Những dĩa cơm đầy ắp tấm lòng
Hơn nửa tháng nay, người dân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã dần quen với Bếp cơm 0 đồng của chị Nguyễn Quế Chi (sinh năm 1992) cùng sự hợp sức của chị Đặng Thị Liên và Nguyễn Thị Tường Vi cùng trú tại Đà Nẵng.
Ban đầu Bếp cơm được đặt ở quận Ngũ Hành Sơn từ tháng 10.2019 rồi sau được dời qua quận Sơn Trà, 47 Bùi Dương Lịch.
Cô chủ Bếp cơm 0 đồng Nguyễn Quế Chi mở quán vì sợ không có lo làm. Ảnh: Mai Hương.
Chị Liên chuẩn bị những phần cơm cho người lao động mang đi. Ảnh: Thuỳ Trang.
Chị Chi cho hay, mỗi ngày bếp phục vụ từ 100 đến 200 suất cơm chay cho những cô chú bán vé số, anh chị lao động, công nhân vệ sinh.
“Quán mở cửa từ 10h đến 12h cho các cô chú đến ăn dần. Bởi, nhiều người tiết kiệm, họ không ăn sáng mà đợi 10h đến đây ăn nên chúng tôi làm cơm từ sớm, 9h đã dọn bàn ghế để ai đến là có cơm ăn ngay” – chị Chi cho hay.
Cũng chính vì lý do đó mà mỗi suất cơm dù là ăn tại chỗ hay mang đi cũng được các chị nhắc nhau gắp thêm thức ăn vào dĩa, vào hộp thật đầy đặn. Dù là ăn chay nhưng mỗi ngày thực đơn có đến 6, 7 món từ rau xào, canh….
Suất cơm chay đầy đặn với giá 0 đồng. Ảnh: Thuỳ Trang.
Giới thiệu các món ăn, chị Đặng Thị Liên, 1 trong 3 “bà chủ” của bếp cho hay: “Phải đổi món mỗi ngày. Ngày hôm nay xào củ đậu rồi thì mai đổi qua xào khoai tây cho mọi người ăn lạ miệng”.
Nói là quán ăn tự phục vụ để ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý nhưng chị Liên, chị Vy và một số các chị, các cô đến phụ bếp đều ngó chừng vì cứ món rau nào hết thì có bếp bên cạnh để làm thêm món mới, đặt lên kệ nóng hổi cho các cô chú chọn.
Vẫn lo nhiều người cần mà không có
Từ 10h sáng, cứ có cô chú nào đến Bếp là có tiếng chào hỏi. Các chị nhắc, đó là “khách quen”, chú bán vé số này ở tận Ngũ Hành Sơn, nơi trước đây Bếp từng mở lúc đầu. Hôm trước đi đường chị Chi bắt gặp chú nên chị cho địa chỉ mới, dặn khi nào tiện thì đến ăn.
Về địa chỉ mới, sợ không có khách, chị Chi, chị Liên thay nhau dặn các vị khách của mình “cô chú gặp ai cần ăn trưa thì nhắn họ về đây nhé. Chúng cháu đảm bảo có đủ phần cho mọi người”.
Khách đến quán là những anh chị lao công, người bán vé số. Ảnh: Mai Hương.
Vì tiếc 200 “khách hàng” ở địa chỉ cũ, chị Chi dự tính: “Sắp tới đây khi quán ổn định, tôi sẽ mở thêm 2 đến 3 điểm phát cơm lưu động đặt ở các quận khác. Biết đâu nhiều người bán vé số, người lao động không có điều kiện đến quán cũng sẽ có suất cơm trưa lót dạ”. Nói là vậy nhưng với cuộc sống gia đình còn nhiều lo toan, thêm phần con nhỏ, chị Chi không ít lần kiệt sức.
“Có hôm tình nguyện viên không có, một mình tôi tự xoay sở từ nấu nướng đến dọn chén bát mà phát khóc. Nhưng rồi túc tắc làm mọi việc cũng qua. Chuyển quán về đây tôi cũng đang bị bệnh chưa khỏi, may sao có các chị, các cô ở gần đây, biết tin có Bếp mở cũng sang phụ. Thậm chí các chị còn lo cơm cho khách xong mới chạy về nấu cơm cho chồng con” – chị Chi kể.
Gặp không ít khó khăn về nhân lực và kinh phí sau dịch bệnh, chuyển quán, thế nhưng suốt cuộc chuyện trò, các chị đều vui vẻ, tự hào với từng dĩa cơm được đưa đến tay người lao động nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thành, 78 tuổi, một trong số những vị khách quen chia sẻ: "Những người bán vé số như chúng tôi, thu nhập thấp, ngày nào không bán được chỉ được 50 ngàn mà bữa cơm thông thường đã 25-30 ngàn rồi. Vậy nên Bếp 0 đồng giống như một món quà mà chúng tôi may mắn được nhận mỗi ngày nên quý lắm".
Nghe những lời chia sẻ của ông Thành, chị Chi, chị Liên cười ngại ngần thế nhưng họ cũng không quên dặn cơm và thức ăn vẫn còn, mọi người cứ tuỳ ý dùng no thì thôi và "mai cô chú lại đến nhé!".
Nguồn Laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự