Chị Minh Anh kể, miền Bắc vừa vào đợt nắng nóng, gia đình đã chuyển sang chế độ hạn chế tối đa ra ngoài. Cả nhà chị chỉ ra ngoài lúc cần di chuyển tới cơ quan, trường học, còn gần như chỉ ở trong phòng mở điều hoà. Ban ngày, anh chị đi làm và các con đi học đều trong phòng có điều hòa. Về tới nhà, anh chị cũng bật điều hòa với nhiệt độ ở nhiệt độ thấp vì cả nhà đều thích cảm giác mát lạnh.
Nắng nóng được 4 hôm, cả nhà chị đều xuất hiện triệu chứng đau họng, hơi sốt rồi húng hắng ho. Dù đã tự mua thuốc uống nhưng không khỏi nên vợ chồng con cái cùng nhau tới bệnh viện để thăm khám. Kết quả, cả nhà chị Minh Anh đều bị viêm họng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) - hiện là Giám đốc Bệnh viện An Việt, những ngày nắng nóng số người nhập viện thăm khám vì các bệnh tai mũi họng gia tăng và một trong những nguyên nhân đó là sử dụng điều hòa không đúng cách.
PGS Hoài An cho biết, nhiều người thường lạm dụng điều hòa, gần như cả ngày đều ở trong điều hòa, để nhiệt độ quá thấp cũng như để luồng gió lạnh từ điều hòa thổi thẳng vào giường khi ngủ.
Việc sử dụng điều hòa liên tục sẽ làm cho hệ thống hô hấp, đường hô hấp trên như mũi, niêm mạc mũi, niêm mạc họng bị khô, điều này cũng khiến hàng rào bảo vệ cơ thể kém đi nhiều, tạo điều kiện để virus, vi khuẩn đang trú ngụ sẵn ở đó xâm nhập vào bên trong khi có tổn thương, từ đó gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Không chỉ thế, việc ở trong phòng kín với điều hoà cả ngày khiến cho bụi bẩn, vi khuẩn dễ tích tụ nhất là khi sử dụng các loại điều hòa đời cũ không thể lọc không khí hay điều hòa ít được vệ sinh càng khiến cho nguy cơ bị các bệnh viêm đường hô hấp gia tăng.
Nhiều người có thói quen hoặc bệnh lý nên thở bằng miệng khi ngủ kết hợp với việc sử dụng điều hoà cả đêm có thể khiến cho niêm mạc khô, tình trạng đau họng dễ xuất hiện khi ngủ dậy.
PGS Hoài An chia sẻ thêm, không nên quá lạm dụng điều hòa vào mùa nóng. Khi sử dụng cần để nhiệt độ phòng phù hợp khoảng từ 26-28 độ C, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ không nên để quá lạnh tránh tình trạng chênh lệch lớn giữa trong phòng và môi trường bên ngoài.
Ngoài ra, vào mùa hè cũng nên duy trì thói quen vệ sinh răng miệng và mũi họng trước cũng như sau giấc ngủ. Khi ngủ có sử dụng điều hòa nên dùng chăn mỏng để giảm gió từ điều hòa phả thẳng vào cơ thể. Có thể sử dụng chế độ hẹn giờ vào ban đêm để không phải bật điều hòa cho tới sáng.
Ngoài ra, có thể để một chậu nước nhỏ trong phòng để tránh việc sử dụng điều hòa khiến không khí trong phòng khô lạnh.
Với các tình trạng bệnh viêm đường hô hấp do điều hòa vào mùa hè, bệnh có thể khỏi trong vài ngày nhưng cần thay đổi thói quen sử dụng “cứu tinh” này cho đúng và khi có các dấu hiệu trở nặng cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị.
Nguồn Laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự