Anh kể lại: “Tối ngày 11.9.2009, tôi đang thực hiện một dự án âm nhạc cùng bạn bè, cũng khá bận rộn. Chúng tôi làm việc suốt ngày, đến tận khuya mới về nhà. Chạy xe đến một khúc cua ở quận 1, bất ngờ có hai thanh niên cũng đi xe máy đâm ngang qua hướng của tôi. Tôi loạng choạng thắng gấp, cú giật thắng quá mạnh hất tôi về phía trước, đầu và nguyên phần mặt tôi đập mậnh xuống đường. Tôi bất tỉnh luôn từ đó”.
Người đi đường đưa anh đến bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, rồi anh được chuyển tiếp đến bệnh viện Nhân dân 115. Cú đâm xe làm cho Sĩ Luân bị vỡ xương hàm, xệ gò má. Ngay trong đêm, các bác sĩ kịp thời phẫu thuật cho anh. Cho đến giờ, Sĩ Luân chỉ nhớ mỗi tên một bác sĩ trong êkip phẫu thuật, còn lại anh không thể nhớ mình trải qua những ngày tháng tại bệnh viện như thế nào.
Một năm mất trí nhớ
Trải qua hai lần phẫu thuật, đến hai mươi ngày sau Sĩ Luân mới tỉnh dậy. Anh tâm sự: “Tôi hầu như không nhớ bất cứ thứ gì cả. Người duy nhất tôi có thể nhận ra là mẹ. Còn mấy đứa em, người thân, bạn bè, đồng nghiệp... tôi tuyệt nhiên không nhớ được ai!
Mẹ tôi lo lắng gọi bác sĩ. Họ bảo tôi đang bị mất trí nhớ, có thể lâu dài, và khi hồi phục thì cũng không được đầy đủ. Mẹ nhìn tôi khóc, còn cảm giác của tôi khi đó không vui cũng không buồn, chỉ ngờ ngợ một câu hỏi trong đầu: sao mình lại bị như vậy? Ngơ ngơ ngẩn ngẩn như thế cả năm trời, tôi như cái máy tính bị xoá sạch dữ liệu. Tôi cứ luôn cảm giác mình là một tờ giấy trắng, phải tập viết những chữ cái đầu tiên lên đó”.
Nhưng cứ mỗi khi thấy mẹ chùi nước mắt, gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè đến thăm, những câu hỏi “Mình là ai? Mình đã bị gì? Sao mình không nhớ gì cả?”... dần dần có câu trả lời qua gợi ý của người thân. Anh từ từ nhớ lại, hình dung được cuộc sống trước kia của mình.
Tập sống chậm, sống vui
“Sau một năm, mọi thứ đã mất gần như trở về, hiển hiện trong đầu tôi. Tôi bắt đầu trở lại với công việc. Không ai ngờ sức khoẻ tôi hồi phục nhanh đến vậy. Bạo bệnh đã ăn mòn phần nào trí nhớ của tôi. Lịch làm việc, lên kế hoạch chuyện gì, hẹn hò với ai tôi đều ghi vào bộ nhớ của điện thoại, hoặc sổ tay.
Tôi tập sống chậm hơn, không hối hả, vội vàng như trước. Buổi sáng thì nghe một bản nhạc trữ tình trước khi bước chân xuống giường, buổi tối thì tập thiền, đọc kinh trước khi đi ngủ.
Thường công việc cứ ập vào đầu trước lúc ngủ và sau khi thức dậy, không biết xếp thứ nào trước, thứ nào sau. Những lúc đó, âm nhạc và những lời kinh Phật chính là liều thuốc giúp đầu óc tôi dịu lại” – Sĩ Luân chia sẻ.
Cho đến giờ, mỗi khi suy nghĩ điều gì căng thẳng, đầu óc của Luân lại nhức váng cả lên. Nhiều khi đang đi xe máy giữa chừng, tự dưng anh khựng lại, gục đầu lên tay lái. Sĩ Luân bảo anh chỉ biết giữ cho đầu óc luôn tỉnh táo, thanh thản, khi chớm một bất an nào đó trong người, anh sẽ dừng mọi việc lại để nghỉ ngơi.
“Còn rất nhiều người đang bon chen, tất tả tìm lấy sự giàu sang. Với tôi, trải qua tai nạn kinh hoàng, đã đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, tôi mới thấy cuộc sống này thật sự giá trị, và quý hơn hẳn là sức khoẻ, tinh thần, chứ không phải tiền bạc.
Tôi tâm niệm, nếu có rơi vào cảnh cùng cực, tôi cũng sẽ hướng suy nghĩ mình theo những điều tích cực. Nghĩ lạc quan bao giờ cũng giúp chúng ta sớm tìm ra đúng hướng đi cho mình” – Sĩ Luân chia sẻ tâm niệm của anh cuối buổi trò chuyện, đó cũng là lý do vì sao những nhạc phẩm của anh gần đây luôn mang nét tích cực, vui tươi.
“Tôi tập sống chậm hơn, không hối hả, vội vàng như trước. Buổi sáng thì nghe một bản nhạc trữ tình trước khi bước chân xuống giường, buổi tối thì tập thiền, đọc kinh trước khi đi ngủ”.
Nguồn tin: SGTT
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự