Vào chùa trọ học, ngoài việc tiết kiệm tiền, số sinh viên này còn có không gian học tập yên tĩnh và môi trường sống tốt để rèn luyện bản thân.
Học tập, vui chơi lành mạnh
Chùa Nhân Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) từ lâu đã trở thành điểm hẹn cho nhiều sinh viên tỉnh lẻ lên Thủ đô học tập. Từ khi thành lập, chùa đã đón rất nhiều lứa sinh viên. Cứ lứa sinh viên này tốt nghiệp lại có một lứa khác xin vào chùa sống, thành ra trong chùa, ngoài sư trụ trì còn có rất nhiều sinh viên.
Chùa Nhân Mỹ
Bạn Trần Văn Phương (sinh viên năm 3, trường Cao đẳng Giao thông) đã sống ở chùa được nửa năm cho biết: “Trước Tết, mình vẫn ở cùng với thầy. Nghỉ Tết xong mình lên giúp thầy làm Rằm tháng Giêng rồi xin phép thầy đi thực tập luôn”. Lý do để Phương có được “suất” trọ học trên chùa này là bởi trước kia, một người anh họ của Phương đã từng có thời gian dài sống ở đây. Sau khi anh này chuyển ra ngoài thì giới thiệu Phương đến ở.
Trước khi chuyển vào ở hẳn, Phương cũng được thầy thăm hỏi về hoàn cảnh gia đình rồi mới thu nhận. Công việc của Phương mỗi sáng là quét dọn sân chùa, đun nước, trưa đi học về thì nấu cơm, thỉnh thoảng làm vườn, trồng rau để có nguồn thực phẩm xanh cho cuộc sống hàng ngày. Mọi sinh hoạt khác của Phương cùng nhóm sinh viên đang trọ cùng đều diễn ra ở tòa nhà 2 tầng vốn để dành cho khách thập phương mỗi mùa lễ hội.
Sinh viên trọ học làm vườn khi rãnh rỗi
Vào chùa trọ học, Phương cũng đã thông báo với gia đình và được cả nhà rất đồng tình. Phương nói: “Mọi người trong nhà mình đều bảo được vào chùa sống là quá tốt vì vừa đỡ được một khoản chi phí ăn, ở không nhỏ lại vừa có không gian tĩnh lặng, dễ tập trung học tập”.
So sánh với môi trường trọ học ở các xóm trọ bên ngoài, rõ ràng ở chùa không gian đỡ xô bồ, tất bật hẳn. Hơn nữa ở chùa, cứ tầm 7h30 - 8h tối là thầy trụ chì khóa cổng nên sinh viên chỉ có thể ở nhà học bài hoặc xem ti vi. Những hoạt động lành mạnh này khiến nguy cơ mắc phải các tệ nạn xã hội cũng giảm đi nhiều.
Phương chia sẻ thêm: “Vào ngày cuối tuần, chùa cũng mở lớp dạy chữ Hán và thư pháp cho sinh viên nên sinh viên trong chùa lại càng có điều kiện thuận lợi để tham gia vào các lớp học thú vị này”.
Tiết kiệm nhiều khoản chi
Nhiều sinh khác thì cho rằng cuộc sống ấm cúng ở chùa mang đến cho sinh viên sự thanh thản, sự tĩnh lặng rất cần thiết cho cuộc sống hối hả hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng trọ lại được lâu dài bởi việc học hành còn bị chi phối bởi rất nhiều lý do khách quan. Như bạn Trần Kim Ánh (sinh viên năm 2, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương), mặc dù hiểu hết những lợi ích từ không gian sống yên lành này song trọ ở chùa được 3 tháng thì Ánh bắt buộc phải xin ra ngoài. Lý do là bởi lịch học cả ngày dày đặc, địa điểm học lại xa chùa nên đi lại bất tiện, tốn quá nhiều thời gian. Chuyển ra ngoài, không còn được ăn, ở miễn phí như trước nên hiện giờ, mỗi tháng Ánh đều tiêu tốn khoảng 2 triệu để chi cho tiền phòng, tiền điện nước và hàng chục các khoản phí sinh hoạt không tên khác.
Thầy Thích Thanh Lương (trụ trì chùa Nhân Mỹ) cho biết nơi sống và sinh hoạt của các sinh viên trọ học ở chùa hiện nay vốn là khu nhà dành cho khách thập phương ở tạm khi chùa tổ chức giỗ tổ hoặc lễ hội. Những ngày bình thường, khu nhà đều bỏ không, rất lãng phí nên thầy Lương cho sinh viên vào ở. Sinh viên đến trọ học trong chùa, mọi sinh hoạt phí như ăn uống, ngủ nghỉ đều được nhà chùa miễn phí.
Ngày thường cũng có khá nhiều sinh viên tới chùa xin thầy cho vào ở nhưng thầy cũng giới hạn số lượng, cũng có sinh viên nữ tới xin nhưng vì lý do bất tiện trong sinh hoạt nên thầy từ chối. “Sinh viên thường mách nhau, khóa này ra trường thì lại giới thiệu cho anh em, bạn bè vào ở nên hầu như năm nào chùa cũng nhận thêm người. Vừa rồi, chùa cũng mới nhận thêm 2 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, là dân tộc Mường, quê ở Hòa Bình về ở”, thầy Lương chia sẻ.
Khá nhiều bạn trẻ trước kia từng trọ học ở chùa thường xuyên về chùa giúp đỡ sư thầy dọn dẹp vườn tược, sân chùa khi rảnh rỗi. Bạn Khanh (cựu sinh viên trường CĐ Du lịch) mặc dù đã chuyển ra trọ ở ngoài được 2 năm song khi có thời gian, Khanh vẫn lui tới giúp thầy cuốc đất trồng rau, chuẩn bị đồ đạc phục vụ cho những hôm rằm, mồng một. Khanh vui vẻ: “Không chỉ có mình mà còn khá nhiều bạn khác từng sống ở chùa cũng thường tới giúp việc thầy. Mỗi lần ghé thăm chùa cũng là lúc để tâm hồn chúng mình thảnh thơi trước những xô bồ của cuộc sống”.
Nguồn tin: Đinh Thùy
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự