Tầm quan trọng của việc chào hỏi người khác
Con trai của chị họ tôi học ở một trường trung học cơ sở, nhưng không bao giờ buồn chảo hỏi bất kỳ ai. Khi cậu bé đi cắm trại hè, mẹ cậu nói với tôi: “Người cố vấn trại hè dường như không mấy gần gũi với con chị”.
Tôi hỏi lại chị ấy: “Phải chăng vì cu cậu không biết cách tiếp cận người cố vấn?” Chị họ tôi suy nghĩ về điều này và đã hiểu ra vấn đề. Khi chúng tôi gặp lại, thật ngạc nhiên là cậu bé đã vui vẻ chào hỏi tôi và nói chuyện rất tự nhiên.
Người ngoài thường sẽ không trực tiếp nói với bạn rằng con bạn thật thô lỗ. Khi còn nhỏ, tôi từng có cách xử sự không được tốt, nhưng mẹ đã thay đổi thói quen xấu đó cho tôi. Bà dạy tôi mỉm cười và chào hỏi tất cả mọi người mà tôi gặp, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Người Nhật nổi tiếng trong việc dạy trẻ lễ nghĩa. (Ảnh: tantannews.com)
Cách cư xử tốt chính là chìa khóa
Trong một buổi tụ họp, một trong những người bạn của tôi nói: “Con mình chẳng bao giờ biết cảm ơn người khác, nhưng thành tích học tập của nó khá tốt, nên mình cũng không mấy bận tâm kiểm soát thằng bé”. Người cha rộng lượng này đã không hiểu rằng, cách cư xử không nhất thiết đi liền với trí thông minh.
Trên thực tế, cách cư xử tốt là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Thế giới này hẳn sẽ không chào đón những người có lối xử sự không đúng mực. Ví như, thật khó để bước vào một căn phòng hội nghị mà không có cách ứng xử phù hợp, ngay cả khi bạn có trình độ chuyên môn và kỹ năng giỏi đến đâu.
Không có cách ứng xử tốt, sẽ gặp trở ngại
Lớp dạy tiếng Anh của tôi có một nữ sinh. Chúng tôi sống cùng một tòa nhà và tôi thường gặp cô bé trong thang máy, nhưng cô bé chưa bao giờ chủ động chào hỏi tôi.
Một lần, sau kỳ thi cuối cùng, tôi gặp gia đình học sinh này bên ngoài phòng thi. Mẹ cô bé hỏi tôi về điểm số của con gái mình. Như thường lệ, cô bé vẫn không hề quan tâm đến tôi khi chúng tôi gặp mặt. Tôi tự nghĩ, việc một đứa trẻ ít nhất phải biết chào hỏi khi gặp giáo viên là rất quan trọng. Ngay cả khi đứa trẻ đó đạt được điểm số trong trường cao đến đâu, nhưng nếu không có cách cư xử đúng mực, chúng sẽ phải gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Tôi có một người bạn làm giáo viên âm nhạc. Cô từng kể với tôi về ngày cô bị rớt khi xin vào thực tập tại một trường tư ở thành phố Chu Hải. Kỹ năng hát và chơi đàn piano của cô ấy là tốt nhất trong số các ứng viên, nhưng cô lại không được chọn. Lúc ấy, cô bạn tôi cảm thấy không công bằng chút nào cho đến khi ai đó nói với cô: “Trường không tuyển cô, không phải vì cô không có tài, mà là vì thái độ cư xử của cô chưa tốt”.
Sau này, cô ấy thành lập một trường mẫu giáo ở Chu Hải. Khi nghĩ đến vụ việc năm xưa, cô vẫn tự trách mình:
“Lúc đó tôi còn trẻ và rất phù phiếm, ích kỷ; Tôi không bao giờ biết công nhận người khác, tôi làm những việc riêng và nghĩ với tài năng của mình, tôi chẳng cần phải nhờ vả đến ai hết. Giờ đây, tôi đã hiểu rằng khi bạn phớt lờ thế giới, thế giới cũng sẽ phớt lờ lại bạn”.
Để một người biết cách đối nhân xử thế, cần phải được giáo dục cho đến khi trở thành thói quen. Học cách cư xử đúng mực sẽ giúp con bạn biết tôn trọng và chú ý đến cảm xúc của người khác. Nhờ đó, con bạn cũng sẽ đạt được sự tự tin từ việc hiểu biết những điều đúng đắn nên làm.
Nguồn tin: Tinhhoa.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự