Cảm thấy sưng, vướng ở cổ họng có phải là dấu hiệu ung thư?

Chủ nhật - 15/11/2020 17:06
Tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân ung thư vòm họng khi phát hiện đều đã chuyển sang giai đoạn nặng, tiên lượng xấu.
Cảm thấy sưng, vướng ở cổ họng có phải là dấu hiệu ung thư?

Cảnh giác khi triệu chứng vùng hầu họng kéo dài nhiều ngày

Tại buổi tư vấn trực tuyến “Những điều cần lưu ý trong điều trị ung thư vùng đầu cổ” do Bệnh viện K tổ chức, PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xạ trị Quốc gia – Trưởng khoa Xạ đầu cổ, Bệnh viện K chia sẻ, vùng họng miệng là cửa ngõ đầu tiên tiếp xúc với các tác nhân từ bên ngoài.

Hàng ngày, khi chúng ta ăn uống hay hít thở, các tác nhân có hại hoặc không có hại sẽ tiếp xúc với niêm mạc của toàn bộ vùng tai mũi họng, từ đường thở cho đến đường ăn ở phía trên.

Khi có bất kỳ tác nhân nào bên ngoài tác động vào thì đầu tiên cơ thể sẽ tự điều chỉnh. Trong trường hợp cơ thể không tự điều chỉnh được nữa, sẽ sinh ra các triệu chứng và chính các triệu chứng này khiến chúng ta cảm thấy khó chịu.

“Việt Nam là một đất nước có khí hậu nhiệt đới. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường cũng đang là vấn đề nóng nên những bệnh về tai – mũi – họng là hết sức phổ biến”, PGS Tùng cho hay.

Khi gặp phải các triệu chứng bất thường như họng khô rát, hơi thở có mùi khó chịu, hầu họng có cảm giác sưng, vướng, theo PGS Tùng, người dân không nên quá lo lắng nhưng cũng cần được thăm khám kịp thời để tìm hiểu rõ nguyên nhân.

PGS Tùng phân tích: “Có nhiều bệnh lý thông thường liên quan đến tai – mũi – họng. Nếu là bệnh viêm họng thì người bệnh chỉ cần thực hiện các biện pháp đơn giản như ngậm nước ấm hay súc họng bằng nước muối để vệ sinh tai – mũi – họng sẽ giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, trong trường hợp các triệu chứng khó chịu ở vùng hầu họng liên tục tăng về cường độ và kéo dài từ vài ngày cho đến 1 tuần, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan.

PGS Tùng chia sẻ: “Ung thư vòm họng là một bệnh lý hiếm gặp ở vùng tai – mũi - họng nhưng cần hết sức cảnh giác. Khi có vấn đề bất thường, cần đi khám ở các chuyên khoa tai – mũi – họng để các bác sĩ kiểm tra tổn thương, sàng lọc ung thư”.

Ung thư vòm họng dễ bị bỏ sót

Theo PGS Tùng, vùng hầu họng kéo dài từ trên đáy sọ xuống đến cổ và chia làm 3 phần. Vòm họng chính là phần đầu tiên. Đây là vùng rất kín nên ung thư vòm họng thường dễ bị bỏ sót khi thăm khám, nhất là ở giai đoạn đầu.

Do đó, người dân cần tập thói quen tầm soát ung thư vòm họng định kỳ để có thể phát hiện bệnh kịp thời. Đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo đặc trưng như: đau đầu, ngạt mũi 1 bên, ù tai, thấy nổi u cục vùng hầu họng. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì hiệu quả điều trị sẽ rất cao.

Theo thống kê, với ung thư vòm họng, tỷ lệ sống thêm 5 năm sau điều trị đạt 80-90% ở giai đoạn 1 và 2; 30-40% ở giai đoạn 3 và 15% ở giai đoạn 4.

Phương pháp tầm soát ung thư vòm họng chủ yếu là nội soi, có thể là nội soi ống cứng hoặc ống mềm. Khi thực hiện thủ thuật này, các bác sĩ sẽ đưa ống soi qua đường mũi vào vòm họng để xem bề mặt vòm có nhẵn hay không. Đồng thời đánh giá xem có hạch cổ hay không.

PGS Tùng chia sẻ thêm: “Thời gian gần đây, nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, người ta đã phát hiện thêm một yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng là virus Epstein-Barr. Do đó, việc xét nghiệm huyết thanh để xem nồng độ virus trong máu cũng là phương pháp thường quy để đánh giá nguy cơ mắc ung thư vòm họng”.

Nguồn tin: Dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây