9 dấu hiệu cảnh báo bất ổn về xương

Thứ hai - 15/07/2019 21:41
Dưới đây là một số biểu hiện chứng tỏ hệ xương của bạn có nhiều bất ổn như mất xương, xương yếu đi. Nếu có các dấu hiệu dưới đây, bạn cần quan tâm và chăm sóc nhiều hơn cho hệ xương của mình.
9 dấu hiệu cảnh báo bất ổn về xương
1 - Móng tay, móng chân dễ gãy
Móng tay, móng chân giòn, dễ gãy hơn bình thường do nhiều nguyên nhân; trong đó có hai lý do chính là thiếu collagen và thiếu calcium. Collagen là protein có ích cho da, nối kết các mô và xương. Bạn có thể bổ sung collagen qua thực phẩm như hấp thu các loại dâu, các loại rau cải có lá màu xanh sậm, đậu nành và trái cây họ cam chanh.

Calcium là thành phần thiết yếu cho sự chắc khỏe của xương. Ngoài bơ sữa, calcium còn có mặt trong các loại rau cải có lá xanh sậm.

2 - Thiếu thể dục, vận động
Nếu bạn dành hầu hết thời gian ngồi trước máy tính hay ti vi thì bạn sẽ có nguy cơ cao phát triển chứng loãng xương. Thể dục giúp các cơ khỏe mạnh và cũng làm xương thêm chắc khỏe, theo Surgeon General.

Khi bạn tập thể dục đặc biệt là môn nâng tạ, đi bộ nhanh, leo bậc thang sẽ giúp ích rất nhiều cho khung xương.

Theo các chuyên gia, bạn nên dành thời gian tập thể dục, các môn vận động nói trên sau giờ làm hoặc vào sáng sớm để hệ xương và cơ thể được khỏe mạnh. Ngoài ra, cũng nên tránh việc tập sai kỹ thuật vì điều này làm hại xương của bạn.

3 - Tụt nướu răng
Nướu răng bị tụt hay thụt xuống là do xương hàm và khối xương của bạn mất đi sự chắc khỏe. Xương hàm là “chiếc neo” của răng; vì thế khi xương hàm yếu đi, nướu có thể bị tụt xuống. Điều này diễn tiến chậm theo thời gian nên nhiều người không lưu ý.

Khi tuổi lớn dần, bạn nên nhờ nha sĩ kiểm tra nướu khi đi khám răng. Nhai kẹo cao su cũng là cách giúp cho xương hàm chắc, khỏe.

4 - Bạn bị thấp đi
Mất mát chiều cao khi già đi không phải điều lạ. Điều này xảy ra khi khối xương của bạn bị giảm xuống và các sụn nằm giữa các xương mòn đi theo thời gian do chịu sức nặng nhiều năm.

Thấp đi không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn có bất ổn về xương nhưng cho thấy sự yếu đi của các cơ quanh cột sống - chia sẻ của bác sĩ Susan E. Brown, Trung tâm Xương khỏe.

Vì xương và các cơ cùng làm việc như một thể và khỏe hoặc yếu đi đồng thời với nhau. Sự mất mát về cơ cũng có liên hệ với mất xương thật sự.

5 - Lực của tay yếu đi
Nếu quan sát thấy lực của tay yếu đi, bạn gặp khó khăn hơn bình thường trong việc mở nắp hộp thì hãy đi khám xem bạn có bị mất xương hay không.
Theo một nghiên cứu tiến hành trên phụ nữ sau mãn kinh, lực vặn của tay là thử nghiệm quan trọng nhất để xác định mật độ khoáng xương tổng thể của hệ xương.

Các chuyên gia khẳng định mối liên hệ giữa lực vặn và mật độ xương ở vùng hông, cột sống và cánh tay. Yếu ở vùng tay có thể là dấu hiệu suy yếu xương ở các vùng khác.

6 - Gãy xương
Một dấu hiệu quan trọng của yếu xương và mất xương chính là gãy xương. Nếu bạn bị gãy xương do một va chạm nhẹ (không đến mức gãy xương) thì bạn cần kiểm tra lại hệ xương của mình.

Đây có thể là dấu hiệu sớm cho thấy mật độ xương mỏng, nguy cơ loãng xương rất cao.

7 - Vọp bẻ, đau cơ và đau xương
Bị đau do tuổi tác là chuyện bình thường. Tuy nhiên, các dấu hiệu này nghiêm trọng hơn nếu bạn thường xuyên bị đau, nhức vì thiếu vitamin D - nguyên nhân gây mất xương.

Hay vị vọp bẻ cơ có thể do thiếu vitamin và khoáng chất, nhất là ở vùng cẳng chân và bàn chân. Ngoài ra, tình trạng này có thể xảy ra do mức calcium, magnesium, potassium trong máu quá thấp; kéo dài sẽ dẫn đến mất xương.

8 - Bạn có khung xương nhỏ
Người có khung xương nhỏ có khả năng phát triển chứng loãng xương cao hơn vì có ít khối xương để mất hơn.

Nếu là người có khung xương nhỏ, bạn hãy chăm chỉ bảo vệ khung xương của mình, thể dục thể thao thường xuyên, có chế độ ăn giàu calcium, kiểm tra sức khỏe của hệ xương định kỳ.

9 - Người nữ có mức estrogen thấp
Trong thời gian mãn kinh, mức hormone này bắt đầu giảm xuống ở người nữ và xương sẽ bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo phát hành trên tạp chí Nghiên cứu & Giải pháp cho Viêm khớp, các dữ liệu từ nhiều nghiên cứu cho thấy sự mất xương nhanh ở người nữ sau mãn kinh có thể được ngăn chặn hiệu quả bằng liệu pháp thay thế hormone.

Ngoài ra, cũng nên thường xuyên thể dục vận động khoa học, hợp lý; ăn thực phẩm có hàm lượng calcium cao để giúp làm chậm sự mất xương.

Trần Trọng Hiếu (theo Reader’s Digest)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây