Con người sống cả đời, gặp rất nhiều người, nhưng chỉ có một vài người là tri kỷ. Rất nhiều bạn bè, thường ngày cười cười nói nói, xưng anh xưng em, nhưng khi gặp chuyện thì mỗi người một nơi, thờ ơ khoanh tay đứng nhìn, lúc đó chỉ biết thở dài sao lòng người thật dễ đổi thay.
Một mối quan hệ tốt, chỉ khi biết nhìn ra điểm tốt đẹp của nhau, thấu hiểu nỗi thống khổ của nhau, thì mới bền vững trường tồn.
1. Tán thưởng điểm tốt, thấu hiểu nỗi khổ của đối phương
Tô Thức từng dùng thơ ca để luận chuyện chính trị, đắc tội với giới quyền quý đương triều, mấy lần bị giáng chức, tâm trạng rất buồn bã. Ngày nọ Tô Thức sau khi bãi triều trở về nhà, sau bữa ăn ông ôm bụng bước chậm rãi, hỏi đám thê thiếp: “Các nàng nói xem, trong bụng ta chứa thứ gì?”
Một người thiếp đáp: “Đều là văn chương”, Tô Thức không cho là như vậy. Một người thiếp khác nói: “Chứa đầy kiến thức”, Tô Thức vẫn không vừa ý. Chỉ có một câu nói của Triều Vân: “Học sĩ ôm trong bụng toàn những thứ không hợp thời”, là nói đúng tâm tư của Tô Thức, khiến ông bật cười sảng khoái.
Triều Vân hiểu nỗi khổ sở của Tô Thức nhất, cũng vì thấu hiểu, nên khi đám thê thiếp đều lần lượt bỏ đi, Triều Vân trong suốt 23 năm chưa từng rời bỏ, chưa từng oán trách hay hối hận, từ đầu đến cuối đều ở bên cạnh Tô Thức.
Tô Thức để tưởng nhớ Triều Vân, trên mộ đã xây dựng Lục Như đình,trên cột đình có hai câu đối: “Chẳng hợp thời, duy nàng Triều Vân hiểu ta; Một mình gẩy điệu nhạc xưa, mỗi lúc gió mưa bội nhớ nàng”
2. Một mối quan hệ hoà hợp nghĩa là thấu hiểu chỗ khó khăn của nhau
Lão Tử nói: “Kẻ biết người là kẻ khôn”. Người có thể hiểu được chỗ khó khăn của người khác, đồng thời kịp thời ra tay cứu giúp chính là người đại trí tuệ.
Nhà sử học nổi tiếng Cố Hiệt Cương có một thời gian kinh tế lâm vào cảnh bí bách, mỗi tháng tiền lương trợ giảng lúc đầu chỉ có 50 Nhân dân tệ, một nách một vợ hai con.
Hồ Thích biết thời gian này Cố Hiệt Cương khốn đốn, nên mỗi tháng lấy từ tiền riêng của mình 30 Nhân dân tệ, giúp ông vượt qua cửa ải khó khăn.
Vì Hồ Thích kịp thời ra tay cứu giúp, nên Cố Hiệt Cương có thể chuyên tâm nghiên cứu lịch sử, đem lại cống hiến to lớn cho sự phát triển của ngành lịch sử địa lý Trung Quốc.
Về sau khi Hồ Thích gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ ở đại lục, Cố Hiệt Cương không màng đến nguy hiểm về mặt chính trị, trong cuốn tự truyện của mình đã ghi lại câu chuyện cũ trên, để nhớ đến sự giúp đỡ và tình nghĩa của Hồ Thích đối với ông, âm thầm ủng hộ Hồ Thích vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thêu hoa lên gấm thì dễ, đưa than trong tuyết mới khó, thời điểm then chốt đưa tay ra cứu giúp, vừa giúp mình mà lại vừa giúp người.
3. Vì thấu hiểu, nên mới từ bi
Con người ở chung với nhau, vấn đề dễ gặp phải nhất đó là, có thói quen yêu thương người khác theo cách của mình. Tự cho rằng mình làm tất cả mọi thứ đều hoàn mỹ với đối phương, nhưng đối phương lại thờ ơ thậm chí là căm ghét, gốc rễ của vấn đề chính là không thấu hiểu, chứ không phải là không yêu.
Có một đôi vợ chồng ngư dân, hai người yêu thương thắm thiết, cả đời chưa từng xảy ra tranh chấp hay cãi vã.
Người vợ rất hiền từ, hàng ngày chọn một con cá to và tươi nhất trong số cá người chồng mang về, chặt bỏ đầu đuôi, vô cùng tỉ mỉ nấu phần khúc giữa, hôm thì làm món kho, hôm thì làm canh…
Nấu xong bày biện lên đĩa cho chồng ăn, còn mình thì ở trong bếp nấu qua loa phần đầu và đuôi cá, ăn cho xong bữa.
Mấy chục năm trôi qua, một hôm, trong bóng hoàng hôn chạng vạng người chồng thở dài, nói với vợ: “Cả đời này tôi chưa từng yêu cầu bà điều gì, nếu giờ không nói sợ rằng không còn cơ hội nữa. Khi nào bà mới có thể nấu cho tôi món đầu cá? Cả đời này tôi chỉ thích ăn đầu cá thôi”.
Người vợ nghe xong, nước mắt giàn giụa: “Từ khi còn là một cô gái, tôi luôn cho rằng thịt cá là ngon nhất. Vì yêu ông, tôi đều nhường phần thịt cho ông ăn, còn phần đầu thì tôi ăn”.
Hiểu lầm lớn nhất trên thế giới này không phải là không yêu, mà là yêu theo cách của riêng mình. “Sự thấu hiểu” chính là sự khuyết thiếu lớn nhất trên thế gian này, nó còn quý giá hơn cả tình yêu.
Vì vậy, trong dòng đời vô tận, sẽ gặp được mấy người có thể hiểu được bạn, cho dù là gặp được, thì liệu có mấy người thực sự muốn thấu hiểu bạn. Người như vậy, nếu như gặp, thì chỉ cần một người là đủ.
Sự thấu hiểu thực sự, không phải là cầu cạnh, cũng không phải là chèo kéo, càng không phải là ép buộc, mà là chân thành thấu hiểu một cách tự nhiên. Sự thấu hiểu đó, có thể vượt qua tháng năm, vượt qua công danh lợi lộc, thậm chí là vượt qua nắng gió mưa sa.
Vì thấu hiểu, nên sẽ lựa chọn cách mà bạn dễ tiếp nhận nhất để yêu bạn; vì thấu hiểu, nên có thể dùng cách khôn khéo nhất để xử lý mọi chuyện, dùng cách thỏa đáng nhất để bảo vệ những người mình yêu quý; vì thấu hiểu, nên sẽ từ bi.
Theo SOH