Không đội gạo vẫn lên chùa, một đại ca giang hồ về nương náu trong vòng tay ông tự

Thứ sáu - 15/06/2012 14:05
Là một “đại gia” ăn chơi khét tiếng đất Hải Phòng, sau nhiều năm tù tội, nghiện ngập, cuối cùng gã bị ném trở lại quê mẹ. Rồi cũng chính nơi quê hương nghèo nàn, giản dị đó có một ông tự đầy lòng nhân ái đã đưa bàn tay ra đón lấy, cải hóa, dạy dỗ, gả con gái, giúp gã làm lại cuộc đời. Người được dân làng tôn vinh là “Phật sống” đó là ông Nguyễn Trung Kiên, giữ chùa Đông Linh, thôn Phú Hào (xã Nam Thái, Nam Trực, Nam Định).

Sa lầy trong tội lỗi 

“Đại gia” khét tiếng ăn chơi cộm cán, tiêu tiền như nước có tên Nguyễn Thế Dũng, sinh năm 1969. Mẹ Dũng vốn quê ở xã Nam Thái, huyện Nam Trực, ra Hải Phòng làm ăn, xây dựng gia đình và sinh ra các anh em Dũng tại đó. Khi mới vào học cấp II, Dũng đã nổi tiếng là học sinh cá biệt, hỗn láo và đến giữa năm lớp 9, gã bỏ đi bụi đời với đám thanh niên lêu lổng. Dũng đi khắp nơi, sống kiểu “màn trời chiếu đất” và là mối lo của gia đình. Mãi đến năm 1985, khi Dũng có giấy gọi nhập ngũ, gia đình đã thở phào. Xuất ngũ, vẫn “ngựa quen đường cũ”, gã không thể nào chí thú làm ăn, thường tụ tập, quậy phá, chích hút, coi nhà mình như nhà trọ. 

Khoảng năm 1988, khi phong trào kinh doanh sắt thép ở đất cảng trở nên phổ biến, sôi động, nhiều đại gia làm ăn phát đạt nổi lên thì mấy anh em của Dũng là Nguyễn Đức Hiền, Nguyễn Văn Hùng cũng trúng lớn và kiếm được vô khối tiền lãi. Sau vài chuyến có lãi, dựa vào những mối quan hệ, sự liều lĩnh cá nhân, Dũng tìm được đường dây đưa thẳng hàng từ Hải Phòng sang Trung Quốc. Có tiền, anh em Dũng sống xa hoa, rượu chè, mua sắm, chích hút ma túy… chẳng thiếu thứ gì. 

Sau nhiều vụ kết bè kết phái đánh lẫn nhau, Dũng đã khẳng định “số má” của mình ở đất cảng, cùng với các em lập lãnh địa riêng và sẵn sàng tẩn bất cứ ai mà họ cho là ngứa mắt. Biệt danh Dũng “Hồng Bàng” ngày đó trở thành một nỗi kinh hoàng cho dân đàn anh, đàn chị ở khu vực này. Thật chẳng may, anh em Dũng lún quá sâu vào nghiện hút nên công việc làm ăn sa sút, mối làm ăn ở Trung Quốc cũng sập. Dũng cố buôn vài chuyến với ý định gỡ lại để làm ăn lớn nhưng bị cơ quan chức năng phát hiện. Gã đổ bể, trắng tay. 

Khoảng giữa năm 1990, tiền hết, bạn vơi, Dũng kinh doanh hóa đơn khống, bị phát giác và bị bắt. Từ đó gã liên tục vào tù và không thể nhớ mình đã vào tù vì tội gì. “Tôi chỉ mang máng nhớ, lúc thì vào tù vì chích hút, lúc khác vì trấn lột, hoặc khi thì đánh nhau, hoặc buôn ma túy. Thời gian đó, tôi như con ngựa chạy mãi chẳng biết mỏi chân. Tôi và các em sống dặt dẹo trong khói thuốc, u mê…”, Dũng cho biết. 

Quá uất ức, Nguyễn Văn Hùng, em trai Dũng quyết định cùng anh đã làm một cuộc “vũ trang” để lấy lại cái uy giang hồ nhưng việc không thành. Hùng, Dũng phải trả giá cho những ngày tháng lao tù đằng đẵng. Cũng thời gian đó, các băng nhóm giang hồ ở đất cảng bị công an đánh tơi tả. Ở trong tù, Dũng được tin em trai mình là Nguyễn Đức Hiền chết vì ma túy, nên thấy ớn lạnh trong người. Mãn hạn tù, Dũng, Hùng trở về quê hương, coi đây là bến đáp cuối cùng. Lúc đó, Dũng chỉ nghĩ một điều rằng về quê quậy phá nốt những ngày tháng cuối cùng, rồi thấy không sống nổi thì tìm đường chết. 

Trước đây, anh em Dũng thi thoảng về quê, cưỡi trên những chiếc xe máy mà cả tỉnh không ai có, ở Hải Phòng cũng chỉ có vài chiếc nên đám thanh niên ở Nam Thái rất thèm thuồng. Nay họ lết bết trở về trong sự tiều tụy, đúng là bi kịch cuộc đời. Thế nhưng, cả hai không hối cải, lại tiếp tục quậy phá quê hương. Cả hai đều xăm trổ đầy mình, hễ nhìn ai thấy nóng mắt là vác dao đuổi chém, khiến cả vùng quê nhớn nhác, lo sợ.

Quá mệt mỏi với sự ngang tàng của anh em Dũng, họ hàng thân thích dần xa lánh, bỏ mặc. Lúc đó, bởi nghiện ma túy quá nặng, Dũng tiều tụy, mụn nhọn nổi khắp người. Nghĩ mình chẳng sống được bao lâu, Dũng càng tuyệt vọng, càng phá phách hơn. Đầu năm 2003, Hùng qua đời, chỉ còn mình Dũng cô đơn trong đau đớn. 

Vòng tay nhân ái 

Ông Nguyễn Trung Kiên lúc đó đang giữ chùa Đông Linh, thôn Phú Hào. Tận mắt thấy Dũng gây gổ, tận mắt thấy Dũng hủy hoại đời mình, ông cảm thấy đau xót, thương cảm. Nhất là thời gian đó, người dân trong vùng sợ không dám tiếp xúc với những kẻ nghiện ngập, độc ác nên họ càng muốn xa lánh Dũng. Ông Kiên giọng trầm ấm, nói: “Tôi đã gặp anh em Dũng khi còn giàu có về quê, cũng hay biết những hành động của họ ở nơi họ làm ăn buôn bán và phạm pháp. Rồi cũng tận mắt thấy họ bị ném trả về miền quê này trong sự tiều tụy, như phế nhân. Khi thấy Dũng cô quạnh, không thể bấu víu được vào đâu nữa, thì tôi quyết định cứu cậu ấy.”


Dũng “Hồng Bàng” bên người cha nhân từ.

Cũng theo ông Kiên, trước đây ông có tiếp xúc với Dũng mấy lần, thấy gã liều lĩnh, ngổ ngáo nhưng tính thiện vẫn còn. Sau một lần say thuốc ở gần chùa, Dũng lân la tới cổng, ông Kiên đã gọi gã vào tâm sự. Ông biết Dũng có ý định quay lại Hải Phòng, quậy lần cuối rồi chết. Ông ngăn, Dũng nói: “Con có còn gì đâu bố, con đánh mất tất cả rồi, mất hết, chả còn gì. Giờ con chỉ muốn chết thôi. Chết đi cho đỡ nhục!”. Nói xong, Dũng ôm mặt khóc rưng rức.

Lúc đó, ông Kiên ngộ ra, Dũng đang tâm trạng và lúc này, gã rất yếu đuối. Gần Đức Phật, ông Kiên thấm câu “cứu một mạng người bằng xây bảy ngôi chùa” nên muốn ra tay cứu vớt. Đợi Dũng ngớt khóc, ông Kiên vỗ vai bảo: “Đừng quay trở lại đó nữa, cũng đừng tìm đến cái chết, cứ ở lại đây với bác, nơi cửa Phật, bác cai nghiện cho. Con sẽ tỉnh ngộ và trở lại làm người”. 

Dũng như khụy hẳn xuống, ôm lấy bàn tay ông Kiên rồi lại khóc. Sau buổi đó, Dũng nghe lời chuyển vào chùa ở cùng ông thủ chùa già. Việc đầu tiên ông  tự nghĩ là phải cai nghiện cho Dũng. Từ trước tới nay, ông chưa từng làm như vậy. Đọc qua sách báo, ông thấy nhiều người cai cả chục lần cũng vẫn bó tay. Để có thêm quyết tâm, ông Kiên nhận làm bố đỡ đầu cho Dũng. Hành động nghĩa hiệp đó của ông không tránh khỏi dị nghị, dân làng bàn ra tán vào. Ý ông đã quyết, không gì thay đổi được, đành giả điếc, giả câm để trốn tránh. Và những ngày tiếp theo của ông thật cơ cực, vì phải vật lộn với đứa con lên cơn nghiện. Hai bố con thỏa thuận, khi Dũng lên cơn nghiện thì ông Kiên lao vào ghì chặt con xuống giường. 

Nhưng lần nào cũng thế, trong cơn vật thuốc, Dũng chẳng khác gì một con thú hung hãn, đánh bố đến chảy máu. Đau đớn nhưng vì con, ông Kiên cắn răng chịu đựng. Rồi bằng tình thương, bằng lời nói và những bài giảng đạo đức nơi cửa Phật, ông Kiên đã dần làm cho máu nghiện ngập mấy chục năm trong người Dũng nguôi dần. 

Nghĩ lại chuyện đó, ông Kiên vui mừng tâm sự: “Bắt tay vào việc mới thấy đó là chuyện kinh hoàng. Dũng khỏe lắm, với sức lực của một cựu chiến binh như tôi chẳng ăn thua gì. Nhưng sự quyết tâm tiếp thêm cho tôi sức mạnh, trời phật ủng hộ nên giúp bố con tôi thành công. Có điều, để Dũng đoạn tuyệt hẳn với giới giang hồ thì cần một bước nữa, đó là có một gia đình, một người vợ để chăm sóc. Đó cũng là một việc khó. Cai nghiện thành công cho Dũng, người trong xã ai cũng cảm thông cho tôi, nhưng để gả con gái cho Dũng thì họ lắc đầu…”. 

“Bố đã cho tôi cuộc đời” 

Giữa lúc bí, ông Kiên chợt nhớ đến cô con gái út đang làm ở miền Nam. Ông liền gọi con gái Nguyễn Thị Hằng về. Con ông không xinh đẹp, nhưng nết na. Trong một bữa cơm thân mật, ông Kiên đã tỏ rõ ý định, nhưng Hằng là người cả quyết, thà ế chồng chứ không chịu lấy Dũng. Cuộc chinh phục, làm lay chuyển ý của cô con gái thật chẳng dễ dàng gì. 

Sau cùng, lòng nhân ái của một người cha, cũng là người đã cải hóa một kẻ bất cần, ngang ngược như Dũng khiến Hằng nghĩ lại. Cô cho rằng, nếu mình không đoái thương Dũng, bỏ rơi gã thì biết đâu gã quay lại đường cũ thì mắc tội lớn với bố. Cô đã gật đầu đồng ý. Một ngày lành tháng 2/2005 đám cưới đơn sơ, không phải đưa dâu được tổ chức ấm cúng.

Dũng được bố đỡ đầu, cũng là bố vợ cắt đất, chia ruộng, làm nhà. Thời gian đầu ngượng nghịu, nhưng sau đó được vợ huấn luyện làm ruộng, Dũng đã nhập cuộc với ruộng đồng và trở thành một người nông dân khá khéo tay, biết cấy, biết cày. 

Đại diện lãnh đạo xã Nam Thái cho biết, trước đây, anh em Dũng chỉ biết ăn trắng mặc trơn, hưởng thụ, không biết làm ruộng, nay làm người nông dân hiền như cục đất, đúng là điều đáng mừng của địa phương. 

Tôi hỏi, sau những ngày tháng tiêu tiền như rác, giờ làm nông dân, Dũng thấy thế nào? Gã nói trong xúc động: “Tôi đã từng đánh mất bản thân, may mắn gặp được bố, rồi bố tái sinh tôi, cho tôi cuộc đời. Tôi chẳng biết làm sao để trả hết công ơn bố đã cưu mang, cho tôi có gia đình, có tổ ấm như ngày hôm nay. Còn về làm nông dân, tôi thấy bình thường. Đó là nghề lương thiện, tôi chẳng nề hà gì, cũng chẳng thấy xấu hổ mà rất thanh thản”. 

Dũng đã có cậu con trai 5 tuổi, sống bên người vợ tần tảo hết mực yêu thương chồng con, gã thấy đó là hạnh phúc, đó là thiên đường và những ngày tháng sống kiếp giang hồ đã trôi xa vào quá vãng. Ngoài mấy sào ruộng bố cho, Dũng và vợ thuê thêm đất để tăng gia. Vào vụ, Dũng còn tranh thủ cày thuê, bơm nước hoặc phun thuốc thuê để có tiền trang trải cho tổ ấm. Đi đâu, gặp ai Dũng cũng cười hề hề, hà hà, lành như cục đất. Người dân ngày càng quý mến hơn, có việc lại “a-lô” gọi Dũng. 

Người trồng cây giờ đã được hái quả, ông Nguyễn Trung Kiên thấy thanh thản, mãn nguyện vì hai con hạnh phúc và hơn hết là ông đã cứu được một linh hồn. Việc làm của ông đã sinh ra một cuộc đời, sinh ra những nụ cười và làm nên một mái ấm.

Nguồn tin: Nguyễn Văn Học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây