Cùng thực tập Phật pháp để gia đình được hạnh phúc

Thứ bảy - 12/03/2016 20:23
Sự hòa thuận trong gia đình thì vô cùng quan trọng, và ly hôn thì gây ra đau khổ cho người lớn cũng như trẻ em. Nếu người lớn hiểu mục đích chính của hôn nhân chỉ là khoái lạc tình dục, thì mâu thuẫn và sự tan vỡ trong gia đình sẽ đến một cách dễ dàng.
Khi người ta không nhận được nhiều khoái lạc tình dục như họ muốn, sự bất mãn hình thành, theo sau đó là sự tranh cãi và hôn nhân đổ vỡ. Nhiều người tiếp tục có nhiều bạn tình, nhưng vẫn không tìm thấy được sự thỏa mãn. Đây là ví dụ rõ ràng về cách mà ở đó việc bám dính vào khoái lạc chỉ mang lại đau khổ cho bản thân và người khác.

Nếu cả hai bên đều lấy Phật pháp làm trung tâm trong mối quan hệ của họ, mối quan hệ này sẽ mang tới nhiều sự thỏa mãn hơn. Đó là, cả hai bên, đều xác định sống đạo đức và phát triển tình yêu thương của họ hướng tới tất cả chúng sinh một cách vô tư. Và họ sẽ hỗ trợ nhau thực tập và phát triển. Ví dụ, khi một người trở nên chán nản hoặc bắt đầu lơ là thực tập Phật pháp, người còn lại có thể giúp anh hoặc cô ấy trở lại lộ trình thông qua sự động viên nhẹ nhàng hoặc một cuộc thảo luận cởi mở. Nếu đôi vợ chồng có con cái, họ có thể sắp xếp cho nhau để có thời gian ngẫm nghĩ yên tĩnh cũng như thời gian dành cho con cái của họ.

Mặc dù nuôi dạy con cái cần nhiều thời gian, cha mẹ không nên xem điều này đối nghịch với việc thực tập Phật pháp. Họ có thể học nhiều từ con cái của mình và có thể giúp đỡ nhau làm việc thông qua những thách thức của các bậc cha mẹ dưới ánh sáng của các giá trị Phật giáo.

Ảnh hưởng bởi các xu hướng tâm lý hiện đại, nhiều người đã quy cho hầu hết các vấn đề của họ là do các trải nghiệm thời thơ ấu. Tuy nhiên, nếu điều này được nói đến với một thái độ đổ lỗi - “Tôi có các vấn đề này là do những gì cha mẹ tôi đã làm khi tôi còn là một đứa trẻ” - thì nó khiến họ cảm thấy mặc cảm tội lỗi và sợ rằng họ sẽ làm hư hỏng con cái của họ khi họ lập gia đình. Mối lo âu này chắc chắn là không có lợi ích gì cho việc nuôi dưỡng con cái phát triển lành mạnh - nuôi dưỡng lòng từ bi cho chính chúng ta. Nhìn tuổi thơ của chúng ta như thể nó là một căn bệnh phải chữa trị thì chỉ làm tổn hại chúng ta và con cái của chúng ta mà thôi.

Mặc dù chúng ta không thể bỏ qua ảnh hưởng có hại từ tuổi thơ, điều quan trọng là ta nên quan tâm đến lòng tốt và lợi ích mà chúng ta được thừa hưởng từ gia đình của mình. Bất kể chúng ta lớn lên trong hoàn cảnh thế nào, ta đều nhận được nhiều lòng tốt từ những người khác. Nhớ điều này, chúng ta khiến bản thân cảm thấy biết ơn mà nó xuất hiện một cách tự nhiên đối với những người đã giúp đỡ ta. Nếu làm được điều đó, chúng ta cũng có thể mang lòng tốt và sự quan tâm như vậy tới con cái của chúng ta.

* Tôi có con cái. Làm cách nào tôi có thể hành thiền hay tụng niệm vào buổi sáng khi trẻ cần tới sự chăm sóc của tôi?

- Một cách là dậy sớm hơn con cái bạn. Một ý kiến khác là rủ con cái hành thiền hoặc tụng niệm với bạn. Một lần nọ tôi ở với gia đình anh trai tôi. Cháu gái họ của tôi, khoảng sáu hoặc bảy tuổi vào thời điểm đó, đã vào phòng tôi bởi vì chúng tôi là hai người dậy đầu tiên vào buổi sáng. Khi tôi tụng niệm hay hành thiền, tôi giải thích cho cô bé rằng đây là thời gian tôi cần giữ tĩnh lặng và không muốn bị nhiễu loạn. Cô bé vẫn tiếp tục vào phòng và thỉnh thoảng vẽ. Những lần khác, cô bé ngồi trong lòng tôi. Nhiều lần cô bé yêu cầu tôi hát cho cháu nghe, và tôi tụng niệm và trì chú lớn tiếng. Cô bé thực sự thích điều này và không còn làm phiền tôi nữa.

Thật tốt cho con cái nếu thấy cha mẹ chúng ngồi yên lặng và điềm tĩnh. Điều này tạo cho trẻ ý nghĩ rằng chúng cũng có thể làm như thế. Nếu cha và mẹ luôn luôn bận rộn, lăng xăng, nói chuyện điện thoại, căng thẳng hay suy sụp trước TV, trẻ cũng có thể như vậy. Có phải đây là điều bạn muốn cho con cái của mình? Nếu bạn muốn trẻ học các thái độ hay hành vi đúng đắn, chính bạn phải tu bồi những điều đó. Nếu không thì trẻ sẽ học hỏi như thế nào? Nếu bạn quan tâm con cái của bạn, thì bạn cũng phải quan tâm chính mình như vậy và quan tâm sống một đời sống lành mạnh và cân bằng vì lợi ích của con cái cũng như của chính bạn.

Bạn cũng có thể dạy cho con bạn cách cúng dường Đức Phật và cách tụng niệm những kinh chú đơn giản. Một lần nọ, tôi ở với một người bạn và đứa con gái ba tuổi của cô ấy. Mỗi sáng khi chúng tôi thức dậy, chúng tôi đều đảnh lễ Phật ba lần. Sau đó, cô gái bé nhỏ dâng Đức Phật một phẩm vật - một ít bánh và trái cây - và Đức Phật cũng tặng cô một món quà là một cục kẹo hoặc bánh quy (tức là lấy phẩm vật cúng Phật ngày hôm trước cho lại cô bé). Điều này vô cùng tuyệt vời đối với trẻ con, bởi vì ở độ tuổi lên ba cô bé đã thiết lập mối quan hệ tốt với Đức Phật và cũng đồng thời học cách trở nên rộng rãi và chia sẻ đồ vật. Khi bạn của tôi lau nhà, làm việc vặt hay đi đâu đó với con gái của cô ấy, họ cùng nhau trì tụng kinh chú. Cô bé thích giai điệu của những câu thần chú. Điều này giúp cô bé vì bất cứ khi nào buồn hoặc hoảng sợ, cô bé biết rằng mình có thể trì chú để giữ bình tĩnh cho bản thân.

* Phật pháp có thể giúp trẻ em như thế nào? Chúng ta dạy trẻ Phật pháp bằng cách nào?

- Điều cốt lõi trong giáo pháp của Phật là tránh làm tổn hại người khác và giúp đỡ họ càng nhiều càng tốt. Đó là những giá trị mà những bậc cha mẹ dù là Phật tử hay không phải Phật tử muốn truyền đạt cho con cái vì nhờ đó chúng có thể sống hòa hợp với những người khác. Bởi vì trẻ em phần lớn học tập thông qua các hành động xung quanh, cách hiệu quả nhất cho cha mẹ dạy con cái những giá trị đúng đắn là chính họ phải sống với những giá trị đó. Dĩ nhiên, điều này thì không dễ dàng chút nào! Nhưng nếu cha mẹ cố gắng thực tập tốt, con cái của họ sẽ hưởng lợi ích trực tiếp từ sự gương mẫu của họ.

Lớn lên trong gia đình theo đạo Phật thì giúp ích cho trẻ em. Nếu một gia đình có phòng thờ, trẻ có thể lau dọn phòng và thực hành việc dâng cúng. Một người bạn và cô con gái ba tuổi lạy Phật ba lần mỗi buổi sáng. Sau đó đứa con sẽ dâng phẩm vật cúng dường lên Đức Phật - hoa quả hoặc bánh kẹo - và Đức Phật sẽ ban tặng lại cho đứa bé (thường là phẩm vật dâng cúng của ngày trước đó). Cô bé thích nghi thức này. Trẻ con thích âm nhạc, và giai điệu của các bài kinh chú, và những ca khúc Phật giáo có thể thay thế những câu hát ru và những vần điệu thông thường. Nhiều bậc cha mẹ tụng niệm chú cho con thơ của họ khi chúng buồn hoặc ngái ngủ, và nhứng đứa bé phản ứng tích cực với sự lúc lắc nhẹ nhàng. Ở gia đình khác mà tôi biết, đứa trẻ năm tuổi đã dẫn lễ khi họ dâng cúng thực phẩm trước khi ăn. Những điều này tuy đơn giản nhưng tuy nhiên là những phước cách sâu sắc để cha mẹ và con cái chia sẻ đời sống tâm linh với nhau.

Một vài gia đình Phật tử có thể tụ họp hàng tuần hoặc hàng tháng để thực tập cùng nhau. Thay vì đưa trẻ tới trường vào ngày Chủ nhật và để cho người khác dạy chúng, thực tập cùng nhau cung cấp cơ hội cho cha mẹ và con cái trải qua thời gian yên bình cùng nhau thoát khỏi các kế hoạch làm việc phiền toái của họ. Điều này cũng có thể giúp các gia đình Phật tử gặp gỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Các hoạt động cho trẻ em có thể bao gồm hát các ca khúc Phật giáo, tụng niệm, trì chú, học cách lễ Phật và dâng cúng lên điện thờ, và thực hiện một thời thiền quán niệm hơi thở ngắn. Các bậc cha mẹ và con cái ở tuổi đến trường có thể chơi trò sắm vai cùng nhau, tạo nên cảnh tượng mà ở đó tất cả các nhân vật nghĩ về hạnh phúc của chính họ quan trọng hơn hạnh phúc của người khác và sau đó đổi lại với một trong các nhân vật  nghĩ về hạnh phúc của những người khác. Những hoạt động như vậy dạy trẻ cách giải quyết vấn đề và cho chúng thấy được kết quả của những hành xử khác nhau. Các thành viên gia đình cũng có thể cùng nhau viếng thăm chùa chiền và những trung tâm Phật giáo trong cộng đồng.

Đọc sách Phật giáo dành cho trẻ em và xem những thước phim Phật giáo cùng các hoạt động khác, các bậc cha mẹ có thể chia sẻ cùng con cái của họ. Có một thước phim hoạt hình hay về cuộc đời Đức Phật và nhiều sách Phật pháp dành cho trẻ em. Những cuộc thảo luận thân mật với con cái có thể vừa đem lại sự vui vẻ vừa mang tính giáo dục, và cha mẹ có thể ngạc nhiên cách trẻ mở lòng với những khái niệm như tái sinh, nghiệp, và lòng yêu thương với động vật.

Nhiều bậc cha mẹ kêu ca, “Con của tôi không thể ngồi yên!”. Theo phán đoán của tôi là do những đứa trẻ này hiếm khi thấy cha mẹ chúng ngồi yên tĩnh như họ nói. Khi trẻ thấy người lớn ngồi một cách yên bình, chúng khởi lên ý tưởng rằng mình cũng có thể ngồi yên như thế. Đôi khi thời gian yên tĩnh của cha mẹ có thể được chia sẻ cùng với con cái họ. Ví dụ, một đứa trẻ có thể ngồi trong lòng cha mẹ trong khi cha mẹ đang trì chú. Lúc khác, cha mẹ có thể không muốn bị quấy rầy khi họ hành thiền, và trẻ học cách tôn trọng ước muốn có một khoảng thời gian tĩnh lặng của cha mẹ chúng.

Thảo luận nhóm thì khá là hiệu quả với trẻ vị thành niên. Người lớn có thể dễ dàng thảo luận về tình bạn hoặc chủ đề khác liên quan đến tuổi vị thành niên. Nét đẹp của Phật giáo là những nguyên tắc của nó có thể áp dụng cho nhiều mặt của cuộc sống. Bọn trẻ càng hiểu được sự liên quan của các giá trị đạo đức và lòng từ ái với cuộc sống của chúng thì chúng sẽ càng coi trọng các giá trị đó. Một lần tôi hướng dẫn một cuộc thảo luận nhóm cho 20 thanh thiếu niên về mối quan hệ giữa con trai và con gái. Mỗi người lần lượt nói, và mặc dù có vẻ đang nói về cuộc sống và các cảm giác của họ, có nhiều Phật pháp trong những gì họ nói. Ví dụ, bọn trẻ làm nổi bật tầm quan trọng của một đời sống đạo đức. Là một người trợ giúp, tôi đã không giảng dạy hay thuyết pháp. Tôi chỉ lắng nghe và tôn trọng những gì bọn trẻ nói. Sau đó một vài người đến nói với tôi, “Wow! Đây là lần đầu tiên chúng con nói những điều đó với một Ni sư!” Không những bọn trẻ có thể nói một cách cởi mở nơi sự hiện diện của một người lớn về một chủ đề nhạy cảm, mà chúng còn hiểu rằng người có đạo thì thấu hiểu và đồng cảm với các vấn đề của tuổi thiếu niên. Thêm vào đó, bọn trẻ tìm được những liên hệ với cuộc sống của chúng.

* Là một vị thầy, làm sao tôi có thể dạy trẻ em thiền định?

- Nhìn chung, dạy bảo trẻ em cách trở thành người tử tế thì giúp cho cả trẻ em và xã hội. Bạn có thể thảo luận một vài chủ đề trong buổi nói chuyện này với trẻ em, mà không được gọi nó là Phật giáo. Nhiều thứ Phật đã dạy thì không hoàn toàn mang tính tôn giáo. Chúng hoàn toàn mang ý nghĩa chung, và theo cách này bạn có thể dễ dàng thảo luận chúng với trẻ em và những người không phải là Phật tử. Ví dụ, không có gì mang tính tôn giáo cả trong việc quan sát hơi thở của bạn. Việc bạn theo Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, hay Phật giáo đều không thành vấn đề - mọi người đều thở. Do đó, bạn có thể dạy trẻ cách hành thiền quán niệm hơi thở và giữ tâm tĩnh lặng. Thực hành thiền trong thời gian ngắn giúp chúng có một trải nghiệm tốt.

Bạn cũng có thể nói với học sinh về sự tử tế của người khác và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa người với người. Trẻ em không nên luôn phải nghe về các cuộc chiến mà ông cha họ đã tham gia. Chúng cũng có thể học cách hợp tác và làm việc chung vì lợi ích của cả nhóm. Trong một lớp học nghiên cứu xã hội, bạn có thể nhắc đi nhắc lại cách con người giúp đỡ nhau trong xã hội như thế nào, và yêu cầu trẻ kể các câu chuyện về người đã giúp chúng hay người đã được chúng giúp. Trong trường hợp của các thanh thiếu niên, bạn có thể thảo luận những giải pháp Phật giáo trong việc đối diện với những cảm xúc trong một lớp học về tâm lý. Điều này chỉ cho chúng một phương cách lành mạnh để hiểu cảm xúc của mình và giải quyết bất kỳ nỗi đau hoặc sự tổn thương nào mà chúng ta đã trải qua trong quá khứ.

Lần nọ, tôi là khách mời phát biểu trong một trường trung học. Tôi nói về các cảm xúc, quan hệ với cha mẹ, và những sự kỳ vọng. Những đứa trẻ thực sự cởi mở và chúng tôi có cuộc thảo luận không ngờ về cơn giận. Những đứa trẻ đã tìm được một người lớn mà chúng có thể nói về cơn giận đã không được hòa giải của mình. Ngay cả giáo viên cũng ngạc nhiên về sự mở lòng, chân thành, và nhạy cảm của học trò.

* Làm sao chúng ta có thể khai mở cho trẻ về thiền định?

- Con cái thường tò mò khi chúng thấy cha mẹ hành thiền mỗi ngày. Đây có thể là một cơ hội để dạy trẻ một bài thiền quán niệm hơi thở đơn giản. Trẻ em thích ngồi yên tĩnh bên cha mẹ trong năm hoặc mười phút. Khi khoảng thời gian chú ý của đứa trẻ không còn, chúng có thể im lặng đựng dậy và đi vào phòng khác trong khi cha mẹ tiếp tục hành thiền. Nếu cha mẹ cảm thấy điều này gây phiền nhiễu, họ có thể thực tập thiền định riêng và hành thiền cùng với trẻ vào thời gian khác.

Trẻ em cũng có thể học thiền tưởng tượng. Hầu hết trẻ em thích giả bộ và có thể dễ dàng tưởng tượng ra nhiều thứ. Cha mẹ có thể dạy trẻ cách tưởng tượng Đức Phật, được tạo ra từ ánh sáng. Sau đó, khi ánh sáng từ Đức Phật tỏa ra đến chúng và tất cả những hữu thể quanh chúng, chúng có thể trì chú Phật. Nếu trẻ có vấn đề với các mối quan hệ, bạn bè, thú cưng, hoặc nếu một người bạn gặp vấn đề, trẻ có thể mường tượng người đặc biệt đó và tưởng tượng ra Đức Phật đang chiếu ánh sáng tới người gặp vấn đề. Theo cách này, trẻ có thể phát triển lòng từ bi và cảm thấy cần phải giúp đỡ những người mà mình quan tâm.

* Điều gì xảy ra nếu con cái tôi không thấy thú vị với Phật giáo? Chúng tôi có nên cho phép chúng đến nhà thờ với bạn của chúng?

- Tôn giáo không nên bị áp đặt cho bất kỳ ai. Nếu trẻ không yêu thích Phật giáo, hãy để chúng như vậy. Chúng có thể học cách trở thành người tử tế từ việc quan sát thái độ và hành động của cha mẹ chúng.

Bạn cùng lớp có thể mời bạn bè đến nhà thờ cùng. Bởi vì chúng ta sống trong xã hội đa văn hóa và tôn giáo, sẽ là hữu ích cho trẻ em học về các truyền thống khác bằng cách đến nhà thờ hoặc đền thờ của bạn mình. Khi con cái làm điều này, chúng ta nên chuẩn bị cho trẻ bằng cách thảo luận sự thực rằng con người có niềm tin khác nhau, và do đó cần tôn trọng lẫn nhau và bao dung là quan trọng. Con cái của chúng ta có thể cũng mời bạn cùng lớp tham dự các hoạt động Phật giáo hay viếng thăm các trung tâm Phật giáo, điều này thúc đẩy sự học hỏi và tôn trọng lẫn nhau.

* Các trung tâm Phật giáo thường tổ chức các sự kiện cho người lớn và không có sự quan tâm nào cho trẻ em được đưa ra. Chúng ta có thể làm gì?

- Những trung tâm Phật giáo cần phải mở rộng dần phạm vi họat động của họ. Những bậc phụ huynh mà họ là thành viên của các trung tâm này có thể gặp gỡ và thảo luận cách để thực hiện điều này, trước hết là sử dụng một số đề xuất ở trên. Khi đó họ có thể tổ chức các hoạt động gia đình hoặc các hoạt động dành cho trẻ em tại các trung tâm.

* Làm sao chúng tôi có thể có mối quan hệ tốt với con cái, đặc biệt khi chúng đang ở tuổi vị thành niên?

- Có một mối quan hệ cởi mở với trẻ tuổi vị thành niên thì quan trọng, và điều này phụ thuộc vào việc cha mẹ liên hệ với con cái như thế nào khi chúng còn nhỏ. Điều này, trước hết, phụ thuộc vào thời gian dành cho con cái và việc có thái độ tích cực tới chúng. Khi cha mẹ gặp phiền toái, họ có xu hướng nhìn con cái như là của nợ - lại còn một điều khác để quan tâm trước khi họ suy sụp sau một ngày mệt mỏi trong công việc. Con cái để ý điều này, thường nghĩ rằng cha mẹ không quan tâm và không có thời gian cho chúng ngay cả khi họ quan tâm. 

Thiết lập các điều ưu tiên là cốt tủy trong việc xây dựng các mối quan hệ tốt với con cái. Điều này được hiểu là chấp nhận một công việc được trả lương ít hơn với thời gian làm việc ngắn hơn hay gạt bỏ sự thăng tiến mà nó có thể giúp tăng thu nhập gia đình nhưng đồng nghĩa với việc nhiều căng thẳng và có ít thời gian cho gia đình. Tình yêu thương thì quan trọng cho con cái hơn là tài sản của cải. Chọn lựa kiếm nhiều tiền với cái giá phải trả là các mối quan hệ tốt trong gia đình có thể cũng có nghĩa là phải chi tiêu chính phần thu nhập tăng thêm đó trong việc thực hiện các liệu pháp tâm lý và tư vấn tình cảm cho cả cha mẹ và con cái!

* Trẻ em có cần kỷ luật? Làm sao chúng ta làm điều đó mà không trở nên giận dữ?

- Trẻ em thường cung cấp những cơ hội tốt nhất - và khó nhất - để thực tập sự kiên nhẫn! Với lý do này, cha mẹ được khuyên hãy biết rõ những cách chuyển hóa cơn giận mà Đức Phật đã dạy. Nhẫn nhịn không có nghĩa là để trẻ làm bất cứ gì chúng muốn. Thực tế, điều này là độc ác với con cái, vì nó cho phép trẻ phát triển các hành vi xấu, điều này khó khăn hơn cho trẻ để sống hòa đồng cùng mọi người. Con cái cần lời hướng dẫn và các giới hạn. Chúng cần biết hậu quả của các hành vi khác nhau, và cách phân biệt điều gì nên thực tập và điều gì nên tránh xa.

* Sự thỏa mãn là một nguyên tắc cốt yếu của Phật giáo. Làm sao để dạy điều này cho con cái?

- Thái độ thỏa mãn thúc đẩy chúng ta yêu thích cuộc sống nhiều hơn và trải nghiệm nhiều sự thỏa mãn hơn. Tôi tin rằng lý do trẻ em không thỏa mãn là chúng được cung cấp quá nhiều lựa chọn cho thú vui giác quan của chúng. Từ khi còn nhỏ, con cái luôn được hỏi, “Con muốn ăn táo hay cam?”, “Con muốn xem chương trình ti-vi này hay chương trình kia?” “Con thích loại xe đạp này hay loại kia?” “Con muốn đồ chơi màu đỏ hay xanh?” Trẻ em - không đề cập đến người lớn - trở nên hoang mang vì bị tấn công với quá nhiều lựa chọn. Thay vì học cách bằng lòng với bất cứ thứ gì chúng có, chúng luôn luôn bị buộc nghĩ, “Thứ gì sẽ mang tới nhiều hạnh phúc nhất cho tôi? Thứ gì đó khác tôi có thể có để làm tôi hạnh phúc?” Điều này làm gia tăng tính tham lam và sự hoang mang của con cái. Giải quyết điều này không có nghĩa là cha mẹ trở thành một kẻ độc đoán. 

Thay vì vậy, họ ít nhấn mạnh tầm quan trọng của những điều này ở trong nhà. Dĩ nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào sự thay đổi cách thức mà chính họ đối xử với những thú vui giác quan và của cải. Nếu cha mẹ biết hài lòng, con cái cũng thấy dễ dàng làm theo như vậy.

* Đứa con tuổi teen của tôi luôn về nhà trễ. Với tư cách là cha, tôi biết tôi không thể kiểm soát nó, nhưng làm sao tôi có thể nói với bản thân rằng đó không phải là hậu quả của những hành động vô trách nhiệm của tôi?

- Là một người cha, bạn chăm sóc con cái trong thời gian mà cô cậu ấy không có khả năng tự lập và hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Khi ấy, bạn chịu trách nhiệm mọi mặt đời sống của đứa bé. Nhưng khi con của bạn lớn và trở nên độc lập hơn, chúng thường dần dần đảm nhận trách nhiệm đó và bạn không còn phải chịu trách nhiệm cho mọi mặt đời sống của chúng nữa. Từ bỏ điều này là một trong những thử thách của việc làm cha mẹ.

Là cha mẹ, bạn muốn con bạn hạnh phúc và không khổ đau. Vì thế bạn dạy chúng khả năng giải quyết những tình huống khác nhau. Nhưng bạn không thể ở bên cạnh con cái suốt đời để bảo bọc chúng khỏi khổ đau. Điều này là không thể, và điều này quá khổ sở! Liệu bạn có muốn đi theo con bạn suốt 24 giờ một ngày? Cha mẹ chúng ta muốn chúng ta hạnh phúc, nhưng họ phải để chúng ta sống cuộc sống của chúng ta. Họ dạy chúng ta các kỹ năng, và bất chấp tất cả những lỗi lầm mà chúng ta đã gây ra, chúng ta xoay xở để tồn tại. Chúng ta giải quyết những lỗi lầm của chúng ta, học hỏi từ nó, và tiếp tục bước đi. Điều này cũng xảy ra với con cái của bạn.

Thật khó khăn khi nhìn người nào đó mà bạn yêu thương - con cái, vợ chồng, cha mẹ, bạn bè - làm điều lầm lỗi. Đôi khi chúng ta không biết làm gì để có thể ngăn chặn nó. Chúng ta chỉ phải ở đó và sau đó giúp họ học từ chính lỗi lầm của họ.

Nói với con của bạn về những thứ mà chúng thích thú, cho dù những thứ đó có làm bạn hứng thú hay không. Đừng chỉ nói với chúng về việc đạt được điểm tốt và giữ phòng ốc sạch sẽ. Nói với chúng về thể thao hoặc mẫu thời trang mới nhất. Giữ cho cánh cổng giao tiếp luôn mở rộng.

* Quan điểm Phật giáo về vấn đề phá thai và có thai ở tuổi vị thành niên là gì?

- Trong xã hội Mỹ, có một cuộc tranh cãi lớn giữa bên ủng hộ và bên phản đối việc nạo phá thai. Mỗi bên đều nói quan điểm của họ là đúng và tấn công bên còn lại. Mỗi nhóm đều cho quan điểm của họ là đúng bởi vì họ quan tâm nhiều nhất về những người khác. Tuy nhiên tôi không thấy nhiều quan tâm hay từ ái trong những cuộc tranh cãi này. 

Thay vì vậy, cả hai nhóm ủng hộ và phản đối đều giận dữ. Cả hai bên đều không có nhiều lòng từ bi, điều này thật là bất hạnh, bởi vì trong những trường hợp có thai ngoài ý muốn, lòng từ bi thực sự cần thiết. Có thai ngoài ý muốn thì khó khăn cho bất cứ người nào. Thay vì có thái độ chỉ trích và phán xét, chúng ta cần mang lòng từ bi của chúng ta ra trước.

Từ quan điểm của Phật giáo, cuộc sống bắt đầu tại thời điểm thụ thai. Vì thế sự phá thai là tước đi sự sống. Nhưng kết tội người có hành vi nạo phá thai thì không có lợi cho ai cả. Chúng ta cần trao cho cha mẹ, hoặc ít nhất là mẹ, sự hỗ trợ và thấu hiểu trong trường hợp có thai ngoài ý muốn. Nếu chúng ta làm như vậy, sẽ có một cơ hội lớn hơn để đứa trẻ được sinh ra. Sau đó, đứa bé có thể được chấp nhận hoặc được gửi cho một gia đình khác nuôi dưỡng. Nếu chúng ta cũng như xã hội hỗ trợ họ thay vì có thái độ chỉ trích, điều này có thể cứu cuộc sống của những đứa trẻ đó. 

Tôi nói điểu này vì nó đã từng xảy ra trong chính cuộc sống của tôi. Em gái của tôi được chấp nhận khi là một đứa bé sơ sinh. Cô bé là kết quả của một trường hợp có thai ngoài ý muốn. Nhưng thay vì phá thai, mẹ cô bé đã sinh cô bé. Bởi vì điều này, tôi đã có một đứa em mà tôi yêu quý. Tôi rất biết ơn điều này.

Ở đây chúng ta hãy xem xét vấn đề hoạt động tình dục của trẻ vị thành niên. Trẻ học sử dụng hoạt động tình dục của mình một cách có trách nhiệm theo hai cách. Thứ nhất, người lớn phải là hình mẫu khôn ngoan trong các hành vi tình dục. Điều này có nghĩa là cả cha lẫn mẹ phải chung thủy với nhau và không có mối quan hệ với người khác. Thứ hai, người lớn phải thảo luận về tình dục và các vấn đề kiểm soát sinh sản với con cái của họ, và nếu họ không cảm thấy thoải mái khi làm điều đó, họ nên yêu cầu một người lớn khác thực hiện. Nếu cha mẹ chỉ nói, “Đừng quan hệ tình dục. Bố mẹ không muốn nói thêm về nó nữa”, thì trẻ sẽ học được gì từ đó? Hay rồi chúng phải học từ tạp chí, TV, tất cả các câu chuyện chúng nghe từ bạn bè? Người lớn cần cung cấp một vài thông tin tốt và chính xác và đừng nên quá e ngại trong vấn đề này.

Yếu tố khác khuyến khích trẻ vị thành niên thói quen sinh hoạt tình dục đúng đắn là không khí yêu thương và sự chấp nhận ở gia đình. Nếu họ không cảm thấy được cha mẹ yêu thương và chấp nhận, tình dục trở nên lôi cuốn hơn vì ít nhất khi đó có một người nào đó đang quan tâm đến họ. Thật khó để nói với những đứa trẻ không cảm thấy được yêu thương và chấp nhận, “Chớ có quan hệ tình dục”, bởi vì chúng cực kỳ muốn gần gũi với một người khác. Về phương diện cảm xúc, trẻ vị thành niên khao khát cảm giác yêu mến, và thêm nữa, hoóc-môn trong cơ thể chúng làm sự ham muốn tình dục tăng lên. Cả hai yếu tố này góp phần gia tăng sự hăng hái tình dục của giới trẻ. Nếu ta tạo nên môi trường nhiều tình yêu thương hơn trong gia đình khi cha mẹ trò chuyện và dành thời gian cho con cái thay vì chỉ bảo chúng làm gì đó, con cái sẽ cảm thấy được hỗ trợ và bao bọc bởi gia đình. Khi đó chúng sẽ không có nhiều cảm xúc cần có cho sự hăng hái tình dục.

* Tôi là bác sĩ chuyên khoa và có vài khách hàng Trung Quốc. Khi tôi hỏi họ, “Bạn có nói chuyện với đứa con đang trong tuổi vị thành niên về tình dục không?” thì họ nói, “Chúng tôi không bao giờ nói đến chủ đề này, bởi về nếu chúng tôi nói về vấn đề kiểm soát sinh sản, chúng sẽ làm điều đó nhiều hơn”.

- Mặc dù một số người nghĩ theo cách này, tôi vẫn không tin đây là vấn đề. Mỗi chúng ta đều trải qua thời thanh niên. Tôi không nghĩ học về biện pháp tránh thai có thể đẩy tôi vào trạng thái hoạt động tình dục nhiều hơn. Thay vì vậy, điều này khiến tôi có trách nhiệm hơn. Thông tin chính xác về các chức năng tình dục và các biện pháp tránh thai có thể giúp trẻ vị thành niên và người trưởng thành suy nghĩ rõ ràng về nó sớm hơn. 

Ví dụ, họ sẽ biết rằng nếu họ sử dụng các biện pháp tránh thai, sự mang thai vẫn có thể xảy ra. Điều này có thể làm họ nhìn nhận lại, “Tôi đã sẵn sàng để trở thành cha mẹ chưa?”, và “Tôi có thực sự quan tâm tới người khác không?”. Bằng việc nghĩ về những điều này, họ sẽ học được cách phân biệt và đưa ra lựa chọn tốt. 

Ni sư Thubten Chodron
 Phan Huy An dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây