Biện pháp phòng tránh hữu hiệu bệnh đau mắt đỏ

Thứ ba - 09/09/2014 07:21
Bệnh đau mắt đỏ là một bệnh cấp tính, khởi phát ồ ạt, nếu điều trị đúng cách sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng, nếu không sẽ gây viêm loét hoặc thủng giác mạc.
Biện pháp chung là cách ly người bị mắc bệnh. Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường vài ngày
Biện pháp chung là cách ly người bị mắc bệnh. Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường vài ngày
Bệnh đau mắt đỏ, bản chất là viêm kết mạc cấp do virus. Adenovirus là loại virus phổ biến nhất trong việc lây nhiễm bệnh. Mùa mưa, điều kiện thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm không khí…) phù hợp cho sự phát triển của virus, tạo điều kiện cho virus lây lay nhanh chóng và phát tán gây thành dịch bệnh trong cộng đồng.

Triệu chứng
Khi bị đau mắt đỏ, mắt người bệnh thường bị sưng nề, sưng húp làm khe mi hẹp lại, kết mạc đỏ lừ, nước mắt chảy nhiều kèm theo dử mắt làm mắt dấp dính, lèm nhèm và nhiều lúc nhòe đi, cảm giác rất ngứa và khó chịu, chỉ muốn day, dụi mắt.

Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.

Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa…

Thời điểm này, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

Các nguồn lây bệnh
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây theo đường trực tiếp khi tiếp xúc với nước mắt, dử mắt tiết ra. Trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ thường hay lấy tay day, dụi mắt làm giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Sau đó bàn tay có chứa virus gây bệnh lại đặt lên bàn học, ghế hay lên tay, mặt trẻ khác… làm lây nhiễm bệnh.

Các bác sỹ đôi khi cũng là nguồn lây bệnh khi họ khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ xong, tay không sát trùng cẩn thận và đặt vào mi mắt khám cho bệnh nhân khác, vô tình gây nên bệnh.

Một nguồn lây bệnh trực tiếp khác là do dùng chung khăn mặt, thau, chậu và thuốc nhỏ mắt. Theo khuyến cáo, các loại thuốc nhỏ mắt cần được nhỏ cách mắt vài cm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết điều này và nhỏ thuốc mắt sai cách (nhỏ sát vào lông mi, bờ mi) làm đầu lọ thuốc nhiễm khuẩn cũng là nguyên nhân làm bệnh lây lan.

Bệnh có thể lây qua đường không khí như khi ho làm virus phát tán ra ngoài không khí. Chẳng vậy người xưa có câu “Đừng nhìn vào nó, nó bị đau mắt đấy” là muốn nói về việc lây bệnh qua đường không khí chứ không phải nhìn đơn thuần mà bị đau mắt đỏ.
Các biện pháp phòng tránh

Biện pháp chung là cách ly người bị mắc bệnh. Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường vài ngày. Người bệnh có thể là nguồn lây tiếp tục sau khi khỏi bệnh một tuần. Do đó cần cắt đứt hai đường lây bệnh, nguồn lây trực tiếp và qua đường không khí bằng cách tránh chạm vào vùng mắt và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi sử dụng các loại thuốc để nhỏ mắt.

Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn tay, vứt bỏ khăn giấy sau mỗi lần sử dụng. Lưu ý khăn mặt, khăn tắm cần giặt sạch bằng xà phòng, đem phơi nắng để tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh.

Súc miệng hàng ngày bằng nước muối hoặc các nước súc miệng khác. Nhỏ nước muối 0,9% vào mắt hàng ngày.

Khử trùng các bề mặt như bàn ăn, bồn tắm, bồn rửa mặt và tay nắm cửa để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc dùng thuốc của người khác để nhỏ mắt khi bị bệnh. Không tự đắp lá dâu, lá trầu,… vào mắt vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.

Không nên đeo kính áp tròng cho đến khi bệnh đau mắt đỏ đã được chữa khỏi. Việc trang điểm mắt và sử dụng các loại kem mỹ phẩm cũng nên tránh vùng mắt cho đến khi các triệu chứng của đau mắt đỏ không còn.

Bệnh viện cũng là môi trường phát tán dịch trong mùa dịch do tần suất gặp gỡ giữa người bệnh với người khỏe mạnh ở bệnh viện rất cao. Do đó, vào mùa dịch không nên đến bệnh viện khi không cần thiết và nên tránh những nơi đông người như chợ, siêu thị, thang máy.

Vì vậy, bạn hãy phòng căn bệnh đau mắt đỏ này để không ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc của bạn cũng như những người thân trong gia đình nhé!

Nguồn tin: Khỏe và Đẹp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây