Áp dụng tám con đường chơn chánh theo lời Phật dạy để bảo vệ thiên nhiên

Thứ hai - 11/06/2012 14:19
Con người vì sự sống, sinh hoạt, vận hành xã hội, phát triển kinh tế đã có những tác động không nhỏ đến thiên nhiên. Chất thải, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, tầng ozon bị thủng toàn là vấn đề thời sự mà mỗi con người, mỗi cộng đồng cần phải đối diện và giải quyết.

Mặc dù con người đã cố gắng trong việc cải thiện thiên nhiên nhưng nó vẫn còn đó những khó khăn, trắc trở.

Thiên nhiên là một tặng phẩm tuyệt vời mà tạo hóa đã dành tặng cho chúng ta. Mỗi buổi sáng thức dậy, cảm nhận sự tinh khiết ấm áp tinh khiết qua bàn tay và hơi thở sẽ biết rằng chúng ta cần thiên nhiên như thế nào…!

Từ khi lọt lòng, với tiếng khóc chào đời đầu tiên, được ầu ơ trong vòng tay của mẹ, đó là lúc bắt đầu chúng ta đã hiện hữu giữa cuộc đời. Sinh ra chúng ta chính là cha mẹ, nhưng sự tồn tại cho sự sống thì chúng ta còn vay mượn nhiều yếu tố và nhân duyên bên ngoài. Theo Đức Phật, thân Ngũ uẩn là một tổ hợp gồm nhiều thành phần, trong đó Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) là một thành phần quan trọng để cấu tạo nên thân vật lý của chúng ta.

Các tế bào, mô cơ, xương…thuộc về Địa đại.

Dòng máu, mồ hôi…thuộc về thủy đại.

Hơi thở, sự vận động di chuyển thuộc về phong đại.

Thân nhiệt thuộc về hỏa đại.

Tất cả chúng đều là vô thường, sanh diệt, không có nhân tố nào là trường tồn bất biến, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Và điều đáng nói ở đây là, để duy trì thân Tứ đại này chúng ta cần phải nhờ đến Tứ đại bên ngoài, đó chính là nguồn thực phẩm (địa đại), nguồn nước sinh hoạt (thủy đại), môi trường không khí (phong đại), bầu khí quyển và mặt trời (hỏa đại). Như thế cuộc sống chúng ta có quan hệ mật thiết không thể tách rời với môi trường chung quanh. Bảo vệ thiên nhiên cũng có nghĩa là bảo vệ chính mình vậy.

Thiên nhiên vẫn tồn tại và vận hành trong giáo lý Duyên sinh mà Đức Phật đã tuyên thuyết. Mỗi con người chúng ta là một trong nhiều nhân tố để tạo nên quần thể thiên nhiên đa dạng ấy.

Trong thời kỳ sơ khai, khi văn minh vật chất chưa phát triển, con người chưa có nhiều tác động mang tính chất tiêu cực đến thiên nhiên thì cuộc sống chúng ta có ít bất cập khó khăn trong việc chống chọi với thiên tai. Ngày nay chúng ta thấy, thiên tai xảy ra vô cùng khốc liệt, sức tàn phá của chúng lại càng mạnh hơn. Động đất, sóng thần, lũ lụt đã cướp đi vô số sinh mạng, của cải và tài sản con người chúng ta. Nhưng từ đó, chúng ta phải có nhận thức đúng đắn để bảo vệ thiên nhiên, ngăn chặn được những thảm họa về sau.

Con người vì sự sống, sinh hoạt, vận hành xã hội, phát triển kinh tế đã có những tác động không nhỏ đến thiên nhiên. Chất thải, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, tầng ozon bị thủng toàn là vấn đề thời sự mà mỗi con người, mỗi cộng đồng cần phải đối diện và giải quyết. Mặc dù con người đã cố gắng trong việc cải thiện thiên nhiên nhưng nó vẫn còn đó những khó khăn, trắc trở.

Việc bây giờ cần làm là, mỗi chúng ta cần thay đổi quan niệm sống để hướng chúng ta đi theo con đường chơn chánh nhằm cải thiện thiên nhiên, tìm ra phúc lợi vật chất và tinh thần cho xã hội.

Theo Phật giáo, tất cả mọi vấn đề đều xuất phát từ con người, và mọi khó khăn đều giả quyết từ chữ “Tâm”. Chúng ta là Chánh báo, sự vật hiện tượng bên ngoài là Y báo. Y báo là do Chánh báo sanh, “nhất thiết duy tâm tạo”. Nói cách khác, thiên nhiên chính là sản phẩm mà tâm niệm chúng ta tạo ra; giống như một người họa sĩ tùy theo cảm xúc ý tưởng của mình mà tạo ra những bức tranh khác nhau. Do đó, mọi việc xảy ra trong cuộc đời này chính chúng ta phải chịu trách nhiệm.

Phật giáo hiện diện giữa cuộc đời nhằm mang lại hạnh phúc an lạc cho nhân loại. Bằng trí tuệ sáng ngời, Đức Phật đã cho chúng ta nhận chân được chân lý cao tột để áp dụng trên con đường tu tập giải thoát và trong cuộc sống thường nhật thêm ý nghĩa. Suốt cuộc đời Ngài, từ khi sinh ra, thành đạo, nhập diệt ở dưới gốc cây, Đức Phật đã cho chúng ta thấy, Ngài là một người luôn luôn gần gũi và hòa nhập với thiên nhiên đến nhường nào; và từ đó, trong nền giáo lý vô tận của Ngài, chúng ta nhận ra được một phương pháp cải thiện thiên nhiên môi trường sống tốt đẹp cho con người. Bát Chánh Đạo là một trong những phương pháp ấy.

Chánh kiến cho chúng ta nhận chân được thiên nhiên luôn gắn bó mật thiết với con người, thiên nhiên đáng trân quý và cần được bảo vệ.

Chánh tư duy: Chúng ta ý thức rằng, mỗi người là một tác nhân tạo ra sự thay đổi trong thiên nhiên. Do vậy, mỗi người đều có trách nhiệm bằng cách, nâng cao ý thức chung trong mỗi người và cộng đồng, tuyên truyền và cảnh báo những thay đổi mang tính chất tiêu cực cho cuộc sống từ sự phản hồi của thiên nhiên.

Chánh ngữ: Để tạo ra sắc thái yêu thương hiểu biết được biểu hiện qua ngôn ngữ chúng ta cần trau dồi chánh ngữ. Mọi cá nhân cộng đồng cần phải ngồi lại trên bàn tròn của sự sống để bàn thảo kế hoạch lâu dài trong việc bảo vệ thiên nhiên. Ai ai cũng có sự quan tâm vấn đề cấp thiết hiện nay như chiến tranh, bom nguyên tử, chất độc da cam có thể phá hoại môi trường sự sống. Do đó, khi chúng ta bất đồng về ý thức trách nhiệm và không có tiếng nói chung trong việc bảo vệ môi trường thì khó khăn vẫn còn tồn động và mọi kế hoạch nằm trên bàn giấy.

Chánh nghiệp: Mỗi người cố gắng hoàn thành trách nhiệm mà xã hội đã giao phó. Cần hoạt động kinh doanh buôn bán trong khuôn khổ của pháp luật cho phép. Hãy nhớ rằng chặt phá rừng, làm ô nhiễm nguồn nước, xả chất thải độc hại vào môi trường là một tội ác. Do vậy, chung ta cần có những việc làm mang tính chất cải thiện thiên nhiên như trồng cây xanh, khai thác các tài nguyên theo chiều hướng có lợi.

Chánh mạng: Với một xã hội có đa dạng các ngành nghề khác nhau,  thì việc mỗi người tự tìm cho mình một nghề nghiệp chơn chánh là vô cùng cần thiết. Và do đó, việc không buôn bán chất độc hại, chất nổ, vũ khí, ma túy, cũng như không tuyên truyền các văn hóa độc hại đó cũng là một cách bảo vệ thiên nhiên theo con đường chánh mạng.

Chánh tinh tấn: Chúng ta luôn nổ lực tạo ra những điều kiện để thiên nhiên phát triển. Chúng ta đã có những ý tưởng để chế tạo ra cổ máy sản xuất thì chúng ta cũng có thể tạo ra những hệ thống gạn lọc chất thải mà nó gây ra. Cho nên, đầu tư con người trong vấn đề phát triển công nghệ xử lý chất thải, công nghệ chạy bằng năng lượng sạch là một việc làm cụ thể để cải thiện môi trường.

Chánh niệm: Con người và thiên nhiên đều tồn tại bình đẳng trong sự tương quan tương duyên với nhau. Bằng chánh niệm, bắt đầu từ việc để ý, quan tâm đến các biến động của tâm thức, hành động, chúng ta sẽ xóa bỏ những sai lầm do tham- sân- si tập khởi tác hại đến bản thân, xã hội và thiên nhiên. Từ đó, việc xác định được vấn đề tồn tại thiên nhiên luôn nằm trong ý ý thức trách nhiệm của từng cá nhân và cả cộng đồng.

Chánh định: Nhờ cái nhìn sáng suốt và biết sống trong hoàn cảnh cho phép, chúng ta sẽ không làm tổn thương môi trường đến mức độ không thể cứu vãn. Nếu thấy các hiện tượng hỗn loạn, rắc rối, có nguy cơ tác hại đến môi trường xung quanh, chúng ta cần nghiêm chỉnh tìm ra nguyên nhân và có cách giải quyết phù hợp.

Bằng những ý tưởng trên, thiết nghĩ, để phát huy tinh thần Bát Chánh Đạo, chúng ta cần áp dụng việc thực hiện tám con đường chơn chánh này vào trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của từng cá nhân. Để từ đó, giáo lý này có thể phát triển thành phương pháp khả thi của cả cộng đồng trong việc bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp này.“Lý thuyết chỉ là con thuyền, thực hành mới thực sự đưa chúng ta sang sông.”

Nguồn tin: Quang Kính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây