Vị quan được đặt tên theo tiếng hổ gầm, xử kỳ án vợ giết chồng

Chủ nhật - 05/04/2020 04:20
Có công phá được kỳ án “cháo lươn giết chồng”, Bùi Cầm Hổ được vua tin dùng, giao chức quan to, dù ông chưa thi đỗ.
Minh họa kỳ án cháo lươn. Tranh: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.
Minh họa kỳ án cháo lươn. Tranh: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.

Bùi Cầm Hổ (1390-1483) quê xã Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc, Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh ngày nay). Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, khi mẹ ông trở dạ chuẩn bị sinh, trong nhà nghe tiếng hổ gầm. Ông được đặt tên là Bùi Cầm Hổ (Họ Bùi bắt được hổ).

Kỳ án bát cháo lươn chấn động kinh thành

Đến tuổi theo đòi nghiên bút, Bùi Cầm Hổ rời quê nhà ra kinh kỳ Thăng Long “tầm sư học đạo”.

Bấy giờ, ở Thăng Long, một lái buôn làm ăn xa, lâu ngày về nhà. Người vợ mừng vui, bèn mua lươn nấu canh cho chồng ăn. Người chồng ăn xong, lăn đùng ra chết.

Nhà chồng nghi ngờ cô vợ ngoại tình, sợ chồng phát hiện nên ra tay sát hại. Họ thưa kiện lên quan hữu ty, người vợ bị tống giam vào ngục, chờ ngày xét xử.

Tin về vụ án lan ra khắp kinh thành, Bùi Cầm Hổ nghe được. Xuất thân con nhà nông, ông ngờ rằng có sự khuất tất ở mấy con lươn, nên nói với bạn đồng môn: "Án này, nếu tôi là pháp ty, ắt xử ra".

Chẳng ngờ, lời của thư sinh họ Bùi đến tai quan hữu ty. Đang lúc chưa tìm được lối ra, quan lập tức mời ông đến phá án.

Bùi Cầm Hổ xin cho người đến các chợ nơi kinh thành, tìm mua loại lươn sắc vàng lẫn đen, cổ có chấm lốm đốm, hay ngóc đầu lên ba đến bốn tấc, về nấu canh và cho chó ăn.

Đúng như ông dự đoán, chó chết ngay sau khi ăn. Quan tòa biết góa phụ bị oan nên tha bổng. Bùi Cầm Hổ phá được vụ án hóc búa, cứu được người dân vô tội.

Về sau, Lê Thái Tổ (Lê Lợi) nghe tấu trình về cậu học trò giải án oan giết người thì mến phục. Vua cho gọi Bùi Cầm Hổ vào triều trọng thưởng, đặc cách ban cho chức quan to, dù khi đó ông chưa thi đỗ.

Vi quan duoc dat ten theo tieng ho gam, xu ky an vo giet chong hinh anh 2 bui_cam_ho_1_3032_1579538949.jpg
Tượng Bùi Cầm Hổ tại đền thờ ở Hà Tĩnh.

Ngay thẳng, không sợ cường quyền

Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Bùi Cầm Hổ là người "cứng cỏi, bạo nói, không sợ quyền thế". Dưới triều vua Lê Thái Tông, ông làm Ngự sử trung thừa (chức quan can gián giúp việc cho hoàng đế).

Sau khi Lê Lợi qua đời, vua Thái Tông lúc còn nhỏ, Đại Tư đồ Lê Sát làm phụ chính, ỷ thế khai quốc công thần, chuyên quyền, có nhiều quyết định trái ý vua, không theo di chiếu của Lê Thái Tổ.

Lê Sát cố tiến cử những quan từng bị vua Lê Thái Tổ quở trách, cấm tham dự triều chính như Trình Hoàng Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư.

Bùi Cầm Hổ đã thẳng thắn can vua Thái Tông nên theo lời di huấn của vua cha. Vua Thái Tông nghe theo, cương quyết giữ phép tắc của Lê Thái Tổ, không phục chức cho những người đó. Do nhiều lần chỉ trích sự chuyên quyền của Lê Sát, ông bị điều đi làm An phủ sứ ở Lạng Sơn.

Khi vua Lê Thái Tông lớn lên, biết được âm mưu của Lê Sát nên cùng các quan kìm hãm quyền lực của tể tướng, bãi chức rồi xử tử năm Đinh Tỵ (1437). Bùi Cầm Hổ được triệu về kinh đô làm Ngự sử trung thừa.

Bùi Cầm Hổ cũng được sử sách đánh giá là nhà ngoại giao có tài. Mùa đông năm 1438, ông được phong chức Phó sứ sang nhà Minh bàn việc biên giới.

Bấy giờ, quan tổ châu Tư Lãng phủ Thái Bình (thuộc Quảng Tây ngày nay) nổi loạn, Bùi Cầm Hổ đã sang tố cáo vua Minh việc viên quan này định vượt biên lấn chiếm đất đai Đại Việt, giải quyết ổn định vùng biên.

Năm 1459, Bùi Cầm Hổ về trí sĩ ở quê nhà khi đã 70 tuổi. Bấy giờ, vùng đất Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, thời tiết khắc nghiệt, mùa nắng hạn, mùa ngập lụt, nhân dân đói kém do thiếu nước làm ruộng. Bùi Cầm Hổ đã tổ chức đắp các công trình dẫn nước, giúp vùng quê này có công trình thủy lợi, tưới tiêu mùa vụ, khai hoang canh tác.

Năm 1483, Bùi Cầm Hổ mất khi 93 tuổi. Đánh giá về ông, sử gia Lê Quý Đôn viết trong sách “Kiến văn tiểu lục” rằng: "Hồi Lê sơ, vì sau khi loạn lạc, nho sĩ thưa thớt. Người đem thân phụng sự trong triều như Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cầm Hổ, phần nhiều bộc lộ chí khí sáng suốt, có những lời nói quả cảm".

Trong dân gian cũng lưu truyền những câu cao dao ca ngợi Bùi Cầm Hổ và những công trạng của ông đương thời:

Cũng hàng quan lại, cũng triều ban / Hổ hét ra oai hồi mẹ đẻ / Cháo lươn giải oán cho người oan / Ngọn cờ phía Bắc còn bia tạc / Khe núi phía Nam bởi đá hàn.

Sau khi qua đời, Bùi Cầm Hổ được triều đình phong là Thượng đẳng phúc thần. Nhân dân lập đền thờ ông dưới chân núi Bạch Tỵ (thị xã Hồng Lĩnh ngày nay). Năm 1992, đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Nguồn tin: zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây