Vì sao cần phải tiết kiệm tiền bạc?

Thứ năm - 05/11/2020 15:22
Giá trị của đồng tiền trong cuộc sống của không còn là điều phải bàn cãi. Bạn muốn có một cuộc sống tốt, thì phải biết kiếm ra tiền và tiết kiệm tiền.
Vì sao cần phải tiết kiệm tiền bạc?

Bạn sẽ hiểu giá trị của tiền khi... thiếu tiền

Người dẫn chương trình gạo cội của Trung Quốc Đậu Văn Đào từng chia sẻ trải nghiệm của chính mình: Khi còn trẻ, anh không bao giờ dẫn các chương trình thương mại, quảng cáo, vì cho rằng đồng tiền kiếm được từ việc đi quảng cáo đó là "đáng xấu hổ với đạo đức nghề nghiệp". MC cho rằng chỉ cần kiếm đủ chi dùng là được. Tuy nhiên, đồng lương công chức của anh vì thế cũng rất hạn chế.

Một lần, mẹ anh đổ bệnh nặng, được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Chi phí viện phí mỗi ngày một lớn. Lần đầu tiên trong đời, vị MC mới nhận ra một điều rằng khi mình không có đồng tiền tiết kiệm trong tay, thật khó sống biết bao nhiêu, nhất là những lúc nguy nan.

Trong thực tế, khi những thay đổi lớn đột ngột xảy ra, hoặc những vấn đề cấp bách đến gõ cửa, mỗi người sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc có một khoản tiền tiết kiệm. Đối với một người nào đó, ở một thời điểm nào đó, tiền có thể không quan trọng. Nhưng khi bạn cần đến tiền mà không có, bạn mới hiểu là đồng tiền cần thiết đến mức nào.

Khả năng tiết kiệm tiền thể hiện mức độ tự kỷ luật

Báo Nhật Bản từng đưa tin về một trường hợp nổi tiếng của một cô gái có tên là Saki. Từ năm 18 tuổi, khi kiếm được bất cứ khoản tiền nào, Saki đều ghi lại rõ ràng, rồi phân chia tỷ lệ chi dùng cho ăn uống, quần áo, nhà cửa... và "bỏ ống". Nhờ khả năng tiết kiệm của mình, cô mua được căn nhà đầu tiên vào năm 27 tuổi. Tới tuổi 33, cô gái là chủ của ba căn nhà. Hiện tại, cô kiếm được 300.000 yên từ việc cho thuê nhà mỗi tháng. Ngoài ra, cô sử dụng một trong những ngôi nhà làm quán cafe mèo, nhằm hiện thực hóa giấc mơ giúp đỡ những chú mèo hoang có nơi sống an toàn.

Saki cho biết, hiện tại, khi bạn bè đồng trang lứa đều vẫn đang bận rộn đi làm, cô đã "về hưu sớm" để có một cuộc sống với những chú mèo mình yêu quý. Để thực hiện được kế hoạch của mình, Saki luôn chi tiêu tiết kiệm, tính toán kỹ trước mọi khoản chi tiêu.

Trường hợp của Saki không phải là ví dụ hoàn hảo về việc tiết kiệm, mà là việc tiết kiệm tiền để biến những giấc mơ của mình thành hiện thực.

Nhiều người cho rằng có tiền để tiêu mới là hạnh phúc, tiêu tiền mới là yêu bản thân. Tuy nhiên, nếu việc chi tiêu trở nên không hợp lý, khiến bạn dù kiếm được nhiều mà cuối tháng vẫn lâm vào cảnh kẹt tiền, nợ nần thẻ tín dụng, thì đó hoàn toàn không phải là một cuộc sống hạnh phúc.

Khi bạn có tiền tiết kiệm và chủ động với cuộc sống của mình, bạn có thể chủ động chia tay với công việc nếu không còn hứng thú. Khi có tiền tiết kiệm, bạn có quyền lựa chọn nhiều hơn: chọn nơi mình sống và cách sống mà bản thân muốn. Bên cạnh giá trị vật chất, khi bạn có tiền tiết kiệm, bạn có "chiếc phao cứu sinh" cho mình. Tiền tiết kiệm cũng là thứ giúp bạn bảo vệ phẩm giá, sự tự tin và tự do nói "không" bất cứ lúc nào.

Đừng đánh giá thấp những người tiết kiệm tiền

Những người có lối sống tiết kiệm, giản dị thường bị nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm, thậm chí coi thường rằng họ keo kiệt, không biết hưởng thụ mà chỉ bo bo giữ của. Nhưng thực tế, người biết tiết kiệm là người có tầm nhìn xa. Họ hiểu rõ quy tắc "thủ trung hữu lương, tâm trung bất hoảng" (trong tay có lương thực rồi thì trong tâm không phải lo lắng). Những người này luôn sống có kế hoạch, sẵn sàng chống chọi lại với rủi ro. Bên cạnh đó, người tiết kiệm cũng là người có trách nhiệm với bản thân lẫn những người xung quanh, họ có thể giúp đỡ người thân trong gia đình, hoặc tự lo cho bản thân mà không khiến người khác phải khổ sở vì mình.

Người biết tiết kiệm là người biết những gì nên mua và những gì không nên mua, họ có thể trì hoãn sự thỏa mãn của mình, kiềm chế ham muốn của mình, đồng thời có khả năng tự chủ và chịu đựng.

Làm thế nào để tiết kiệm tiền?

Theo các chuyên gia, có ba mẹo quan trọng để tiết kiệm tiền:

Phân chia tiền thành các phần nhỏ, sử dụng chúng theo đúng kế hoạch

Khi nhận tiền hàng tháng, trước tiên hãy chia tiền thành 4 phần tùy theo nhu cầu cá nhân: tiêu dùng cơ bản hàng ngày, chi tiêu linh hoạt, tiết kiệm cố định hàng tháng và đầu tư.

Tiêu dùng cơ bản hàng ngày bao gồm chi tiêu cho thực phẩm, quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại, là chi tiêu cơ bản nhất mỗi tháng.

Chi tiêu linh hoạt là khoản chi cho giao lưu, giải trí và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hai phần còn lại là để tiết kiệm và đầu tư.

Áp dụng sự tự kỷ luật trong chi tiêu

Bạn cần phải viết ra danh sách chi tiêu hàng tháng của mình và kiểm soát xem bản thân có tự phá vỡ kế hoạch đó hay không, sau đó, từng bước nắn chỉnh để việc chi tiêu đi vào đúng quỹ đạo. Đồng thời, bạn cũng nên lập ra mục tiêu cụ thể cho mình và kiên trì thực hiện việc đó, thay vì viết rồi bỏ đấy. Ví dụ, nếu việc ăn hàng đắt đỏ thì bạn có thể tự nấu ăn. Nếu mua quần áo quá tốn kém thì bạn nên chọn loại giá phù hợp hơn. Nếu tự lái xe đi làm tốn kém, bạn có thể đi xe bus...

Tìm kênh đầu tư đồng tiền bản thân có

Tùy theo tình hình thực tế của bản thân, bạn có thể lựa chọn phương pháp đầu tư và quản lý tài chính phù hợp với bản thân để tăng thu nhập. Ngoài ra, bạn cần Không ngừng học hỏi và rèn luyện, đừng chạy theo xu hướng một cách mù quáng và đừng "bỏ trứng vào cùng một giỏ".

Thùy Linh (Theo Aboluowang)

 

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây