Người khéo tu Phật sẽ được bình an hạnh phúc

Thứ năm - 29/07/2021 15:04
Tu để được hạnh phúc trong đời này và tiếp những đời sau. Đó là chúng ta khôn ngoan thấy xa, làm được lợi ích cho mình, cho người. Còn tu mà chẳng biết ra sao ở ngày mai thì không phải là người sáng suốt.
Người Phật tử khéo tu hay Tăng Ni khéo tu Phật sẽ được bình an và hạnh phúc qua sự gìn giữ giới luật của Phật dạy
Người Phật tử khéo tu hay Tăng Ni khéo tu Phật sẽ được bình an và hạnh phúc qua sự gìn giữ giới luật của Phật dạy

Đề tài chúng tôi nói chuyện hôm nay là Người khéo tu Phật sẽ được bình an hạnh phúc. Với đề tài này chúng tôi chia ra làm hai phần: Một, người Phật tử khéo tu hay Tăng Ni khéo tu Phật sẽ được bình an và hạnh phúc qua sự gìn giữ giới luật của Phật dạy. Hai, chúng ta tu Phật được bình an và hạnh phúc qua trí tuệ Phật chỉ dạy.

Trước hết tôi nói về phần giới luật. Các Phật tử khi qui y Tam Bảo rồi đều nguyện giữ năm giới, tức là năm điều răn cấm của đức Phật. Vì đức Phật thấy tường tận những nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người, nên Ngài chỉ bảo các hàng đệ tử phát tâm tu theo, để tránh quả đau khổ do mỗi người vô tình hay cố ý tạo nên. Vì vậy Ngài có năm điều răn cấm.

Người ta hay đặt vấn đề: Tại sao đạo Phật là đạo giác ngộ, đạo tự do mà phải giữ giới luật? Đã giữ giới luật tức là có sự ràng buộc. Như vậy là mất tự do rồi. Thật sự không phải thế, mà chính nhờ giữ giới luật nên chúng ta mới được tự do.

Tôi thí dụ, Phật tử khi ra đường, nhất là các cháu thanh niên cỡi xe Honda, nếu không giữ luật lệ thì sẽ tông vào nhau rồi chết chùm phải không? Như vậy, muốn tránh tai nạn giao thông người đi đường phải biết giữ luật đi đường. Nhờ thế mọi người mới không tông vào nhau, không làm khổ cho nhau. Ngược lại, nếu không có luật lệ thì chúng ta sẽ gây ra tai họa làm khổ cho mình, cho người. Như vậy giữ luật đi đường là bó buộc hay tôn trọng tự do? Nếu cho đó là bó buộc không muốn giữ thì người đi đường xảy ra tai nạn nhiều, nên điều này chúng ta cần phải chiêm nghiệm lại.

Cũng vậy, người tu Phật nếu không có giới luật thì sẽ buông lung phóng túng và dẫn đến những việc làm trái đạo lý, tu hành không tới đâu. Phật vì lòng từ bi muốn cho hàng đệ tử từ tại gia cho đến xuất gia, ai ai cũng có một khuôn khổ, một lối đi đúng đắn, không bị giẫm đạp lên nhau, không bị đụng chạm lẫn nhau, vì vậy Ngài chế ra giới luật.

Giới luật là nền tảng của đạo đức, giới luật cũng là con đường đưa tới sự an lạc giải thoát, nếu không có giới luật thì khó mong được giải thoát. Chúng ta đều biết năm giới là giới luật đầu tiên của hàng Phật tử tại gia:

1. Không được sát sanh.

2. Không được trộm cướp.

3. Không được tà dâm.

4. Không được nói dối.

5. Không được uống rượu mạnh, không hút á phiện, xì ke, ma túy, các chất say nghiện…

Nếu người Phật tử phạm giới sát sanh, sát sanh đây là giết người thì kẻ ấy có được bình an không? - Nhất định là không. Mà không bình an thì cuộc đời cũng không có hạnh phúc. Do đó muốn đời tu của chúng ta được bình an thì phải giữ giới không sát sanh. Giữ giới như thế không những bản thân chúng ta được bình an mà mọi người chung quanh cũng được bình an. Ngược lại cứ sát phạt nhau thì cuộc sống sẽ hỗn độn, tang tóc. Do đó vì sự bình an và hạnh phúc của gia đình mình và mọi người nên chúng ta giữ giới không sát sanh. Đó là giới thứ nhất.

Giới thứ hai, không được trộm cướp. Một người khi đã ăn trộm, ăn cướp của kẻ khác thì người đó có bình an không? Dĩ nhiên là không. Họ phải nghĩ, phải lo, phải sợ vì ngày nào đó họ sẽ bị phát giác, rồi phải bị tù … Trong lòng người đó lúc nào cũng bất an. Mà đã bất an thì không có hạnh phúc. Người ta cứ ngỡ rằng làm có nhiều tiền, nhiều của là hạnh phúc, nhưng mấy tên ăn trộm, ăn cướp được nhiều tiền nhiều của có hạnh phúc không? Hay cứ trốn chui trốn nhủi, rày đây mai đó, lẩn tránh công an, cảnh sát. Như vậy làm sao bình an, làm sao hạnh phúc được. Cho nên nếu người Phật tử phạm giới trộm cướp rồi thì sẽ bất an, không có hạnh phúc. Như vậy giữ giới không trộm cướp là bảo vệ đời mình được bình an và hạnh phúc. Đó là giới thứ hai.

1
Giới luật là nền tảng của đạo đức, giới luật cũng là con đường đưa tới sự an lạc giải thoát, nếu không có giới luật thì khó mong được giải thoát.

Giới thứ ba, không được tà dâm. Nghĩa là người Phật tử sau khi có gia đình, có chồng vợ rồi, không được ngoại tình với kẻ khác. Nếu ngoại tình với kẻ khác là phạm tội tà dâm. Quí Phật tử hoặc là chồng hoặc là vợ đã qui y giữ năm giới mà còn ngoại tình với kẻ khác thì gia đình có an ổn không? Hay đó là nguyên nhân dẫn đến gia đình tan nát. Đã làm cho gia đình tan nát thì bản thân người phạm giới bất an và cả gia đình cũng bất an theo. Đó là một nỗi khổ lớn.

Như vậy người Phật tử giữ gìn giới không tà dâm thì gia đình bình an, hạnh phúc. Do đó chúng ta thấy giữ giới không tà dâm là bảo vệ hạnh phúc cho gia đình chớ không phải chuyện thường. Nếu xét kỹ, ngày nay giữ giới không tà dâm còn tránh được tai họa của căn bệnh Sida nữa. Sở dĩ con người bệnh tật khổ đau là cũng tại lôi thôi mới sanh chuyện như vậy. Rõ ràng nhờ giữ giới mà chúng ta có được sự bình an chân thật và gia đình cũng được hạnh phúc an vui.

Giới thứ tư là giới không nói dối. Nói dối ở đây tôi chỉ hạn cuộc trong ba nguyên nhân:

1. Vì tham nên nói dối để lừa đảo, gạt gẫm người mưu lợi cho mình, gây hại cho người.

2. Vì lòng nóng giận, nói để người bực tức.

3. Vì hiểm độc nên nói dối để vu oan, cho người phạm luật này, tội kia…

Kẻ dối gạt như vậy trong lòng có bình an không? Chúng ta dối gạt thì sớm chầy gì người cũng biết sự gian dối của mình. Tuy là dối gạt được, lấy của người đem về cho mình nhưng trong lòng chúng ta luôn bất an. Đã bất an thì làm sao có hạnh phúc.

Vì thế người tu phải giữ không nói dối để khỏi phải ray rứt trong lòng, tâm được bình an. Tâm được bình an thì mới vui tươi hạnh phúc. Nên những người điêu ngoa, xảo trá lừa bịp thiên hạ, tuy thấy như giàu sang, tiền của nhiều nhưng không yên ổn, bởi vì chưa biết ngày nào họ sẽ vô khám. Đó là tai họa đối với người lường gạt của cải.

Người hay nói dối còn có thêm một tai họa này nữa. Khi kẻ gian dối nói không thật, lần đầu người ta tin nhưng sau đó người ta biết mình nói dối thì những lần sau không ai tin nữa cả. Đến khi chúng ta có nói thật người ta vẫn không tin. Như vậy chúng ta đã đánh mất lòng tin của người. Đã mất lòng tin của mọi người thì cuộc sống của chúng ta bị lạc lõng như người đi trong sa mạc. Bởi vì ta nói không ai tin hết, thành ra không ai thông cảm với ta. Cho nên nói dối là tạo sự bất an ở lòng mình và mọi người. Từ đó người xa lánh mình và mình trở thành cô độc. Đó là tai họa từ lời nói dối mà ra. Thế nên, Phật tử chúng ta giữ giới không nói dối là để bảo vệ tâm hồn của mình được bình an, cuộc sống được yên ổn, vui tươi hạnh phúc, chớ đâu phải ràng buộc.

Giới thứ năm, không được uống rượu. Bởi vì người uống rượu say thì không còn thông minh, trí tuệ mờ tối, giống như người điên. Chúng ta thấy những kẻ uống rượu say đi ra đường bị mấy đứa trẻ trêu cười. Vì họ không còn tư cách của một người lớn sáng suốt, nói bậy nói bạ, đi không vững, làm trò hề cho trẻ con thì còn giá trị gì của một con người nữa.

Hơn nữa, khi đã say sưa rồi thì điều không nên nói lại nói, điều không nên làm lại làm, mất hết tư cách một con người. Kẻ ấy khi hết say được bạn bè nhắc lại hành động, ngôn ngữ sái quấy trước thì trong lòng bất an, hối hận. Đó là nói trường hợp nhỏ, chưa xảy ra chuyện gì lớn mà đã bị lương tâm cắn rứt rồi.

Thời nay lại có những người thích làm ông tiên con, hút á phiện để được dạo chơi trong cảnh phiêu diêu hư ảo. Khi có tiền hút thì thảnh thơi, lúc hết tiền thì khổ sở, vất vưởng. Việc làm đó vừa tạo khổ cho mình, tạo khổ cho gia đình và tạo khổ cho xã hội nữa. Ai đã rơi vào con đường xì ke, ma túy rồi thì họ sống trong nỗi bất an lớn. Chẳng những bất an mà còn tiều tụy, chết lần chết mòn nữa.

Như vậy người Phật tử phát nguyện giữ giới không uống rượu mạnh, không uống say, không hút á phiện, xì ke, ma túy, chính là tự bảo vệ cho mình được bình an, cho gia đình được hạnh phúc.

Năm giới tôi vừa kể qua là giới của Phật tử tại gia. Phật vì thương xót chúng ta, muốn đệ tử của Ngài được bình an, hạnh phúc nên chế giới, chớ không chế giới để chúng ta bị hạn cuộc trong khuôn khổ và mất tự do. Thế nên Phật tử phải hiểu rõ giữ giới là để được an lành thảnh thơi. Đó là mục đích chánh của Phật.

Do đó giữ năm giới là bước đầu để Phật tử tiến lên. Thêm một bước nữa, người Phật tử khi đã giữ năm giới trong sạch rồi, muốn tiến lên thì phải giữ thêm mười giới, tức là Thập thiện. Thập thiện là mười điều lành, giúp người Phật tử được an vui hơn, tự tại hơn trong đời này và đời sau. Mười điều lành đó gồm:

Thân có ba điều:

1. Không sát sanh.

2. Không trộm cướp.

3. Không tà dâm.

Miệng có bốn điều:

1. Không nói dối.

2. Không nói hai lưỡi (có thể dùng từ bây giờ là không nói ly gián).

3. Không nói lời hung ác.

4. Không nói lời thêu dệt.

Ý có ba điều:

1. Bớt tham.

2. Bớt sân.

3. Bớt si (có chỗ nói bớt tà kiến).

Tôi nói bớt thôi chớ chưa sạch nổi.

Đó là mười giới của hàng cư sĩ. Sau khi tu năm giới thấy được bình an, hạnh phúc thì phải tu tiến lên Thập thiện, giữ mười giới. Các giới về thân, miệng, quí Phật tử đã tạm hiểu rồi. Ở đây tôi nói về ý: bớt tham, bớt sân, bớt si.

1
Trong nhà Phật luôn nhắc đến câu: “Người biết tu hành phải biết thiểu dục tri túc.”

Chúng ta thử kiểm lại xem, một người tham lam làm cái gì cũng muốn được lợi nhiều hơn thiên hạ. Như vậy lòng người đó có bình an không? Bởi muốn hơn, muốn nhiều nên phải tính toán nhiều. Mà tính toán nhiều thì lao lực bất an. Đó là cảnh thuận, nếu gặp nghịch duyên vì tham lợi nhiều nhưng bị thất bại thì càng bất an hơn. Đó là những người lương thiện, ham mê chuyện làm ăn. Còn kẻ tham lam gian lận thì đã hiện rõ cho chúng ta thấy qua mấy vụ án gần đây của các nhà Giám đốc ở thành phố đó. Làm Giám đốc, nhà lầu xe hơi bóng lộn nhưng rồi kết thúc bị ngồi tù, không biết vợ con sẽ ra sao! Như vậy, do lòng tham quá đáng nên đưa đến kết quả khổ cũng quá nhiều. Thế nên đệ tử Phật phải hạn chế bớt lòng tham.

Trong nhà Phật luôn nhắc đến câu: “Người biết tu hành phải biết thiểu dục tri túc.” Nghĩa là ít muốn và biết đủ. Trong kinh nói rõ: “Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng, vi du an lạc. Bất tri túc chi nhân, tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý.” Nghĩa là người biết tri túc dù nằm trên bãi cỏ cũng vẫn thấy vui vẻ. Còn người không biết tri túc dù được lên thiên đường ở với trời Đế Thích cũng vẫn không vừa ý.

Rõ ràng Phật dạy chúng ta sống thiểu dục tri túc, bởi vì chúng sanh ở thế gian luôn luôn bị thân năm ấm xúi giục đòi hỏi đủ thứ. Như cái lưỡi chúng ta cứ ăn rau muống luộc chấm nước tương hoài thì chán lắm, nên lâu lâu phải có đậu hũ mới được. Đó là trong chùa, còn quí Phật tử ở ngoài đời cứ ăn cá kho quẹt hoài, chịu không? Phải có cá chiên này nọ nữa. Như vậy khi cái lưỡi đòi hỏi, chúng ta chiều nó thì được cái này nó đòi cái khác, cứ đòi thêm hoài không cùng.

Theo Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây