Trong Lương Hoàng Sám có đoạn "Nếu có tâm cầu an vui mà không làm việc gây nhân an vui thì không thể có kết quả an vui. Lý và sự phải đi đôi với nhau. Người hết lương thực mà chỉ mơ tưởng cao lương mỹ vị, tưởng suông như vậy nào có ích gì cho sự đói khát, cần phải làm thế nào cho có cao lương mỹ vị thật sự mới được. Vậy muốn cầu có quả tốt đẹp nhiệm mầu quyết phải lý và sự đồng hành, không thể thiếu một".
Nếu chúng ta không hiểu được như thế, thì việc chúng ta đang gọi là cầu an giải hạn hôm nay đây, chỉ dừng lại ở hình thức mà không hề có một diệu dụng thực tế nào.
Theo tinh thần Kinh Dược Sư, chúng ta trỗi nhạc cúng dường đức Phật chính là nhắc nhở bản thân hãy biến đời sống của mình thành một bản nhạc, mà ở đó, là sự hoà hợp của những nốt nhạc thanh cao, của nét đẹp trong cách cư xử chan hoà.
Hơn nữa, mình lại thắp lên ngọn đèn của tuệ giác, của sự hiểu biết "đúng như thật", dẫu không mang hình tướng "lớn như bánh xe", nhưng đó là ánh đèn soi rọi tự tâm, có khả năng đẩy lùi vô minh tăm tối, giúp chúng ta "gạn ròng phiền não", hướng đến nẻo thiện.
Rồi lại treo thần phan năm sắc, rực rỡ những đức tính: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín cần thiết của một con người. Chính những đức tính này, khiến cho chúng ta không bị thấp hèn, và có khả năng tự đem bình an đến cho bản thân, mà không cần dựa dẫm bất kì một thế lực tác động nào khác từ bên ngoài.
Nhờ nước sạch trong, tinh khiết dâng lên, hoà cùng dòng chảy của những tâm tưởng, đạo đức cao đẹp đó, chúng ta được nhuần đượm sự mát mẻ trong tâm hồn.
Như thế, ngay hiện tại, mình có bình an. Và khi mình bình an, hạnh phúc chắc chắn có mặt. "Có bình an là có hạnh phúc". Khi bản thân chúng ta an rồi, thì không cần cầu bình an, bình an vẫn tự đến, không cần cầu tiêu tai giải hạn, tai hạn vẫn tự lui. Đó mới thực sự là mật nghĩa thực sự của việc chúng ta làm hôm nay.