Tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4: Nâng nhận thức, tránh chủ quan

Thứ tư - 20/07/2022 02:41
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, dẫn đến tình trạng một số bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, không muốn tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), dẫn đến nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4: Nâng nhận thức, tránh chủ quan

Từ đầu tháng 6/2022, toàn tỉnh triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, ưu tiên cho người trên 50 tuổi, người trên 18 tuổi có nguy cơ suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng và những người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19.

Người dân xã Điềm He, huyện Văn Quan tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19

Mặc dù công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 đã được ngành y tế phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức đồng bộ, nhưng sau hơn 1 tháng triển khai, (tính đến ngày 14/7/2022), tỷ lệ tiêm mũi 4 trên địa bàn tỉnh mới đạt 38,98% trên tổng số hơn 160.000 đối tượng dự kiến tiêm.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người dân tiêm vắc xin mũi 4 đạt thấp do số đối tượng tiêm chủng mũi 4 đã mắc COVID-19 lớn, chưa đảm bảo yêu cầu về thời gian để tiêm (đối tượng mắc COVID-19 sau ít nhất 3 tháng mới được tiêm vắc xin). Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động tại một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quyết liệt. Hơn nữa là do tâm lý chủ quan, lơ là của người dân, nhiều người dân cho rằng dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, không cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại…

Anh L.M.H, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, trong đó có 4 người thuộc diện và đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4. Do nghĩ rằng dịch bệnh đã được kiểm soát, không cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại nên đến nay cả 4 thành viên đều chưa tiêm.

Cùng với tâm lý chủ quan, nhiều người dân còn tiếp cận với thông tin không đúng sự thật về những tác dụng phụ của vắc xin nên cũng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 trên địa bàn.

Ghi nhận tại huyện Văn Quan cho thấy, tính đến ngày 14/7/2022, tỷ lệ tiêm mũi 4 của toàn huyện mới đạt trên 11%. Bác sĩ Đặng Văn Năm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện cho biết: Đơn vị đang gặp khó khi vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4. Mặc dù ngay từ khi triển khai tiêm vắc xin, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 huyện đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền; từng nhân viên y tế thôn, bản đến từng hộ dân thông báo về lịch tiêm; gọi điện trực tiếp cho người dân đến tiêm chủng… nhưng nhiều người vẫn không đến.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 cho người dân trên địa bàn

Hiện nay, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam với mức độ lây lan cao hơn nhiều lần biến thể thông thường. Chính tâm lý chủ quan, không tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn nói chung và những thành quả của công tác phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua.

Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để khắc phục tồn tại trên và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 4, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp như: đảm bảo số lượng vắc xin phòng COVID-19 đáp ứng đủ nhu cầu tiêm tại các huyện, thành phố; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại cơ sở tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về lợi ích của việc tiêm vắc xin. Đồng thời, ngày 28/6/2022, Sở Y tế đã có Công văn số 1498/SYT-NVYD về việc mở rộng đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 bao gồm: giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ, du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để gia tăng số lượng người được tiêm vắc xin mũi 4 trong đợt này.

Mặc dù ngành y tế đã có nhiều cố gắng song để người dân nâng cao nhận thức, không chủ quan, lơ là với việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động. Có như vậy mới đảm bảo tỷ lệ tiêm mũi 4 được nâng lên góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

“Mỗi liều tiêm vắc xin phòng COVID-19 có hiệu lực bảo vệ cao trong thời gian từ 6 đến 12 tháng, hiệu lực bảo vệ sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 thực sự rất cần thiết đối với người dân trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 đang có nguy cơ diễn biến phức tạp trở lại. Để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, các đối tượng được lựa chọn tham gia tiêm mũi 4 đợt này cần tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch”.

Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 

Nguồn: baolangson.vn
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây