Tôi nhớ mãi hình ảnh nhỏ nhỏ của chú xách tay nải theo thầy với vẻ mặt hình như là lo lắng và hơi sợ. Sau buổi chiều hai thầy ngồi nói chuyện, khi theo sư phụ tiễn thầy Đình Tổ ra cổng, chú chắp tay chào thầy rồi hướng mắt nhìn theo xe đi một đoạn vẻ như muốn gọi với theo nhưng lại không dám. Thầy đi rồi, chú quay lại bước theo sư phụ vào trong, không nói lời nào…
Khi chú mới về, sư phụ bận làm nhiều Phật sự nên không thường xuyên ở chùa. Sư phụ bảo tôi sang chùa làm bạn với chú Tiểu. Tôi nghe lời sư phụ, cũng thương chú Tiểu nhỏ ở chùa một mình nên mỗi khi rảnh là tôi lại sang chùa nói chuyện, chấp tác việc chùa cùng chú khi sư phụ vắng nhà.
Dần dần tôi trở thành “bạn thân” của một chú Tiểu. Vì hơn tuổi nên chú gọi tôi bằng anh, nhưng theo khuôn phép tôi vẫn phải gọi chú bằng chú và xưng là con.
Ngày thường thi thoảng khi tiện cuộc nói chuyện, sư phụ cũng kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa sư phụ làm Tiểu. Tôi cũng biết được chút ít về cuộc sống của “những thiên thần quét lá”. Nhưng phải mãi tới tận bây giờ, khi trở thành bạn tâm giao của chú, tôi mới hiểu hết được những tâm tư, nỗi niềm sâu kín khó ai hiểu của đời làm Tiểu. Chắc có lẽ ngày trước sư phụ không kể cho tôi nghe vì sợ người tại gia như tôi không hiểu.
Trải qua thời gian dài hành điệu, bao nhiêu nỗi niềm buồn vui nơi chú, tôi đều biết cả. Chú hay buồn, thời gian đầu còn khóc nữa, nhưng bị tôi chê nhiều quá nên chú không khóc nữa. Chú hay nhớ bạn bè hồi còn ở nhà. Chú đang ở vào độ tuổi ham chơi nên nhiều khi sư phụ giao việc mà quên không làm. Có hôm sư phụ về bất chợt, đi từ cổng vào thấy chú đang đùa chơi cùng đám trẻ ở sân chùa, sư phụ phạt chú quỳ hương cả buổi.
Lại có bữa sư phụ dậy sớm lên tụng kinh buổi sáng. Sư phụ dậy trước chú, kêu chú dậy rồi theo sư phụ lên tụng kinh. Chú dậy rồi, sư phụ cũng lên đại hùng bảo điện tụng kinh, tưởng chú lên luôn theo đằng sau. Tới khi sư phụ tụng xong xuống vẫn còn thấy chú đang nằm ngủ ngon lành. Thế là hôm ấy chú được một trận đòn. Lần ấy, nghe sư phụ kể lại, tôi thấy thương chú, mà lại thấy buồn cười về chú Tiểu của sư phụ. Tôi hỏi, chú nói: “Em buồn ngủ quá không dậy nổi”, rồi chú cười…
Mỗi khi chú bị thầy quở phạt, chú lại thường hay ngồi nhớ mẹ. Mẹ chú mất sớm, chú hay kể cho tôi nghe về mẹ chú. Có bữa chú bị thầy rầy la, bỏ cơm không ăn, chú ngồi một mình bên bàn học và làm thơ rồi gục đầu ngủ quên trên bàn, chú làm thơ về mẹ.
- Chắc Thầy chẳng thương em hay sao ấy! Chú Tiểu vẻ mặt ngây ngô, buồn buồn buông câu ấy.
Tôi thương lắm!
Chú nói rằng biết mình là người xuất gia không được nhớ tới tình thân quyến ở nhà nữa, không được để tâm phiền não, hơn nữa càng không được kể những chuyện này cho người khác nghe, vì như thế gọi là “thối tu”, nhưng tôi… thì chú kể. Chú coi tôi như anh, hay “rủ” tôi đi tu và nói là “sẽ cho tôi làm sư huynh”, mặc dù chú là người đi trước.
Những nỗi lòng của chú Tiểu, có lúc tôi cũng nói cho sư phụ nghe. Sư phụ cười, có lẽ vì sư phụ cũng từng làm Tiểu nên sư phụ hiểu hết. Sư phụ nhấp chén trà và ngâm câu thơ cho tôi nghe: “Há chẳng một phen sương lạnh buốt/ Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”. Tôi nghe xong câu thơ sư phụ đọc, tự nhiên thấy… ít thương chú Tiểu hơn. Vì tôi biết rằng chú đang đi trên con đường tìm tới sự an lạc, giải thoát, chú cần phải vượt qua những chướng duyên trên con đường giải thoát của mình.
“Sư phụ có lý do của sư phụ, rồi có ngày chú sẽ hiểu”. Tôi hay nói với chú Tiểu như vậy. Và tôi thấy lòng mình không còn nặng trĩu mỗi khi nghe chú tâm sự nữa…
Càng ngày chú Tiểu nhỏ càng quen với nếp sống ở chùa, cũng ít bị sư phụ rầy la hơn, và chú cũng không còn hay buồn nữa. Tôi cũng không có nhiều thời gian sang chùa thăm sư phụ và chơi với chú như ngày trước nữa. Nhưng mỗi khi tôi qua chùa, dù bây giờ chú đã cạo tóc và lên bậc sư bác, nhưng chú vẫn thường kể chuyện với tôi./
Nguồn tin: Chính Tâm
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự