Lớp học xoá mù ở đại ngàn Pa Búa Thanh Hóa

Chủ nhật - 03/12/2023 02:34
11 giờ đêm, học viên rời lớp, ánh sáng leo lét của đèn theo từng con dốc trôi về bản. Thầy Di thu xếp giáo án, sách vở, tắt điện, rồi mới về đồn.
Thầy Di cầm tay dạy học trò viết chữ. (Ảnh: NT)
Thầy Di cầm tay dạy học trò viết chữ. (Ảnh: NT)

15 năm miệt mài đưa chữ về với đồng bào Mông

Gần 30 năm trước, ước mơ được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính, chàng trai đồng bào Mông Hơ Văn Di (bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hoá) nỗ lực băng rừng, lội suối đến trường. Thế rồi đến lúc củ sắn, bắp ngô ở trong nhà không còn, Di phải rời ghế nhà trường khi học xong cấp 2.

Năm 22 tuổi, thầy Di viết đơn đi bộ đội, được phân công về Đồn Biên phòng Quang Chiểu (Mường Lát). Năm 2001, chiến sĩ Hơ Văn Di được chỉ huy đơn vị cử đi học. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp biên phòng, thầy được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý cho đến nay.

Là người lính, song thầy Di có năng khiếu sư phạm, lại là người đồng bào, hiểu được tập quán văn hóa, nói tiếng Mông, Thái thành thạo nên thầy được đơn vị tin tưởng, giao nhiệm vụ đứng lớp xóa mù chữ cho bà con.

“Mình bắt đầu đứng lớp từ năm 2009. Những năm trước, cứ khi nào mở lớp là bắt đầu hành trình đi bộ băng rừng, vượt núi. 7 giờ sáng xuất phát từ đồn thì 3 giờ chiều vào đến bản. Cùng với tổ công tác tại các chốt, ban ngày sinh hoạt chuyên môn, tối đến mình sẽ lên lớp dạy học”, đại uý Hơ Văn Di chia sẻ.

Lớp học xoá mù được mở từ 7h đến 11h giờ đêm. (Ảnh: NT)
Lớp học xoá mù được mở từ 7h đến 11h giờ đêm. (Ảnh: NT).

Sinh ra và lớn lên là con của bản Mông, thầy Di hiểu đồng bào mình thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp, sống xa lánh với các dân tộc anh em trên địa bàn. Bà con quan niệm “cái chữ không làm no cái bụng”, vì thế việc vận động bà con đi học lớp xóa tái mù là điều không dễ.

Thầy Di nhớ, có lần thầy đến nhà anh Giàng A Sáng, bản Khằm 2, xã Trung Lý vận động vợ chồng Sáng đi học. Sáng cổ hủ và không muốn vợ đi học. Thuyết phục mãi không được, biết Sáng thích uống rượu, thầy Di mua rượu đến biếu thì Sáng tươi cười đồng ý.

Gần 15 năm qua, kể từ ngày đứng lớp xoá mù đầu tiên đến nay, đại uý Hơ Văn Di không thể nhớ mình đã dạy bao nhiêu lớp, xóa mù cho bao nhiêu bà con.

Năm nay, thầy Di lại được giao nhiệm vụ đưa chữ đến với bà con Pa Búa. Để vào được Pa Búa, thầy Di phải đi đò vượt sông Mã rồi hành trình ngược đồi, ngược núi gần 30km.

Vì đường xa, khó đi, đầu tuần thầy Di vào Pa Búa “cắm bản”, ở lại đến sáng thứ 7 mới về đơn vị. Ban ngày anh thực hiện nhiệm vụ của người lính, tối đến lại lên lớp dạy chữ cho bà con.

Đọc thông, viết thạo ở tuổi 40 - 50

Lớp học xóa mù ở Pa Búa do thầy Di đứng lớp, đồng bào chủ yếu ở độ tuổi U40, U50. Ban ngày họ còn phải lên nương, lên rẫy, tối về sau khi xong hết công việc cá nhân thường ngày xong mới đến lớp học.

Những người lớn ban đầu còn bỡ ngỡ, bối rối với bút, với vở, ngồi còn thừa chân, thừa tay, khom lưng trên những chiếc bàn ghế bé xíu của trẻ em, được sự tận tình của thầy Di, họ đã đọc được chữ, viết được tên mình.

Học viên phấn khởi khi đọc thông, viết thạo ở tuổi 40-50. (Ảnh: NT)
Học viên phấn khởi khi đọc thông, viết thạo ở tuổi 40-50. (Ảnh: NT).

Bà Vàng Thị May (bản Pa Búa), đã hơn nửa đời người chỉ biết quanh quẩn với đồi xoan, nương sắn, đây là lần đầu bà May được đến lớp học con chữ. Ở tuổi 54, bà biết viết tên mình, biết tính toán, bà May vô cùng phấn khởi.

Còn chị Thao Thị Sanh (41 tuổi) thì từ nhỏ đến giờ chưa từng rời khỏi Pa Búa bởi sợ bị lừa khi không biết đọc, biết viết. Nay có lớp học xóa mù của thầy Di, Sanh vui lắm. Nhờ thầy hướng dẫn, Sanh đã biết đọc, làm toán.

Sau mỗi khóa học xóa mù chữ, không chỉ bà May, chị Sanh, những học trò của đại uý Di đã biết áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống, biết mua hàng tạp hoá về bán, chuyển đổi cây trồng, từ ngô, lúa thành cây hoa quả lâu năm, khi xã gửi các văn bản thì đã biết tự đọc.

“Lúc đầu chỉ vài học viên, sau đó càng ngày càng đông, có lúc lên đến 60 người. Vui nhất là đồng bào ham học, ham hiểu biết, vẫn muốn được học thêm”, đại uý Di tâm sự.

Trong hai năm 2022 và 2023, đại úy Di cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý tham mưu mở được 2 lớp xóa mù chữ với tổng cộng 58 học viên tại bản Khằm 1 và Khằm 2. Đến nay học viên tham gia lớp học đã đọc thông, viết thạo.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Trung, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý cho biết, đại uý Di phát huy lợi thế người địa phương, dân tộc Mông, thông hiểu địa bàn... nên vận động đồng bào rất hiệu quả.

Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết: “Trung Lý là xã khó khăn của huyện Mường Lát, địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn; cả xã có 15 bản trong đó có 11 bản người dân tộc Mông sinh sống; tỷ lệ người mù chữ cao; trình độ dân trí của người dân còn thấp; số hộ nghèo chiếm trên 57% dân số toàn xã. Trước đây bà con Pa Búa không có điều kiện đến trường nay được đại úy Di về dạy chữ bà con rất vui, tích cực đi học”.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp trong điều kiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại uý Hơ Văn Di vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho nhân dân trên khu vực biên giới.

Nguồn Giaoducthoidai.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây