Hành trình tu tập của doanh nhân Minh Nhựa

Thứ sáu - 20/05/2022 16:57
Cuộc sống của doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa) không chỉ xoay quanh mỗi siêu xe và đồng hồ. Dù công việc bận rộn đến đâu, anh vẫn luôn dành thời gian trong ngày để tu tập.
Trung bình mỗi ngày, doanh nhân Minh Nhựa sẽ dành 1 tiếng để ngồi thiền, thực hành lạy khoảng 500-1.000 cái.
Trung bình mỗi ngày, doanh nhân Minh Nhựa sẽ dành 1 tiếng để ngồi thiền, thực hành lạy khoảng 500-1.000 cái.

Mới đây, trong tập 4 của series MINHsHOW phát sóng trên YouTube, thiếu gia nhà Nhựa Long Thành đã tiết nhiều thông tin thú vị về con đường tu tập của mình.

Ngay từ bé, mỗi khi đi du lịch trong và ngoài nước cùng gia đình, vị doanh nhân này đã bị thu hút bởi những bức tượng Phật tôn nghiêm trong chùa. Tuy nhiên, cái duyên tu tập chỉ tới khi một biến cố bất ngờ xuất hiện trong cuộc đời anh

Lúc đó, Minh Nhựa mắc sai lầm lớn khiến bà xã Mina Phạm vô cùng thất vọng, đưa con sang Mỹ sống. Cuộc sống hôn nhân của hai người đứng bên bờ vực đổ vỡ. Thậm chí, anh đã từng nghĩ quẩn trong giây phút tuyệt vọng nhất.

1
Doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh (Ảnh chụp màn hình).

Thế rồi, vì nhận ra tình yêu lớn lao dành cho gia đình, Minh Nhựa thuyết phục được vợ con quay trở về. Để khiến vợ tin tưởng mình, vị doanh nhân này đã chọn quy y Tam bảo, lấy pháp danh Như Phú và thực hành Ngũ giới.

“Niềm tin thực sự phải cần có thời gian. Việc tu tập sẽ là một thứ vô hình giúp gắn kết chúng ta, khác hoàn toàn với những thứ xa xỉ đến rồi sẽ đi”, thiếu gia nhà Nhựa Long Thành giải thích.

Kể từ đó, hai vợ chồng Minh Nhựa thường xuyên hành hương đến những ngôi chùa nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước. Anh từng chia sẻ ảnh sang Ấn Độ dự lễ Phật Đản, hay leo lên tu viện trên vách núi ở Bhutan. Ngoài ra, gia đình vị doanh nhân này cũng tham gia tích cực vào các chuyến từ thiện, quyên góp tiền thực hiện các hoạt động phóng sinh.

1
Vợ chồng Minh Nhựa từng sang hẳn Bhutan thăm tu viện (Ảnh: FBNV).

Sau 4 năm tu tập, Minh Nhựa đã lấy lại được niềm tin từ người vợ đầu gối tay ấp. Anh cũng cảm thấy hạnh phúc hơn, không còn lo lắng về những điều đã xảy ra trong quá khứ.

“Tu tập là con đường giúp cuộc sống của chúng ta thêm an lạc, tâm tỉnh thức”, vị doanh nhân chia sẻ.

Theo Minh Nhựa, mỗi bài tu tập thường khá dài, người nào học chậm rãi sẽ phải mất tới 4 năm, còn anh có thể hoàn thành chỉ từ 33 ngày đến 1 năm. Thời gian đầu, anh dành tới 6 tiếng/ngày trong phòng thờ để hành thiền. Sau này, khi đã thành thói quen, quá trình tu tập của anh diễn ra nhanh và dễ dàng hơn.

Vị doanh nhân này còn lấy ví dụ về bài thực hành lạy gồm 120.000 cái. Người bình thường phải lạy tối thiểu 100 cái/ngày, tổng cộng là mất 4 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, thiếu gia nhà Nhựa Long Thành đã thực hành xong chỉ trong vỏn vẹn 1 năm. Anh nâng dần các mốc từ 100 lên 300, rồi lên tới 500-1.000 cái/ngày.

1

Minh Nhựa cũng thừa nhận rằng việc tu tập tuy hay nhưng khó. Điều quan trọng nhất khi hành thiền là phải kiểm soát được dòng suy nghĩ của mình.

“Bạn có thể ngồi cà phê ‘chém gió’ suốt 1-3 tiếng, nhưng ngồi thiền 1 tiếng thì không hề dễ đâu. Trong 1 tiếng này, bạn phải ngồi bất động ở tư thế kiết già (hai chân đan chéo lên nhau), quán niệm hơi thở và nghĩ về Đức Phật. Nếu trong đầu mình vẫn chứa hàng loạt những suy nghĩ khác, 1 tiếng ngồi thiền cũng là vô nghĩa”, anh nói.

Vị doanh nhân này cho biết, nếu chăm chỉ thực hành đúng theo lời dạy, rất nhiều khúc mắc trong cuộc sống mà chúng ta tưởng rằng không thể tháo gỡ sẽ được hóa giải một cách dễ dàng.

“Mỗi chặng đường mình vượt qua đều là một bài tập, một sự thực hành, một sự lột xác ngoạn mục. Tôi cảm thấy hạnh phúc ngay trong hiện tại”, anh chia sẻ.

Chưa kể, việc tu tập cũng giúp mọi người hiểu thêm về cơ thể và sức khỏe của bản thân.

“Khi ngồi thiền, nhiều vấn đề về sức khỏe mới bắt đầu lộ ra. Nhờ đó, tôi biết được thời điểm nào nên khám bác sĩ, thay đổi bài tập thể dục hoặc điều chỉnh tư thế của mình”, anh giải thích.

“Việc tu tập rất tốt cho sức khỏe. Nếu thực hành đúng, cơ thể sẽ không bao giờ đau nhức. Bởi lẽ, không có một pháp tu nào lại khiến cho cơ thể thêm bệnh tật, trừ khi bạn làm sai.”

1

Có thể thấy, Minh Nhựa là người rất coi trọng việc tu tập. Anh xây hẳn một phòng thờ khá hoành tráng tại nhà riêng để có chỗ hành thiền hàng ngày.

“Mỗi ngày tôi đều hành trì tại nhà. Các con tôi cũng được tôi khuyến khích, nhắc nhở thực tập theo phương pháp mà tôi đang thực hành. Vợ tôi ít hơn, nhưng cô ấy cũng là người có sự thực tập”, vị doanh nhân này từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn.

Góc làm việc của Minh Nhựa ở công ty cũng thể hiện sự tín tâm của Phật tử này. Căn phòng này được miêu tả là khá đơn sơ, chỉ có một chiếc máy tính và treo nhiều bức ảnh ghi lại hành trình tâm linh trong cuộc đời anh.

Bên cạnh đó, phòng còn được đốt trầm thơm và sáp bơ cúng dường, khiến ai bước vào cũng cảm thấy nhẹ nhàng và bình an. Ngoài những lúc làm việc, vị doanh nhân này cũng dành khá nhiều thời gian đọc kinh và hành thiền tại công ty.

1

 “Đó là sự thực tập giúp mình định tĩnh, sáng suốt, nhìn thấy được tất cả mọi việc rõ ràng hơn”, anh nói.

Từ cánh cửa phòng làm việc, Minh Nhựa cũng dành thời gian quan sát nhân viên của mình. Anh vẫn thường khuyên mọi người tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày đi làm, đừng chỉ quá chú tâm đến việc mưu sinh.

“Thực ra, khi họ có niềm vui, hạnh phúc trong công việc thì sự cống hiến cho công ty mới cao nhất, và đó cũng là lúc họ nhận về xứng đáng những gì đã làm”, anh từng giãi bày.

“Những gì mình làm chắc chắn sẽ đạt được trong lúc nào đó. Không nên cưỡng cầu nó phải đến thật nhanh vì khi có mong cầu như vậy thì mình đã đánh mất niềm vui khi tạo tác các việc lành.”

Theo PTVN.NET

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây