Đậu hạt có thể thay thế thịt hay không?
Đậu hạt là nguồn thực phẩm có giá thành phải chăng (rẻ hơn thịt động vật), thân thiện với môi trường (so với quá trình chăn nuôi, súc sản), giàu chất xơ và các vitamin, khoáng chất.
Ngoài ra, các loại đậu hạt còn chứa nhiều polyphenol, chất oxy hóa có liên quan đến kháng viêm nhiễm, bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật - theo Tạp chí Quốc tế về Khoa học Phân tử năm 2017. Ăn đậu hạt cũng có thể giúp giảm cân, đặc biệt là giảm mỡ vùng bụng - thông tin từ tạp chí Đại học Dinh dưỡng Hoa Kỳ.
Chất xơ trong đậu tốt cho sức khỏe
Chất xơ hòa tan trong các loại đậu hạt được cho là có khả năng chống tích mỡ bụng. Kết quả nghiên cứu trên tạp chí Béo phì gợi ý, cứ thêm 10g chất xơ hòa tan được tiêu thụ, tỉ lệ tích mỡ trong ở vùng bụng giảm 3,7%. 1 cốc đậu đen nấu chín cung cấp 5,6g chất xơ hòa tan.
Tại Hoa Kỳ, có đến 95% dân số không đáp ứng đủ nhu cầu chất xơ hàng ngày và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Thiếu chất xơ dẫn đến các bất ổn sức khỏe như khó quản lý thể trọng cơ thể, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ, huyết áp cao, rối loạn dạ dày - đường ruột, tiểu đường tuýp 2 và một số loại ung thư - theo tạp chí Dưỡng chất, phát hành tháng 2-2020.
Đặc biệt, thiếu chất xơ còn ảnh hưởng đến sự liên tục trong thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ hàng ngày, phát hiện từ nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Giấc ngủ (2016).
Ăn đậu có gây đầy bụng không?
Chứng đầy hơi, chướng bụng do ăn các loại đậu hạt không nghiêm trọng như bạn nghĩ và cơ thể chúng ta sẽ có sự thích ứng dần nếu tiêu thụ đậu thường xuyên hơn - các chuyên gia khẳng định.
Theo nghiên cứu, mức độ đầy bụng giảm từ 35% xuống còn 19%, 11% và chỉ còn 3% sau 8 tuần liên tục bổ sung ½ cốc đậu hạt vào chế độ ăn.
Đối với hàm lượng đạm, một khẩu phần thịt bò và thịt gà chứa tương ứng 21g và 25g protein; 1 cốc đậu nấu chín chứa 16g protein, 24g chất xơ và hơn 85% nhu cầu chất xơ hàng ngày - nguồn cung chất xơ chúng ta không thể tìm thấy từ thịt động vật.
Huệ Trần
(theo Reader’s Digest)