Thích là uống

Trưa ngày 19/5, trên nhiều tuyến đường tại TPHCM như Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), Võ Văn Kiệt (Q.Bình Tân), Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình)… nhiều xe bán nước cam, nước mía di động “vỉa hè” tấp nập khách. Giá bình dân từ 10.000-15.000 đồng/ly khổng lồ, chủ hàng bán không ngơi tay.

“Nhiều người đi nắng nóng, khát nước nên tạt vào mua một ly uống giải nhiệt rồi tiếp tục hành trình. Tôi bán nước ở đây quanh năm, nhưng đắt hàng nhất vẫn là vào dịp hè và những ngày nắng nóng. Có hôm vài ba trăm lượt khách ghé vào, nước giải nhiệt giá bình dân, hợp túi tiền của mọi khách. Có người mua cả ca to nước cam, mang theo lên cơ quan uống cả ngày” - chị Thìn, kinh doanh nước giải khát ở chân cầu Sài Gòn nói.

Vốn lười uống nước, Ngọc Mai (25 tuổi, nhân viên văn phòng Q.3, TPHCM) tiết lộ có cách bù nước “3 trong 1”: nhanh - tiện - hiệu quả. “Để tránh mất nước, sốc nhiệt, tôi dùng viên sủi bù nước hoặc trà giải nhiệt uống cho mát người. Thật tiện lợi vì chỉ cần pha vào nước, ngày uống 2-3 viên thấy người khỏe khoắn, không có cảm giác khát nước, mệt mỏi dù có phải đi nhiều ngoài nắng. Trong túi tôi giờ không thể thiếu sản phẩm giải nhiệt này trong những ngày nắng nóng”.

Thấy con nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, chị Lê Thị Trang (35 tuổi, ngụ Q.6, TPHCM) đoán con bị nóng gan. Ngay lập tức, chị Trang ra tiệm thuốc gần nhà mua ngay siro thanh nhiệt, giải độc mát gan pha vào nước cho con uống. "Con mới uống được ba hôm mà thấy đỡ mụn nhọt hẳn, tôi còn mua thêm oresol để con uống khi đi học, ngừa trên lớp con ham chơi, ít uống nước" - chị Trang bày tỏ.

Dùng tùy tiện, dễ chết!

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về việc bổ sung các loại nước giải nhiệt mùa nắng nóng, BS CKII Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàn BV Thống Nhất cho biết, nước có vai trò rất quan trọng với cơ thể, 60% trọng lượng cơ thể là nước; với người càng lớn tuổi, tỷ lệ nước trong cơ thể càng thấp, chỉ khoảng 50%.

“Trẻ em và người lớn là đối tượng dễ có nguy cơ bị thiếu nước nhất là trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó còn có những người làm việc trong môi trường nắng nóng, ra mồ hôi nhiều; người ăn uống kém, có các bệnh lý như tiêu chảy, sốt, nôn ói…” – BS Loan cho biết.

Theo BS Loan, tùy theo độ tuổi, cân nặng và tính chất công việc của từng đối tượng mà cần bổ sung lượng nước. Cụ thể, người trưởng thành uống từ 1,5-2 lít nước/ngày. Trung bình uống từ 1-1,5 lít, cùng với nước trong thức ăn. Nhưng khi làm trong môi trường nắng nóng, ra mồ hôi nhiều thì cần bù thêm nước, có thể lên đến 3 lít nước/ngày. Trẻ em dưới 10 kg cần 1 lít nước/ngày, từ 10-20 kg cần 1,2-1,5 lít nước/ngày.

Bên cạnh các loại nước từ thiên nhiên, nước giải nhiệt tự nấu, trên thị trường còn có nhiều loại nước đóng chai có tính năng bù nước, bù điện giải, siro bù nước... Người dùng cần lưu ý nước đã đóng chai thì ít nhiều có các chất bảo quản sẽ ảnh hưởng đến cơ thể. Khi dùng chúng ta phải quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, xem thử có đường hay không. Nhất là những trẻ thừa cân béo phì, đây chính là nguồn năng lượng khiến trẻ dư cân mà phụ huynh không kiểm soát.

Sử dụng oresol ngoài chuyện bù nước còn có nồng độ nhất định là điện giải như Natri, Kali và có ít đường. Oresol chỉ dùng trong trường hợp tiêu chảy mất nước chứ không uống thường xuyên hàng ngày. Phải có chỉ định của bác sĩ mới dùng.

Nếu chúng ta cho trẻ uống các loại nước có đường sẽ tiểu nhiều, như vậy chúng ta cứ nghĩ đang bù nước thì lại đang làm cho trẻ mất nước. Tốt nhất là nên tư vấn chuyên gia dinh dưỡng các loại nước uống trước khi chọn cho trẻ, chứ không nên tìm mua trên mạng rồi mua tự do uống.

“Nếu bổ sung, bù quá nhiều nước sẽ khiến tế bào bị trương, gây ức chế hệ thần kinh trung ương có thể dẫn đến hôn mê. Một tình trạng nữa nếu đưa quá nhiều nước vào thì thận sẽ quá tải, lâu ngày gây ảnh hưởng suy chức năng thận. Do đó cần tránh tình trạng bổ sung quá nhiều, bổ sung “vô tội vạ” dẫn đến tình trạng ngộ độc nước” - BS Dương Thị Kim Loan khuyến cáo.