Đố kỵ.

Thứ tư - 08/12/2010 20:37
Gần nhà tôi có ngôi chùa cổ. Chùa nhỏ, dân nghèo nên chỉ có một sư trụ trì mà thôi. Nghe nói trước đây sư tu ở một ngôi chùa to nhất, nhì nước, tiếng tăm, đức độ của sư lan tỏa thập phương, nhưng rồi không rõ nguyên do gì mà sư được điều về trụ trì ngôi chùa hẻo lánh ở làng tôi.

Tôi không ăn chay niệm Phật, nhưng thỉnh thoảng có chuyện vui, chuyện buồn tôi vẫn thường ra hưởng ly nước vối nhà chùa và đàm đạo chuyện đời với sư…

Có lần tôi hỏi sư: “Đang ở chùa lớn, ở nơi đô hội nườm nượp người vào ra, giờ về trụ trì chùa vắng này, sư có buồn không?”. “Có! - giọng sư vẫn đều đều - nhưng mọi sự ở đời, đừng ngồi mà nhâm nhi nỗi buồn, vì càng buồn thì nỗi buồn lại càng lớn hơn, vạn vật đều thay đổi từng giây, từng sát-na một.

Điều quan trọng là mình làm được điều gì có ích nhất trong điều kiện hiện tại”. Buồn thế sao sư lại về đây? Đáp: Vì sự đố kỵ, nhưng không phải để tránh sự đố kỵ! Chẳng lẽ nhà chùa cũng có sự đố kỵ sao? Giọng sư vẫn điềm nhiên: Không ở đâu là không có sự đố kỵ. Nhiều người đi tu nhưng Phật có cho gọi hết họ đến bên mình đâu!

Hôm đó, câu chuyện của chúng tôi miên man về sự đố kỵ. Và nhà sư như là người đã dẫn dắt cho tôi vượt thoát được khỏi sự đố kỵ của chính mình và của người khác dành cho mình…

Chẳng ai thích mình bị người khác đố kỵ, nói xấu cả. Vì vậy, khi bị người khác đố kỵ, nói xấu thì phản ứng đầu tiên là trách cứ, giận dữ. Người nhuần tính thì không thèm nhìn “cái mặt không chơi được” của kẻ đố kỵ.

Người nóng tính, nông nổi có khi còn vác nắm đấm đi, làm cho ra ngô ra khoai. Cả người nhuần tính và nóng tính sau đó thường đi than thở, thanh minh với người này người khác. Lời xấu đã nói ra như vệt dầu loang trên biển, càng cố vớt, sóng càng đánh tản ra, càng loang. Kết cục là tự mình làm mình hao tâm tổn lực, mua thêm sự bực bội vào lòng, vò đầu bứt tai ấm ức, suốt ngày chỉ đi than thở và có thể nói xấu lại người đã nói xấu mình.

Nếu sự việc cứ tiến triển như thế, thường xuyên sống mà phải để ý như thế thì khổ lắm, chẳng còn làm được việc gì mà nhan sắc ngày càng héo hon ủ dột, tài năng ngày càng sa sút vì không còn bụng dạ nào để mà chú tâm sáng tạo và chú tâm chăm bản thân.

Trong đời người chắc ít có ai không một vài lần bị người khác đố kỵ, ganh ghét, nói xấu nhưng không phải ai khi bị đố kỵ, ganh ghét… cũng đều mặt ủ, mày chau, sa sút tài năng, nhan sắc tàn tạ. Có người càng bị đố kỵ họ càng thăng tiến, càng chứng tỏ bản lĩnh và tài năng của mình. Những người như thế thường là người có bản lĩnh, hiểu đời, hiểu người và nhất là hiểu mình. Người đó biết mình đang ở một tư thế mà người khác phải ghen tỵ, đố kỵ.

Điều đó có thể làm cho họ buồn, nhưng cũng có nghĩa là họ càng vững vàng tin vào vị thế của mình. Chỉ có những người có vị thế mới hay bị đố kỵ. Khi bị đố kỵ, họ có dịp để xem lại mình và để phấn đấu. Họ như không để ý đến những điều tiếng xung quanh mà miệt mài sáng tạo, miệt mài đi đến cái đích mà họ đã chọn.

Càng bị đố kỵ, họ càng phấn đấu để chứng tỏ tài năng và vị thế của mình. Khi đã chứng minh được cho một lớp người biết thực tài của mình, tất yếu sẽ sinh ra một lớp người đố kỵ mới, lớp người đố kỵ tầm cao hơn và họ lại tiếp tục phấn đấu và chứng minh. Họ là người được lợi từ những lời đố kỵ.

Còn người đi đố kỵ là những người luôn có tâm địa hẹp hòi, thiển cận, không tự biết mình biết người, không chịu phấn đấu, suốt ngày đâm bị thóc, chọc bị gạo, bới móc những chuyện đâu đâu, chính lại là những người luôn luôn tụt hậu. Khi đi đố kỵ với người khác là chứng tỏ mình bắt đầu, hay đã cảm thấy thua người khác. Mà càng tụt hậu, càng thấp kém lại càng hay đố kỵ.

Nguồn tin: QĐND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây