Có hẹn từ trước, chúng tôi đến gặp Đại đức Thích Thiền Tuệ - trụ trì chùa Vĩnh Phúc, xã Nam Xuân (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Vị trụ trì cho hay, tháp của vị thiền sư (ngôi mộ - PV) được các nhà khảo cổ học khẳng định có niên đại từ thế kỷ 13. 

Theo lịch sử nhân dân truyền miệng cùng với gia phả dòng họ Nguyễn Hiên, ngài Nguyễn Na là cháu 3 đời của cụ Nguyễn Hiên. Ngài được vua ban cho là Đại hoà thượng thiền sư, pháp danh Tâm Pháp Như Lai.

Trong quá trình làm việc, ngài là một vị lương y của triều đình, có căn duyên với Phật giáo và ngài quyết chí không lấy vợ. Sau đó, ngài tìm hiểu giáo lý của đức Phật để tu hành, mặc dù bố mẹ ép ngài phải lấy vợ.

Sau khi ngài tu hành, nhà vua biết những đóng góp của ngài với triều đình và để ngài về chùa Vĩnh Phúc lập nên ngôi chùa ngày nay.

“Điều ngài về chùa là để chữa bệnh cho nhân dân bá tánh nơi đây vì đang bị đại dịch hoành hành. Một bên chùa có vùng Dăm Thí là những người phạm tội với triều đình đều bị voi xử. Quá trình tu hành, cứu dân độ thế của ngài đã được nhân dân trong vùng ghi nhận” - Đại đức Thích Thiền Tuệ chia sẻ.

a
Cây bồ đề hàng trăm năm tuổi ở chùa Vĩnh Phúc. Ảnh: Quốc Huy.

Đến lúc nhận thấy sắp phải từ giã cõi đời (6/4 âm lịch, chưa rõ năm nào), ngài đã căn dặn nhân dân rằng: Sắp một đống củi để ngài ngồi bên trong niệm kinh chú Đại Bi, lúc nào thấy ánh hào quang toả ra thì châm cho ngài một ngọn lửa. Sau 3 tháng 10 ngày, mọi người khơi đống tro, trường hợp thấy dấu chân người thì xây cho ngài một ngôi tháp; nếu thấy dấu chân súc vật thì xúc toàn bộ tro đổ xuống sông trước cửa chùa.

a
Đại đức Thích Thiền Tuệ - trụ trì chùa Vĩnh Phúc giới thiệu về lịch sử ngôi chùa và sự kỳ bí của thân cây bồ đề. Ảnh: Quốc Huy.

Nhân dân ở quanh vùng đã thực hiện theo di nguyện của ngài, khi khơi đống tro ra thì thấy dấu chân người. Và, mọi người quyết định xây dựng ngôi tháp bằng gạch ở vị trí ngài tụng kinh và tự thiêu theo di nguyện.

Trải qua hàng trăm năm, cây bồ đề mọc lên, ôm trọn theo thân tháp của ngài cho đến ngày nay trong khuôn viên nhà chùa.

‘Cây bồ đề giống đầu con voi đang phục vào chùa’

Trụ trì chùa Vĩnh Phúc kể thêm, có 2 giả thuyết: Một là cây bồ đề được nhân dân sùng bái và trồng bên tháp của ngài. Trường hợp cây tự trồng thì quá trình mọc lên sẽ bị lệch và không thể ôm trọn toạ tháp cao 3,5m, rộng 2,5m của ngài thiền sư. Thuyết này không khả thi so với thực tế hiện trạng cây bồ đề ngày nay.

Thuyết thứ hai - đây là đất lành chim đậu - chỗ nào yên bình thì có nhiều loài chim bay về trú ngụ. Quá trình tìm kiếm thức ăn, trái cây khắp nơi, chim tha hạt bồ đề về thả trên tháp và cây mọc lên.

a
Thân cây bồ đề bao bọc kín ngôi mộ của vị thiền sư. Ảnh: Quốc Huy.

“Cây bồ đề hiện nay đã ôm trọn toàn bộ thân tháp. Thân cây tán rộng khoảng 25m, cao 30m và có 18 nhánh toả ra 4 hướng. Thân cây bồ đề hiện ra như đầu con voi đang phục vào chùa, một mặt giống bản đồ địa chính của huyện Nam Đàn…” - Đại đức Thích Thiền Tuệ giới thiệu.

Bên cạnh đó, lá cây bồ đề cũng được người dân xin về làm thuốc chữa bệnh. 

a
Hình thù thân cây bồ đề giống như bản đồ địa chính của huyện Nam Đàn. Ảnh: Quốc Huy.

Trụ trì chùa Vĩnh Phúc chia sẻ thêm, ông Nguyễn Phúc Giác Hải ở Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người đã cử một ê-kíp về chùa, đưa máy móc, đo năng lượng xung quanh cây bồ đề và vùng xung quanh. 

Khi đo trong đài sen ở gần mộ thiền sư thì máy lắc đều. Đưa ra khỏi đài sen thì máy nằm yên và đưa qua một ngôi mộ đối diện thì máy xoay vòng.

“Máy lắc đều là một vị tu sĩ đắc đạo. Máy nằm yên là không có việc gì hết. Máy xoay là có một ngôi mộ bình thường” - Đại đức Thích Thiền Tuệ nhớ lời giải thích của ê-kíp dùng máy đó của Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người.

Một số hình ảnh cây bồ đề ôm kín ngôi mộ vị thiền sư

a
Thân tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni tựa vào cây bồ đề.
a
Trên đỉnh chóp ngôi mộ của vị thiền sư.
a
Một vài viên gạch còn lộ ra trên cao.
a
Gạch nung được các nhà khảo cổ học xác định niên đại từ thế kỷ 13.
a
Những nhánh cây bồ đề mọc lên chắc chắn.
a
Một vài viên gạch nhìn thấy bên ngoài.

Nguồn Vietnamnet