Muôn dặm tìm cha

Thứ sáu - 23/01/2009 11:38
Một người con khi xa gia đình, xa quê hương, thổn thức mong chờ một chuyến về thăm nhà như thế nào thì người con Phật cũng khao khát được về thăm xứ Phật một cách thiết tha như thế ấy! Duyên lành đã đến với tôi khi Thượng tọa Thích Quảng Ba hướng dẫn một đoàn hành hương tham dự Lễ Khánh Thành Trung Tâm Viên Giác tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, Ấn Ðộ.

Sau khi dứt khoát từ chối một chuyến du ngoạn khác rất hấp dẫn, tôi ghi tên ngay, để rồi háo hức đợi chờ ngày được thỏa lòng nguyện ước.
Ngày ấy đã đến, trải qua một cuộc hành trình dài thăm thẳm qua hằng ngàn cây số đường hẹp, đầy ổ “khủng long”, với biết bao nhiêu rác rến, bò heo lổm ngổm ngoài đường, chúng tôi đã vượt hàng trăm thị trấn, thôn làng, và hạnh phúc thay, cũng đã chiêm bái được bao nhiêu là Phật tích.


Có những buổi sáng sớm xe bus lên đường trong sương lạnh, chúng tôi se lòng thương xót thấy những con người nghèo khổ đang ngồi quanh ngọn lửa đốt bằng rác và phân bò để sưởi ấm. Những túp lều lụp xụp đơn sơ làm chúng tôi quặn thắt trái tim. Trẻ ăn xin tật nguyền lê lết dưới cát nóng và những người ăn mày còm cõi bám theo van xin làm chúng tôi vừa nghẹn ngào, vừa sợ hãi, và không còn hứng thú đi mua sắm. Ði ngang vài trường học hiếm hoi mà đàn trẻ con rách rưới phải ngồi xuống đất để học, chúng tôi ngậm ngùi thương cảm cho những người con của đất Phật.


Trên cánh đồng lúa và củ cải với những hoa vàng tươi, đâu đâu cũng có các bánh phân bò xếp hàng thẳng lối. Nhìn các phụ nữ, các em gái nhỏ dùng tay nhồi và vo thành bánh các đống phân bò mà đứt ruột! Nhìn các đường mương bùn lầy nước đọng bốc mùi hôi hám bên khu chợ, bên xóm dân cư, và các đống rác hiện diện một cách tự nhiên ở khắp nơi mà lòng bồi hồi thương xót.

 

Dân cư đông đúc, cuộc sống lầm than chắc phải là nỗi đau của người hữu trách, nhưng họ đã bất lực không cứu giúp được để cải tiến cuộc sống cho đám dân đen. Như chuyện một vị Hoàng tộc đã đến vùng bùn lầy nước đọng, hàng ngày đi từ đường này sang đường khác, dùng cây gắp rác bỏ vào bao, làm gương để dạy cho dân chúng biết giữ gìn vệ sinh chung. Cứ chiều tối đến, bà trở về khách sạn sang trọng, để rồi sáng hôm sau lại đi lang thang các nẻo đường làm gương cho mọi người. Nhưng đã có mấy ai thức tỉnh làm theo bà? Rồi sau 6 tháng, bà trở về cung điện, mọi việc lại như cũ, như bây giờ và vẫn như thế cho đến bao giờ?


Cảnh vật miền Trung Bắc Ấn là như thế đó. Dân tình rất bình dị, nhân hậu, giúp đỡ du khách hết mình, nhưng lối hành xử lại rất tùy hứng. Còn thức ăn thì đặc biệt, ngon có, lạ có. Ðặc biệt hơn, khó tìm bóng dáng người phụ nữ trên đường phố, mà ta chỉ có thấy họ thấp thoáng trong nhà, cạnh vườn...


Ðã quá xa rồi một thời vàng son của hơn 2,500 về trước, nhưng dư hưởng Ðức Phật vẫn còn đây! Quỳ bên Kim thân Ðức Phật Như Lai tại tháp Niết bàn, chị em chúng tôi rưng rưng khóc vì thương cảm, tưởng chừng như trong mơ, trông thấy hoa Sa La, hoa trời Mạn Ðà La, hoa Chiên Ðàn, các hương trầm đang rải rắc trên Kim thân Người để cúng dường.


Tìm đến Lâm Tỳ Ni với cung điện cũ, chúng tôi đi qua khu vườn Ni Câu Ðà um tùm, cảm động hồi tưởng đến cảnh Tịnh Phạn vương ra ngoài thành đón người con vĩ nhân của dòng họ Thích Ca. Xúc động bước vào cung điện thành Ca Tỳ La Vệ với các cây xoài cổ thụ đầy bóng mát, với 4 cửa thành lịch sử và “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”...
Phái đoàn chúng tôi đến công viên Lâm Tỳ Ni đảnh lễ kinh hành và đọc tụng những câu kinh cảm niệm công đức sâu dày của Ðức Phật, ngậm ngùi tưởng nhớ đến hình ảnh Hoàng hậu Ma Gia vịn nhánh cây Vô Ưu và hạ sinh Thái Tử.

 

Bên trụ đá vua A Dục, niềm xúc động trào dâng thành những giọt nước mắt cảm hòa, chúng tôi còn chiêm bái những bức phù điêu chạm hình đức Phật được hạ sinh trong đền thờ Hoàng hậu Ma Gia, và hồ nước nên thơ màu xanh rêu dưới tàng cây Bồ Ðề tỏa rộng. Thầy chúng tôi gặp lại vị Hòa thượng Nepal quen cũ, rất hiền hòa, nhiệt tình và còn khỏe mạnh, dù tuổi hạc đã cao.
Phái đoàn chúng tôi đã đến đại tháp Bồ Ðề, một nơi linh thiêng mà tất cả các Phật tử đều phải đến. Mỗi sáng sớm, chúng tôi và các Phật tử bốn phương nối gót theo Thượng Tọa Quảng Ba đi những bước kinh hành niệm câu “Nam Mô A Di Ðà Phật”, ngồi kiết già, lễ hồng danh Phật, tụng niệm vòng quanh tháp, nơi có những hoa sen nâng bước cho người con Phật tín thành.

Tiếng tụng kinh, niệm Phật vang lên trầm hùng, làm ấm một cõi quốc độ còn mơ màng trong sương sớm. Chúng tôi vui mừng khi tìm được chiếc lá từ gốc Bồ Ðề lịch sử, rơi thấp thoáng theo cơn gió nhẹ trên những mái đầu đang thành tâm cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho sự hưng thịnh của Phật giáo Việt nam, cho tất cả chúng sanh trong 3 cõi 6 đường, trong đó có gia đình và cá nhân chúng tôi, được an lành và biết giác ngộ, biết tu theo Phật pháp.


Sau buổi hành lễ sáng sớm tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, hai cô cháu chúng tôi, Tâm Huệ và Thiện Lạc, đi lần vào thôn xóm và được một người Ấn dẫn đến bờ sông Ni Liên Thiền, nước cạn khô và mênh mông biển cát, giảng giải và nhắc lại giây phút cô bé chăn dê Sujata dâng bát cháo sữa lên đức Bồ tát, rồi dẫn chúng tôi vào ngồi đền Hồi giáo to rộng với thật nhiều tượng Phật, tượng Thần cổ xưa.

Có một hôm phái đoàn chúng tôi cuốc
bộ 4km đến khổ hạnh lâm, trèo núi lên ngôi chùa Tây Tạng, vào một cái hang hẹp, nơi trước kia Thái Tử Tất Ðạt Ða đã tu khổ hạnh suốt 6 năm trường, tới đảnh lễ tượng Phật gầy ốm vì ngồi ép xác quá lâu. Khi trở về thì bóng tối đã phủ đầy. Người dân Aán vẫn làm việc, đập đá, chở đá, dùng cơm chiều trong bóng tối, và chúng tôi lần bước 4km nữa trong bóng mờ, gợi nhớ làng quê Việt Nam lúc hoàng hôn...

Chúng tôi tìm lại hình bóng đức Phật nơi Tháp chuyển Pháp luân (Ba La Nại - Saranath) quán tưởng hình ảnh Ðức Phật thuyết giảngcho năm người bạn đạo về tính chất vô thường của vạn pháp và con đường Trung đạo trong bài Chuyển Pháp Luân, đưa vào Tăng đoàn đầu tiên của Tam Bảo. Nhóm chúng tôi cũng được dịp vuốt ve và cho đàn nai đủ loại đang ngơ ngác đợi chờ người cho thức ăn xuyên qua hàng rào kẽm gai của khu Lộc Uyển xinh đẹp một thời vang bóng!
Chúng tôi được ngắm nhìn nhiều tượng Phật cổ xưa, tượng Sư tử bốn đầu trong Bảo tàng viên khảo cổ tại Saranath, đi thăm Viện Phật Học Quốc Tế, các Chùa Tàu, Tây Tạng, Miến điện, Nhật Bản... và tại Ba La Nại, một nhóm chúng tôi được đi viếng sông Hằng linh thiêng huyền bí vào buổi sáng sớm để xem cảnh mặt trời mọc lúc bình minh.


Bằng xe cáp, chúng tôi đã vượt qua các mỏm đá của núi Kỳ Xà Quật, gần thành Vương Xá cũ, để lên tháp Hòa Bình do Phật giáo Nhật đến xây. Sau khi vào lễ Phật tại chánh điện, chúng tôi bước xuống chân núi bằng các bậc tam cấp để chiêm bái Linh Thứu Sơn.


Mãi đến bây giờ, khi viết lời tâm ký này, chúng tôi cũng không ngờ được rằng mình đã có diễm phúc đến được nơi đây, đạo tràng pháp hội linh thiêng, nơi đức Phật đã giảng bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Lăng Nghiêm Ðại Ðịnh, kinh Bát Nhã La Mật ... chứa đựng tinh hoa của giáo lý Phật Ðà.
Nơi đây cũng đã có dấu chân của Ngài Huyền Trang đến ngủ qua đêm. Cũng nơi đây, Tâm đã truyền Tâm khi đức Như Lai đưa cành hoa lên mà cả hội chúng chỉ có Ngài Ca Diếp thông đạt được.


Hang của ngài A Nan, ngài Ðại Ca Diếp ở đây! Hang của ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên ở đây! Vườn xoài của bác sỹ Kỳ Ðà một danh sư thời Ðức Phật ở đây! Nơi đây, chân Ðức Thế Tôn đã bị đổ máu vì người em họ ngỗ nghịch Ðề Bà Ðạt Ða. Nơi đây, đoàn tùy tùng dừng lại để Vua Tần Bà Sa La xuống ngựa đi bộ để lên hầu thăm đức Phật. Thật là một nơi chốn lịch sử bi hùng.


Chúng tôi cũng đã đến Trúc Lâm Tinh Xá với những bụi trúc xanh, hồ nước trong mà vua Tần Bà Sa La dâng cúng cho Ðức Phật và Thánh Chúng. Nơi đây, Ðức Thế Tôn thường đến giảng pháp và độ sanh. Ôi! biết bao ân tình và cảm niệm!
Viện Ðại Học Na Lan Ðà cũng gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, vì Na Lan Ðà là một Viện Ðại Học có tầm cỡ quốc tế, cả lẫn chất và lượng, cũng là Viện Ðại Học Phật Giáo đầu tiên trên thế giới.

 

Nơi đây, các vị Luận sư nổi tiếng xưa kia như ngài Long Thọ, Trần Na ... từng giảng dạy, là nơi nhiều vị tổ thiền Ấn Ðộ lưu trú, là nơi các nhân vật kiệt xuất có khi là giảng viên, có khi là tăng sinh như Huyền Trang, Thánh Thiên, Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân, Hộ Pháp, Giới Hiền từng đến tu học và giảng dạy... Tăng sinh của Viện không những học tập kinh điển mà còn phải thực hành những nghi lễ và các pháp tu thiền định. Nhưng nay, sự hoang tàn của một công trình vĩ đại đã để lại trong lòng chúng tôi mối cảm hoài sâu đậm.
Và sau cùng, chúng tôi không thể nào quên được tháp Trà tỳ ở Kusinara, nơi hỏa thiêu nhục thân của đức Phật, nay đã bị tàn phá, hiện được bao bọc bởi một công viên đẹp đẽ.

 

Sau khi kinh hành và lễ lạy quanh đại tháp chính, chúng tôi ngồi quanh Thầy chúng tôi, mắt rưng lệ ngồi nghe lời giảng dạy của Thầy, bồi hồi xúc động và thầm mong ước được ở lại đây mãi mãi, được tu tập hành trì dước bóng từ bi và dư hưởng của bậc Ðại Giác...


Và như lời pháp đức Phật đã ban dạy, tính chất của vạn pháp là vô thường vô ngã, vạn pháp đều xoay theo vòng tròn “Thành, Trụ, Hoại, Không”, chuyến hành hương xứ Phật của chúng tôi sắp đến ngày kết thúc!

Lòng quyến luyến càng thấm đậm hơn sau 5 ngày dự lễ khánh thành tại Trung Tâm Viên Giác, đẹp đẻ, hùng tráng, trọng thể với sự hiện diện của chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức Tăng Ni, cùng các Tăng, Ni du học sinh và hàng trăm Phật tử khắp thế giới đổ về.


Ðại lễ khánh thành, Ðại giới đàn Minh Hải và Ðại lễ chẩn tế cô hồn cùng buổi phát chẩn cho người nghèo làm cho chuyến hành hương thập phần ý nghĩa. P
hái đoàn chúng tôi cũng đã đến thăm 2 ngôi chùa Việt Nam tại Ấn: VIỆT NAM PHẬT QUỐC TỰ rộng rãi tráng lệ của Thầy Huyền Diệu và ngôi CHÙA SONG LÂM LINH SƠN của Hòa Thượng Huyền Vi do Sư cô Trí Thuận, một sư cô đầy năng lực, tháo vát, hiếu khách và rất dễ thương, trụ trì. Ngoài ra cũng ghé đến thăm CHÙA LINH SƠN đồ sộ, đẹp đẽ của Thầy Linh Quang gần công viên Lâm Tỳ Ni, thuộc lãnh thổ Nepal.

 

Các chùa Việt Nam đều rộng đẹp, tiện nghi, là nơi trú ngụ tốt đẹp cho Phật tử Việt nam khi hành hương đến các vùng này.
Ngoài ra, cuộc gặp gỡ tâm tình của chúng tôi tại Delhi với gần 60 Thầy Cô Tăng, Ni sinh từ Việt Nam du học sáng Ấn, giúp thắm đượm thêm tình cảm đạo vị. Những tâm cảm chứa chan đã gieo trong lòng toàn thể Phật tử chúng tôi một niềm xúc động vô biên, một sự hoan hỷ vô bờ, đã làm tăng tiến những tín thành trong tâm hồn người con Phật.

Chúng con muôn vàn cảm tạ quý Hòa Thượng, quý Thượng Tọa đã ban cho chúng con những đạo từ cao cả, những giây phút quý báu. Và đặc biệt chúng con vô cùng cảm niệm công đức của Thượng Tọa Thích Quảng Ba, một bực đạo cao đức trọng, một bậc uyên thâm và đa tài, đa năng đã hướng dẫn, giảng dạy, khuyên bảo, chăm sóc, hòa đồng với chúng con trong suốt quãng đường xa muôn dặm và đường dài giáo pháp.

Chúng con cũng xin cảm tạ quý Thầy Chơn Phát, Quảng Thức, Chơn Tâm, quý Sư cô Ðồng Nguyên, Nhật Hạnh, cùng đi và giúp đỡ chúng con trong suốt cuộc hành trình tìm về xứ Phật. Những giờ phút văn nghệ thoải mái vui tươi, và những giờ phút căng thẳng lo âu cho anh Tâm Cần đi lạc đoàn một đêm, là những kỷ niệm không bao giờ quên được mỗi khi hồi tưởng lại chuyến đi kỳ diệu đầm ấm nầy.


Những kỷ niệm và tâm tình vui buồn bên nhau sẽ còn đọng mãi mãi trong trái tim chúng con cho đến cuối cuộc đời! Chúng con xin đem hết tâm sức để học hỏi đạo pháp và trau dồi đức hạnh để đáp trả phần nào công ơn của Thượng Tọa, của quý Thầy, quý Cô đã dẫn dắt chúng con trên bước đường tu học.
Chúng con ước mong rằng Thầy sẽ còn hướng dẫn Phật tử chúng con nhiều chuyến hành hương nhiều thánh tích Phật giáo khác trên thế giới, để chúng con được đi chiêm bái và mở rộng kiến thức.

Nguồn tin: www.chuahoikhanh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây