Bất ngờ phát hiện mắc ung thư từ vết loét nhỏ
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa 1, Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư lưỡi là bệnh ung thư khoang miệng khá phổ biến. Người bệnh hay nhầm lẫn với dấu hiệu của các bệnh lý khác.
Cuối tháng 7, bác sĩ Nam từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 52 tuổi, đến khám vì ăn uống kém và có đau vùng lưỡi. Đặc biệt, bệnh nhân cho biết triệu chứng đau nhất là khi ăn và đánh răng. Bệnh nhân nghĩ rằng mình bị nhiệt miệng nên không đi khám.
Khi đến bệnh viện, bác sĩ quan sát thăm khám vùng khoang miệng, bờ lưỡi trái của bệnh nhân có một vết loét 1cm, xơ chai, bờ khá cứng, dễ chảy máu. Hai chiếc răng hàm số 5,6 còn bị mòn vẹt.
Siêu âm, bác sĩ phát hiện bác có thêm một vài hạch vùng cổ, kích thước từ 0,8-1,2cm, ranh giới không rõ, mất cấu trúc hạch, nghi ngờ hạch ác tính.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc ung thư lưỡi di căn hạch cổ. Với chẩn đoán này, bệnh nhân và người nhà đi cùng đều rất bất ngờ vì chỉ cho rằng “đó là vết loét lưỡi như nhiệt miệng thôi mà”.
Bác sĩ Nam chia sẻ ung thư lưỡi là loại ung thư khoang miệng thường gặp nhất. Các triệu chứng của bệnh ung thư khoang miệng giai đoạn đầu khó được phát hiện vì nó tương tự như các triệu chứng viêm nhiễm bình thường ở khoang miệng.
Một số dấu hiệu gợi ý ung thư lưỡi như:
- Vết loét trong miệng kéo dài quá 2 tuần không đỡ (loét môi,lợi, lưỡi…dễ nhầm với nhiệt miệng).
- Đau vùng miệng, ăn nhai nuốt khó, chảy máu.
- Vận động lưỡi kém, nổi hạch vùng cổ, bất thường răng lợi…
Ai có nguy cơ bị ung thư lưỡi?
Hầu hết trường hợp người bệnh mắc ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh nhưng các nghiên cứu cho rằng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bao gồm:
- Hút thuốc lá: Nếu hút 15 điếu/ngày kéo dài 20 năm, nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp 5 lần so với người không hút.
- Rượu: Nếu hút thuốc và uống rượu, nguy cơ mắc ung thư đầu mặt cổ tăng lên 10-15 lần.
- Nhai trầu: Đây cũng là yếu tố nguy cơ trong ung thư khoang miệng. Người nhai trầu có nguy cơ mắc cao gấp nhiều lần so với người không nhai trầu.
- Tình trạng vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt.
- Nhiễm vi sinh vật: Nhiễm virus HPV, đặc biệt là type 2, 11, 16 đã được chứng minh là thấy nhiều trong những bệnh nhân bị ung thư khoang miệng.
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, hoa quả cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư khoang miệng.
Theo thống kê, nam giới trên 50 tuổi có khả năng mắc bệnh ung thư lưỡi cao nhất. Vì vậy, những đối tượng này cần tầm soát sàng lọc ung thư lưỡi định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.
Các bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo ung thư lưỡi là bệnh có thể phát hiện và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn ở nước ta còn cao. Người dân cần đi thăm khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường để được phát hiện, điều trị sớm.
Nguồn Vietnamnet.vn