "Nghệ nhân múa rối đồng quê".
Tất cả các tác phẩm đều xuất phát từ sự mày mò sáng tạo cùng niềm đam mê rối của ông Thân.
Ông Nguyễn Đình Thụ, Phó Bí thư Đảng ủy phường Quỳnh Xuân chia sẻ, Tất cả diện tích trong khuôn viên nhà của ông Thân đều để dành trưng bày rối điện. Ngoài chia sẻ niềm đam mê về những con rối, ông Thân còn góp phần lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.
Cảnh phụ nữ ngày xưa vừa ru con vừa quay cửi dệt vải.
Ông Thân cho biết, ngoài biểu diễn ở địa phương, những tác phẩm của ông còn được những người làm nghề múa rối ở Huế ra tận nơi thăm và mua các giàn rối như: Đồng quê, Xay lúa, Tình ca Tây Bắc, Tình ca Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh...
Ngoài ra, Đoàn Thanh niên tại địa phương mời ông tham gia phục vụ trại hè thiếu nhi. Dịp Trung thu, ông Thân còn được Bảo tàng Nghệ An mời biểu diễn trong Chương trình trải nghiệm "Múa rối điện" cho các em nhỏ. Người nông dân bình dị này luôn mong muốn lan toả, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những giá trị văn hóa của dân tộc.
Nguồn Phunuvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự