Ho là một triệu chứng thường thấy khi bị cảm do ảnh hưởng của thay đổi thời tiết. Đây cũng là triệu chứng của nhiều loại bệnh thuộc đường hô hấp hoặc bệnh của các cơ quan khác trong cơ thể có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
Khi bị ho, cơ thể sẽ rất khó chịu, mất ngủ, rát cổ họng... Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh hay dùng, bạn nên tìm hiểu một số loại quả không chỉ hiệu quả để giảm cơn ho, mà còn an toàn, hạn chế tác dụng phụ do kháng sinh gây ra.
Bắp cải
Theo Đông Y, cải bắp vị ngọt tính hàn, làm mát phổi, thanh nhiệt, trừ đàm thấp, giải độc vì thế có thể trị ho, nhất là ho có đờm.
Ngoài ra, do chứa nhiều vitamin C nên nó giúp cơ thể tăng cường hệ thống miễn dịch, nhanh chóng đẩy lùi những cơn ho do viêm họng, và tiêu đờm.
Dùng 80-100g cải bắp, nửa lít nước, sắc còn 1/3, cho thêm mật ong uống trong ngày, kết hợp ăn bắp cải sống.
Chanh đào
Có nhiều cách để áp dụng trong việc chữa ho từ chanh đào như: chanh cắt lát ngâm muối dùng để ngậm, chanh đào trộn với mật ong hoặc đường phèn hấp cách thủy (hoặc hấp vào nồi cơm vừa cạn nước)…
- Chanh đào rửa sạch, tráng nhanh qua nước sôi để nguội, để ráo. Thái chanh thành lát bằng dao sắc, lựa những chỗ có hạt để không cứa hạt ra. Một trái chanh thái thành 4-5 lát là vừa.
- Gừng thái sợi, trần qua nước sôi nóng, để ráo.
- Hũ thủy tinh và miếng nén cũng luộc qua nước sôi, để khô hẳn.
- Xếp 1 lớp đường mỏng và gừng thái sợi dưới đáy lọ.
- Xếp chanh vào khoảng 3/4 lọ.
- Xếp đường phèn chèn lên chanh, cách miệng lọ tầm 5cm.
- Đổ mật ong vào lọ, với tỉ lệ này mật ong sẽ đủ bao kín chanh đào.
- Nén chặt bằng vỉ nén. Nếu không dùng vỉ nén thì phần đường phèn cũng đủ chèn chanh chìm xuống. Nhưng sau khi đường tan hết bạn sẽ phải thường xuyên lắc lọ để chanh không bị nổi lên cho đến khi những miếng chanh đã ngấm đủ mật ong không nổi lên nữa.
Chanh đào mật ong có thể sử dụng cho trẻ từ trên 1 tuổi để phòng hoặc chữa ho do nhiễm lạnh. Nếu để phòng, bạn có thể cho trẻ dùng mỗi sớm 1-2 thìa cà phê đã hâm ấm. Khi trẻ bị ho do nhiễm lạnh, có thể dùng 3-4 lần mỗi ngày, mỗi lần 1-2 thìa ấm.
Quả quất
Trong quả quất có nhiều tinh dầu, pectin, đường và các vitamin giúp chống viêm, long đàm, tăng sức đề kháng và giảm ho hiệu quả. Có thể ngâm quất với muối để nhấm nháp hoặc pha nước uống. Quất chưng cách thủy với đường phèn cũng là bài thuốc chữa ho hiệu quả trong dân gian.
Quả lê
Theo Đông y, lê vị ngọt, hơi chua, tính hàn, vào các kinh phế và vị, có tác dụng bổ phế, thanh tâm, tiêu đờm, làm hết ho, giáng hoả, giải khát, dùng chữa các bệnh thuộc nhiệt, sốt do bệnh phổi, đờm nhiều, viêm họng, viêm khí phế quản...
Lấy một quả lê nặng khoảng 100g, cắt thành miếng nhỏ, nấu nhừ, bỏ bã, cô nước cốt thành cao, thêm đường vào đủ ngọt, trộn đều, chia làm 3 - 4 lần uống trongngày. Khi uống hòa cao với nước sôi. Bài thuốc này dùng chữa ho, tiêu đờm, chữa viêm đường hô hấp có kết quả tốt.
Lấy một quả lê, giã nát, vắt lấy nước đem cô đặc lại, cho ít mậtong vào khuấy đều (có người còn cho thêm nước gừng), bảo quản trong lọ kín dùng dần, mỗi lần uống hai thìa cà phê với nước đun sôi để ấm. Bài thuốc này có tác dụng trừ đờm, chỉ khái, dùng chữa các chứng ho do đờm nhiệt, ho kéo dài lâu ngày.
Khế
Hoa khế 20g sao qua, sau đó tẩm nước gừng đem sao tiếp. Sắc lấy nước uống. Có thể thêm cam thảo 12g, tía tô 8-10g. Cho 750ml nước, đun còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 6 ngày.
Các bài thuốc trị ho khác từ quả khế:
Cắt lát miếng khế, chấm với muối và ngậm một lúc trước khi ăn.
Ngâm một chút khế với mật ong và ăn.
Lấy một chùm khế, tẩm rượu gừng để sắc uống.
Phật thủ
Đây là một loại quả có công hiệu chữa ho hiệu quả, đặc biệt là cho trẻ mà không được nhiều người biết đến khi chăm sóc trẻ. Quả Phật thủ ngâm với nước muối, rửa sạch vỏ bên ngoài, gọt thành từng miếng mỏng từ vỏ vào đến hết ruột rồi trộn với mạch nha, cho vào hấp cách thủy (hoặc hấp nồi cơm) từ 30 đến 45 phút.
Lấy ra để nguội cho vào tủ lạnh dùng dần. Mỗi tối trước khi đi ngủ lấy ra 10ml vào chén con rồi ngâm vào bát nước nóng cho ấm lên rồi cho bé uống. Có thể pha thêm vào một chút nước lọc để làm thành thuốc chữa ho cho bé dễ uống.
Tỏi
Mật ong khi hấp cùng với tỏi làm tăng tính kháng sinh tự nhiên, giảm viêm họng, tăng sức đề kháng.
Cách làm:
- Tỏi 4 hoặc 5 nhánh, đập dập, trộn đều mật ong.
- Mang hấp hoặc đun cách thủy tới khi ngửi thấy mùi tỏi hăng hắc là được (không cần để tỏi quá nhừ).
- Uống 2 -3 lần/ngày, mỗi lần 1 – 2 thìa café.