Cảnh giác với các triệu chứng bất thường ở chân

Thứ bảy - 25/01/2014 07:12
Những dấu hiệu bất thường ở chân có thể là những lời cảnh báo về tình trạng sức khỏe của bạn. Dưới đây là những triệu chứng bất thường ở chân mà bạn không nên bỏ qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vết loét lâu lành dưới lòng bàn chân

Đây có thể là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu cao dẫn đến tổn thương thần kinh ở bàn chân - có thể gây ra các vết xước nhỏ, vết cắt, hoặc kích ứng da do ma sát gây ra. Nếu những tổn thương này không được điều trị, các vết loét có thể dẫn đến nhiễm trùng, thậm chí phải phẫu thuật để cắt bỏ chỗ nhiễm trùng.

Những vết thương này kéo dài có thể có thêm mùi hôi. Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường bao gồm khát nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, nhìn mờ, nhanh đói và giảm cân đột ngột.

Bạn cần đi khám để được điều trị vết loét nhanh chóng và được chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường cần phải kiểm tra bàn chân hàng ngày ( những người lớn tuổi hoặc những người béo phì nếu không thể tự kiểm tra thì nên nhờ người giúp) và đi khám 3 tháng/lần.

Rụng lông chân hoặc lông ở ngón chân

Triệu chứng bất thường này dễ nhận thấy ở nam giới hơn và nó có thể là dấu hiệu của sự lưu thông máu kém. Khi tim mất khả năng bơm đủ máu đến các chi do xơ cứng động mạch thì chân nhận được ít máu hơn và lông ở chân cũng rụng dần, nhất là ở ngón chân.

Việc cung cấp máu tới chân bị giảm sẽ dễ dàng nhận biết bằng cách quan sát màu sắc của chân. Khi bạn đứng, bàn chân có thể có màu đỏ tươi hoặc sẫm, khi nâng lên, chân sẽ có màu nhạt đi nhanh chóng. Da sáng bóng . Những người có tuần hoàn máu kém thường có xu hướng gặp rắc rối về tim mạch (như bệnh tim hoặc động mạch cảnh) nhưng không phải ai cũng nhận ra mình gặp khó khăn trong lưu thông máu.

Bạn cần điều trị các vấn đề về tim mạch có thể cải thiện lưu thông máu. Tuy nhiên, lông ở chân có thể không mọc lại

Bàn chân bị lạnh

Đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo bạn bị bệnh ở tuyến giáp. Phụ nữ trên 40 người có bàn chân lạnh thường gặp tình trạng suy giáp vì tuyến giáp đóng vai trò điều hòa nhiệt độ và ổn định trao đổi chất. Tuần hoàn kém cũng có thể là một nguyên nhân khiến bạn thường xuyên lạnh bàn chân.

Sự suy giảm tuyến giáp có thể gây ra nhiều rối loạn trong cơ thể làm cho bạn có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, trầm cảm, tăng cân, da khô...

Bạn nên giữ cho bàn chân mình ấm bằng cách đi tất, giày. Bạn cũng nên đi khám để biết nguyên nhân là do hoạt động của tuyến giáp hay do sự tuần hoàn trong cơ thể, từ đó mới có thể điều trị hiệu quả nhất.

Tê ở cả hai bàn chân

Cảm giác tê, nặng, cứng chân có thể là một dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại vi, hoặc do hệ thống thần kinh ngoại biên bị tổn hại. Đó là cách cơ thể truyền tải thông tin từ não bộ và tủy sống tới các bộ phần còn lại của cơ thể. Tổn thương thần kinh ngoại biên có nhiều nguyên nhân, nhưng 2 nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tiểu đường và lạm dụng rượu.

Cảm giác ngứa râm ran hoặc như bị đốt cũng có thể xuất hiện ở tay và dần dần lan rộng đến cánh tay và chân.

Không có cách chữa bệnh thần kinh ngoại vi, nhưng các loại thuốc như thuốc giảm đau thuốc chống trầm cảm có thể có tác dụng để điều trị triệu chứng này. Vì vậy, bạn nên đi khám để được dùng đúng thuốc điều trị.

Móng chân mọc vào trong

Các móng chân mọc sâu vào trong khi đầu móng bị cắt sâu và sát thịt. Các đôi giầy và tất chật cũng là thủ phạm của sự phát triển bất thường này.

Để điều trị chứng bệnh này, hãy ngâm chân vào nước ấm để làm mềm móng và lấy ít bông thấm nước đặt ngay dưới móng để khỏi cắt vào thịt. Tiếp tục làm cho đến khi móng phát triển bình thường. Đi xăng đan hoặc giầy có xỏ nhiều lỗ thoát khí.

Nếu khu vực đó bị tấy đỏ, sưng phồng lên và bị nhiễm trùng thì phải dùng thuốc hoặc tiểu phẫu (cắt đến tận đáy để tạo móng mới) và laze.

Cách cắt móng theo hình chữ "V" sẽ chữa hoặc ngăn cản được móng phát triển vào trong là không đúng mà phải cắt móng chân thẳng, không tạo các hình cung và không cắt quá sát. Sửa các góc bằng rũa.

Các mụm cơm bí ẩn

Đây là những "vật thể lạ" thường xuất hiện ở lòng bàn chân. Các mụn cơm này bẹt và có màu sáng. Chúng do một loại vi rút gây ra và khó lây lan. Nếu là mụn cơm nhỏ và không đau, hãy kệ nó vì chúng sẽ tự biến mất cùng lắm là một hoặc hai năm.

Nếu là mụn cơm gây đau, bạn hãy dùng thuốc trị mụn cơm. Những thuốc này thường có chứa axít salicilic vì thế hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh bị bỏng.

Đau gót chân

Gót chân đau khi bạn dồn trọng lượng vào một hoặc cả 2 gót chân khi vừa ngủ dậy hoặc đứng dậy sau một khoảng thời gian ngồi lâu. Cơn đau thường giảm đi sau khi bạn đi lại khoảng một giờ.

Đi giầy cao hoặc đế giầy mỏng; tham gia tập thể thao quá sức, bài tập quá nặng với giầy không phù hợp... cũng là nhân tố làm chân đau. Chứng đau dây thần kinh, viêm khớp và viêm gân cũng gây ra đau gót chân vì chúng có thể làm rạn xương chân. Bệnh đái đường và ốm đau khác cũng có thể làm gót chân đau.

Cách điều trị tốt nhất là hãy giảm các bài tập và để chân nghỉ ngơi tối đa. Muốn giảm đau, hãy chườm đá 3 đến 4 lần trong một ngày và mỗi lần khoảng 20 phút.

Bạn cũng có thể dùng một tấm lót đế thấm mồ hôi bằng silicon ở các cửa hàng thuốc vào đôi giày. Tránh đi giầy đế quá mỏng hoặc cao. Hãy tham gia các môn thể thao mà không gây lực quá mạnh vào gót chân như đạp xe, bơi.

Các vết phồng rộp

Nếu các vết phồng rộp nhỏ thì bạn không cần quan tâm. Bạn chỉ cần giữ sạch sẽ khu vực phồng rộp thôi. Bạn cũng có thể tạo các lỗ nhỏ ở lớp giấy thấm mồ hôi để giảm ma sát của các vết phồng rộp.

Nếu vết phồng rộp vỡ ra, hãy rửa bằng xà phòng và nước. Sau đó dùng gạc băng vào. Nó sẽ khỏi rất nhanh.

Nhưng nếu vết vỡ chỗ phồng rộp lớn và đau thì hãy làm như sau: Rửa sạch chỗ phồng rộp đó, sau đó dùng dùng kim được vô trùng (giữ nó trong ngọn lửa rồi để nguội) đâm vào vết phồng rộp. Nhẹ nhàng tra thuốc mỡ và dùng gạc vô trùng băng lại. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng tấy đỏ lên thì đến bác sĩ ngay.

Tác giả bài viết: Anh Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây