Lối sống đóng một vai trò rất lớn trong hoạt động của não bộ. Có một số thói quen xấu hằng ngày mà nhiều người mắc phải có thể tác động tiêu cực đến bộ não.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chứng sa sút trí tuệ hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 trong số tất cả các bệnh. Thêm vào đó, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật và phụ thuộc ở người lớn tuổi trên toàn cầu. Bệnh Alzheimer chiếm từ 60 đến 80% các trường hợp sa sút trí tuệ.
WHO cũng cho biết mặc dù chứng sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhưng đó không phải là hậu quả tất yếu của quá trình lão hóa. Cách chúng ta sống hằng ngày có tác động đến nguy cơ sa sút trí tuệ.
Giáo sư Khoa học Thần kinh Hana Burianova giải thích những thói quen dưới đây tác động xấu tới bộ não:
Quá ít vận động
Theo The Sun, điều này dẫn đến tuần hoàn kém và oxy hóa kém, rối loạn điều hòa hormone và chất dẫn truyền thần kinh, lão hóa nhanh hơn và dễ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Do đó, Giáo sư Burianova khuyên: “Tốt nhất, chúng ta nên đứng lên nửa giờ một lần, mỗi ngày có 30 phút tập thể dục từ nhẹ đến trung bình hoặc 15 phút tập thể dục cường độ cao”.
Ngủ quá ít
Ngủ thất thường, không đủ giấc sẽ có tác động tiêu cực đến sự dẻo dai của thần kinh, suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ. Tốt nhất, chúng ta nên ngủ đủ 7 đến 9 giờ mỗi đêm cũng như đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Thật không may, việc ngủ nướng vào cuối tuần không thể bù đắp cho việc thiếu ngủ trong tuần.
“Bộ não hoạt động theo nhịp sinh học 24 giờ, nhịp sinh học này phải nhất quán, bất kể đó là ngày làm việc hay thứ bảy, chủ nhật. Thay đổi sự cân bằng giữa ánh sáng và bóng tối dẫn đến rối loạn điều hòa melatonin và cortisol”, Giáo sư Burianova giải thích.
Melatonin là hormone giúp bạn đi vào giấc ngủ và cortisol là hormone căng thẳng đánh thức bạn. Chúng ta cần melatonin vào buổi tối và cortisol vào buổi sáng, để hỗ trợ chu kỳ ngủ và thức.
Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy ngủ quá nhiều dẫn đến suy giảm nhận thức, có thể do rối loạn điều hòa melatonin và serotonin.
Căng thẳng kinh niên
Tình trạng stress kéo dài dẫn đến rối loạn điều hòa hormone và chất dẫn truyền thần kinh, lão hóa nhanh hơn và suy giảm các chức năng nhận thức thần kinh - bao gồm khả năng tập trung, trí nhớ và điều hòa cảm xúc kém - dẫn đến chứng sa sút trí tuệ và viêm dây thần kinh.
Nếu cảm thấy mình đang đối mặt với áp lực căng thẳng cao liên tục, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, ưu tiên cho giấc ngủ, tìm bài tập hoặc hoạt động để đầu óc bạn giải tỏa.
Chế độ ăn uống kém
Thực phẩm bạn ăn có ảnh hưởng đến sức khỏe của não. Chế độ ăn uống nghèo nàn dẫn đến viêm ruột, tác động tiêu cực đến não bộ, vì chúng liên kết trực tiếp với nhau và điều này dẫn đến viêm dây thần kinh.
Chế độ ăn uống kém chứa nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ và nhiều chất béo, đường, muối. Ăn quá nhiều hay quá ít đều có thể gây ra vấn đề.
Bạn nên thưởng thức một chế độ ăn Địa Trung Hải với thực phẩm giàu chất xơ, trái cây, rau, dầu cá và dầu ô liu.
Ít giao tiếp xã hội
Những người cô đơn có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao gấp đôi. “Ít tiếp xúc xã hội và không được hỗ trợ cũng dẫn đến trầm cảm, lo lắng và căng thẳng mạn tính”, Giáo sư Burianova nói.
Vị giáo sư khuyên mọi người nên thực hiện giao tiếp xã hội hằng ngày nếu có thể.
Tinh thần trì trệ
Nếu không sử dụng não, bạn có thể bị suy giảm khả năng nhận thức. Điều đó có thể làm suy yếu khả năng kết nối của não, lão hóa nhanh hơn và nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn.
Để giữ cho tâm trí của bạn luôn hoạt động, hãy thực hiện một số hoạt động tốt cho tinh thần mang tính chất thách thức, mới mẻ và cần sự tập trung như câu đố, giải ô chữ, nấu ăn không theo công thức, về nhà theo lộ trình mới, học ngôn ngữ mới, tham gia các khóa học, học chơi nhạc cụ.
Theo Vietnamnet.vn