Trong đời tìm được tri kỷ đích thực chính là điều hạnh phúc nhất

Chủ nhật - 23/05/2021 18:24
Con người do có hoạt động giao tiếp xã hội nên luôn có nhu cầu chia sẻ để đạt đến thông hiểu lẫn nhau. Không chỉ đơn thuần là việc trao đổi thông tin, đó còn là chia sẻ lớn lao về tinh thần. Do vậy, người ta mới mong tri âm tri kỷ.
Trong đời tìm được tri kỷ đích thực chính là điều hạnh phúc nhất

Có nhiều người than rằng nhịp sống hiện đại quá gấp gáp khiến cho họ không thể tìm được người hiểu mình. Có người thì bảo đời nay đừng mong tìm được tri âm tri kỷ, cái đó đã thuộc về dĩ vãng.

Vậy thì nhân đó chúng ta hãy cùng tìm hiểu tri kỷ là gì? Có dễ tìm được tri kỷ hay không? Và tìm ở đâu?

Còn tri âm? Tri âm là hiểu được âm nhạc của mình. Tri âm hay đi cùng tri kỷ vì từ đồng cảm với nhau qua tiếng đàn tiếng sáo, câu hò điệu hát mà dẫn đến hiểu nhau sâu sắc.

Tri kỷ khó tìm, hồng nhan tri kỷ còn khó tìm hơn nữa

Còn khó tìm hơn cả tri kỷ, đó là hồng nhan tri kỷ, đó chính là người khác giới mà tri kỷ với mình. Người với người gặp nhau là duyên phận, nhưng đâu phải ai cũng hiểu được lòng mình. Dẫu vậy, người tri kỷ cùng giới cũng vẫn dễ tìm hơn người tri kỷ khác giới, vì “đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”. Đàn ông và phụ nữ quá khác biệt nhau từ tâm sinh lý cho nên quan niệm cuộc sống khác biệt. Có những điều đàn ông cho là quan trọng thì phụ nữ lại coi là ít quan trọng và ngược lại. Thế nên, tìm được hồng nhan tri kỷ càng khó hơn.

Thế mà, có một người đã tìm được hồng nhan tri kỷ, đó là anh chàng Tiểu Ất Yến Thanh. Mặc cho hoàng đế Tống Huy Tông săn đón chiều chuộng, Lý Sư Sư vẫn chỉ yêu Tiểu Ất Yến Thanh, vì cao hơn cả tình yêu nam nữ, với nàng, Yến Thanh chính là một người tri kỷ. Họ đến với nhau vì sự giao cảm về âm nhạc và tâm hồn hơn là vì sắc dục. Lý Sư Sư thì có ngón đàn điêu luyện, Tiểu Ất Yến Thanh thì là chàng trai tài hoa rất giỏi về sáo trúc. Tiếng sáo tiếng đàn họ hòa hợp nhau thì chính là tâm hồn họ hòa hợp nhau vậy. Đó là một ví dụ về hồng nhan tri kỷ.

Vàng kia vạn lạng còn dễ kiếm, tri kỷ một người thật khó thay

Người tri kỷ có nhiều khi chẳng cần nói, chỉ cần trao nhau một ánh nhìn, là cũng có thể hiểu nhau nghĩ gì rồi, thấy nhau suy tư là biết đối phương nghĩ về điều gì rồi. Vậy là tri kỷ.

Muốn trở thành tri kỷ, thì trước hết phải hiểu nhau. Hiểu nhau rồi, còn cần phải có sự đồng cảm, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nghĩa là tôi thích những gì bạn thích, tôi hiểu những gì bạn hiểu, nên tôi biết bạn nghĩ gì vì tôi cũng nghĩ như vậy. Nó rất là tự nhiên.

Muốn hiểu nhau, thì cần phải lắng nghe. Muốn lắng nghe, thì tâm phải đủ tĩnh. Kiên nhẫn nghe nhau nói cho đến hết, rồi suy ngẫm, đặt mình vào vị trí người nói. Rồi mới phản hồi. Tiếc thay, có lúc chưa nói xong đã cãi xong rồi. Khi nghe thì lơ đãng, tâm trí phù động với cả ngàn ý nghĩ, ngàn ham muốn của riêng mình, lại luôn cho mình là đúng, thì hiểu làm sao được nhau nói gì. Tri kỷ không dễ.

Muốn hiểu nhau, thì tâm tĩnh nhưng trí cũng cần sáng. Nếu không chịu suy nghĩ thì không bao giờ có thể hiểu được nhau. Lối sống gấp, sống vội cũng làm người ta xa nhau, khó mà hiểu được nhau. Tâm tình người ta để cả vào câu nói, câu văn đấy, hãy đọc đi mà cảm nhận. Thế may ra mới hiểu được nhau. Nhưng cũng không dễ trong thời đại mà “lướt” mạng xã hội là xu hướng chủ đạo.

Hiểu nhau rồi, cũng phải chia sẻ, đồng cảm được với nhau thì mới gọi là tri kỷ. Có điều xã hội ngày xưa khác. Ngày xưa ai đi học hay làm gì cũng được dạy phải tĩnh tâm, chuyên tâm. Cả xã hội sống trong trạng thái như thế. Đời sống có lẽ cũng đơn giản hơn, tư tưởng thuần khiết hơn, chỉ có tam giáo Thích Nho Lão giữ vai trò dẫn dắt tinh thần con người. Nhịp sống cũng chậm, không gấp gáp vội vã và nhiều ham muốn như bây giờ. Trong bầu không khí tĩnh tại ấy, có lẽ dễ tìm được sự đồng cảm hơn.

Còn bây giờ thì thông tin bùng nổ, ai cũng có thể phát ngôn. Ai cũng có điều tâm đắc với lời của ai đó, lấy đó làm kim chỉ nam cho đời sống của mình. Giới lao động đơn giản có hình mẫu của mình, giới trí thức cũng có điều tâm đắc của riêng mình. Trong núi thông tin khổng lồ ấy, cũng khó mà tìm được nhau để đồng cảm, chia sẻ.

Những người mà có được tri kỷ thực sự thật đáng cảm phục. Vì họ có sự tĩnh tại, họ có sự hiểu biết, họ có tâm tính tốt và họ có sự may mắn. Không may mắn làm sao được khi mà họ tìm được nhau trong cơ hội một phần triệu ấy. May mắn nhưng không phải ngẫu nhiên, vì người với người đến với nhau là duyên phận.

Người ta tìm tri kỷ là để được sống trong niềm hạnh phúc tinh thần, có người hiểu mình, chia sẻ đồng cảm với mình, biết giá trị của mình, công nhận mình, thậm chí có thể hy sinh về nhau. Ước mơ ấy quá đỗi chính đáng nhưng con người ta sống trong xã hội hiện đại, phương tiện giao tiếp quá tiện nghi nhanh chóng nhưng hóa ra về suy nghĩ lại càng cách xa nhau. Thế nên, chữ “tri kỷ” thật là xa xôi.

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Người đi bỏ dở chung trà nguội
Mới biết tri âm chẳng dễ là.
Quen biết đầy thiên hạ
Tri kỷ được mấy người
Trời đất mênh mông ai tri kỷ
Biết đâu có được duyên may
Gặp người tri kỷ nơi này thì sao.
Đời ta mong gặp người tri kỷ
Để rót rượu nồng sưởi ánh trăng.
Trần gian lỡ đọa thì không tiếc
Chỉ tiếc trên đời thiếu tri âm.
Trần đời tri kỉ có mấy ai
Một thoáng tâm sự hiểu nhớ hoài
Đời sau nếu phải chờ tri kỷ
Đâu ngại tóc xanh hóa bạc đầu.
Chuyện không hợp ý cười thêm ngượng
Đời vắng tri âm sướng cũng thừa.
Chén trà nhấm nháp tình tri kỷ
Trăm ước hẹn một lời
Dẫu cho biển cạn non dời chẳng quên
Sống cả đời không gặp tri kỉ.
Chết ôm hận chỉ có mình ta.
Trong hồi kết ta gặp được tri kỉ
Có duyên kiếp sau lại tri âm
Nước vô tình ngàn năm trôi mãi
Mây vô tình bay mãi ngàn năm
Trăng vô tình nô đùa với gió
Người vô tình chẳng hiểu lòng ta…

Theo Trithuc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây